Bài dự thi viết về cuốn sách yêu thích của em lần thứ 10 - “Một thập kỷ vì văn hóa đọc cho thiếu nhi

Rê-mi - đoàn xiếc kì lạ và con bò hoàng tử trong “Không gia đình”

Với tuổi thơ, tôi thường đắm mình trong những câu chuyện cổ tích, lớn hơn xíu là sự hấp dẫn của truyện tranh và khi tôi đọc Nguyễn Nhật Ánh cũng là lúc tôi biết viết những câu văn giàu hình ảnh...

Tiểu thuyết "Không gia đình" từng khiến nhiều thế hệ thiếu niên yêu thích.

Nhưng một ngày nọ, khi mẹ tôi trao cho tôi cuốn sách ấy, cuốn tiểu thuyết dày cộm 657 trang - “Không gia đình” của Hector Malot, thực sự là một thách thức, một trải nghiệm mới với tôi. Tôi đã nhìn thấy mẹ tôi khóc khi bà đọc cuốn sách một mình trong phòng, tôi tin chắc chắn đó phải là một cuốn truyện cảm động bậc nhất…

Bài dự thi cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 10 - “Một thập kỷ vì văn hoá đọc” xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc địa chỉ Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Bài dự thi ghi rõ tên tuổi, trường lớp, địa chỉ và số điện thoại liên lạc.

Sự thật là từ trước tới giờ tôi chưa đọc một cuốn sách nào dày dặn đến thế, nên khi cầm cuốn tiểu thuyết trên tay tôi bắt đầu lo lắng. Nhưng tôi đã cam kết với mẹ rằng tôi sẽ đọc nó, và tôi không ngờ mình đã bị thôi miên. Cuốn sách như bộ phim hấp dẫn với những không gian giàu chất thơ của đồng cỏ, dòng sông, tình yêu thương...

Hơn 600 trang truyện là những nẻo đường Rê-mi đã đi qua những chuỗi ngày cơ cực, những đêm ngủ vùi trong tuyết, những mẩu bánh mì cầm cự ngày đói, những thói đời tàn nhẫn, những người bạn cùng cảnh... Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là hình ảnh đoàn xiếc thú với 3 con chó, 1 con khỉ, đã cùng cụ Vi-ta-li và cậu Rê-mi rong ruổi trên những nẻo đường thiên lý. Là chiếc thuyền Thiên Nga có cậu Ác-tơ tội nghiệp bên người mẹ xiết bao dịu dàng. Là những cánh đồng hoa và ánh mắt của cô bé Li-dơ say mê câu hát dân ca thành Na- plơ... Đó là cả một thế giới tuyệt đẹp, là những khoảnh khắc ấm áp trong cuộc đời bất hạnh của Rê-mi.

Và giống như mẹ, tôi đã khóc nức nở khi Rê-mi bị cha nuôi hằn học, khi Rê-mi bước theo cụ Vi-ta-li và ngoái tìm dáng má Bác-bơ-ranh trong xanh xa cây cỏ. Tôi đã khóc khi con Ca-pi chỉ đủ giữ ấm trái tim Rê-mi trong đêm mưa tuyết còn cụ Vi-ta-li đã chết cóng bên đống phân nhà bác A-canh. Tôi hồi hộp rồi sướng vui khi con bò hoàng tử - món quà của trái tim yêu thương mà Rê-mi và Mát-chi-a đem về cho má Bác-bơ-ranh. Cả sự dũng cảm của Rê-mi trong vụ lụt hầm và 14 ngày giành giật sự sống cùng những người thợ mỏ...

Sau bao gian truân và thử thách, “Rê-mi công tử” đã trở nên rắn rỏi, bản lĩnh biết bao. Rê-mi thành ông chủ gánh hát “thần thánh” bên cạnh tài năng âm nhạc Mát-chi-a và chú chó Ca-pi trắng muốt. Rê-mi có cả một gia đình đáng sống, đáng tự hào. Li-dơ xinh đẹp đã cất tiếng hát. Mát-chi-a “đầu to” thành nghệ sỹ của công chúng. Ác-tơ kiên cường sống và thuyền Thiên Nga thành biểu tượng của tình yêu thương, niềm mơ ước...

“Không gia đình” thực sự là cuốn sách đáng giá cho hành trang tuổi trẻ. Từng trang truyện là nến thắp để tình yêu thương lan tỏa, để bản lĩnh và kĩ năng sống được bồi đắp, để ta trân trọng hơn những gì mình đang có.

Trang sách cuối cùng đã khép, nhưng trong tôi câu hát ấy cứ ngân nga, đôi mắt nheo cười của Rê-mi còn thức mãi: Trái tim ta bừng lên như nến thắp/Mà lạnh lùng người đẹp vẫn thờ ơ...

NGUYỄN VƯƠNG MAI THY

(Lớp 9A1, Trường THCS Trần Phú, Đô Lương, Nghệ An)

Bạn đang đọc bài viết Rê-mi - đoàn xiếc kì lạ và con bò hoàng tử trong “Không gia đình” tại chuyên mục Tổng phụ trách giỏi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]