Truyền ối vào bào thai: Niềm hy vọng cho thai phụ bị thiếu ối

Hiện nay, có tới 4-5% sản phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối thai kỳ (lượng nước ối của thai phụ trong quá trình mang thai không đủ). Tuy nhiên, do không được chẩn đoán, can thiệp kịp thời... dẫn tới biến chứng thai kỳ như: thai nhi chậm phát triển, dị dạng thai nhi, đẻ non, thậm chí tước đi cơ hội sống của thai nhi.

Các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật truyền ối cho một trường hợp thai phụCác bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật truyền ối cho một trường hợp thai phụ

Theo BSCKI Nguyễn Thị Sim - Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (BV Phụ sản Hà Nội), nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển, đồng thời bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ; và là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp...

“Trong thai kỳ, tại mỗi thời điểm lượng nước ối là khác nhau. Thai 10 tuần tuổi, lượng nước ối chỉ khoảng 30ml nhưng 3 tháng cuối thai kỳ, lượng nước ối có thể hàng nghìn ml nhưng đến khi sinh, lượng nước ối chỉ còn khoảng 800ml. Thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, tức là khi chỉ số ối nhỏ hơn 50mm hoặc góc ối sâu nhất nhỏ hơn 20mm. Nặng hơn là tình trạng cạn ối khi góc ối sâu nhất nhỏ hơn 10mm. Trong quá trình đi khám thai, từ tuần thứ 8 - tuần 40, các bác sĩ sẽ luôn có động tác quan sát nước ối và đánh giá các tình trạng khác của thai.” - BS Sim thông tin.

Hiện có tới 30% số ca thiểu ối không tìm được rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, BS Sim cho biết: Thiểu ối thai kỳ thường là do thai phụ bị vỡ ối hoặc rỉ ối qua đường âm đạo, làm giảm lượng nước ối trong tử cung; hoặc mẹ có một số bệnh lý làm cho quá trình sản xuất nước ối trong bào thai giảm dần dẫn đến tình trạng thiểu ối. Một nguyên nhân khác nguy hiểm hơn là do thai nhi không có thận, hoặc có nhưng không hoạt động làm quá trình tạo nước ối trong giai đoạn phát triển thai nhi bị hạn chế.

Đáng nói, thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thiểu sản phổi, thai chậm phát triển, biến dạng mặt, chân tay, ngôi thai bất thường… Hậu quả nặng nề nhất là ảnh hưởng đến quá trình trao đổi tuần hoàn giữa bánh nhau và bào thai bị dừng, dây rốn bị ép chặt lại dẫn đến thai lưu.

Trước đây, các trường hợp bị thiếu ối thường được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch của mẹ. Nhưng biện pháp này hiệu quả thấp và chỉ kéo dài vài ngày. Vì thế, đa số các bác sĩ khuyên chủ động đình chỉ thai nghén trước khi đứa bé chết lưu trong cơ thể người mẹ. Điều này khiến nhiều gia đình chấp nhận mất con trong tuyệt vọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của sản phụ và người thân trong gia đình.

Điển hình như trường hợp thai phụ T.T.H (Hà Nam, mang thai ở tuần 24), tới BV Phụ sản Hà Nội điều trị. Bệnh nhân đã phải đứng trước quyết định vào viện đình chỉ thai nghén hoặc chờ thai lưu thì vào viện lấy thai ra. Nguyên nhân do thai phụ thiếu ối trầm trọng, thai nhi đã bị tử cung bó chặt, nguy cơ thai lưu là rất cao.

May mắn, bệnh nhân H đã được bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thực hiện điều trị bằng kỹ thuật truyền ối vào bào thai - một kỹ thuật hiện đại, còn mới mẻ ở Việt Nam. Với một lần truyền ối duy nhất, cùng nỗ lực chăm sóc, dưỡng thai của cả gia đình, thai phụ đã sinh được bé trai hoàn toàn khỏe mạnh ở tuần thứ 35.

Điều đáng mừng, em bé sinh ra không hề bị bất cứ một dị tật nào, phát triển hàng tháng đều đặn như một đứa trẻ đủ ối bình thường.Tới nay, em bé đã được sinh ra khoẻ mạnh, sinh lý bình thường như những trẻ em khác.

Chia sẻ về kỹ thuật truyền ối bào thai BS Nguyễn Thị Sim thông tin: Phương pháp này được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm. Bác sĩ sẽ xuyên kim nhỏ vào khoang tử cung. Sau đó thai phụ sẽ được bơm dịch đẳng trương vào buồng ối cho đến khi mức nước ối bình thường. Sau khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn trạng mẹ, siêu âm thai, xét nghiệm máu. Sau 2 ngày ổn định thì thai phụ sẽ được ra viện. Sau khoảng 1- 2 tháng nếu bệnh nhân lại có dấu hiệu thiểu ối, thì có thể được chỉ định truyền ối trong điều kiện cho phép và quá trình đó được duy trì đến khi thai có khả năng nuôi được.

Tuy nhiên, BS Sim cũng lưu ý: Truyền ối thực chất là truyền dịch vào bào thai, tăng thể tích nước ối cho bào thai. Điều kiện kể thực hiện kỹ thuật này là màng ối của thai phụ phải còn nguyên vẹn và tuổi thai trong khoảng 16 - 32 tuần. Việc truyền ối sẽ không thể thực hiện được với một số trường hợp thai nhi nhỏ hơn 16 tuần tuổi; chống chỉ định ối nhỏ hơn 25mm. Thai phụ bị rỉ ối, vỡ ối non hay thai dị dạng, nhiễm trùng cấp.

KHUÊ HƯƠNG

Bạn đang đọc bài viết Truyền ối vào bào thai: Niềm hy vọng cho thai phụ bị thiếu ối tại chuyên mục Nhịp cầu phụ trách của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]