Nhận cho, tặng tài sản khi không được công nhận là con nuôi

Bố đẻ em có một người bạn kết nghĩa từ khi hai người trong quân ngũ. Vì bác này lập gia đình nhưng không có con, nên năm em 10 tuổi bố mẹ em đồng ý để em làm con nuôi của vợ chồng bác. Em đã chuyển lên Hà Nội ở cùng vợ chồng bác từ đó đến nay.

Vừa rồi, khi bố mẹ nuôi của em dự định lập di chúc cho em toàn bộ tài sản thì bị anh em họ hàng phản đối, với lý do em không được pháp luật công nhận là con nuôi. Cũng chính vì vậy, bố mẹ nuôi em muốn tiến hành thủ tục chính thức nhận em làm con nuôi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương trả lời không thể thực hiện được vì em đã 17 tuổi. Em xin hỏi, trên thực tế em đã là con nuôi của bố mẹ nuôi em từ trước đó rất nhiều năm thì có được xem xét áp dụng ngoại lệ hay không? Nếu không được công nhận là con nuôi, có cách nào để em được nhận tài sản của bố mẹ nuôi mà không bị tranh chấp của họ hàng bố mẹ nuôi em hay không?

Phạm Văn Học (Nam Từ Liêm – Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi”.

Để xác lập quan hệ nuôi con nuôi, hai bên phải đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định. Cụ thể:

Điều 8 của Luật này quy định về người được nhận làm con nuôi như sau:

“1. Trẻ em dưới 16 tuổi.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi”.

Điều kiện đối với người nhận con nuôi được quy định tại Điều 14 của Luật này. Đó là:

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại Điểm b và Điểm c khoản 1 điều này”.

Như vậy, về nguyên tắc người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi. Bạn không nói rõ mình bao nhiêu tuổi, nhưng nếu tuổi hiện nay của bạn là từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, bạn chỉ được nhận làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế hay của cô, cậu, dì, chú, bác ruột.

Như vậy do không thuộc các trường hợp trên, bạn không đáp ứng điều kiện về độ tuổi của người được nhận làm con nuôi. Nói cách khác, hai bên không thể thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi.

*Về cho tặng tài sản, pháp luật hiện tại không quy định giữa hai bên cho tặng và nhận cho tặng phải có quan hệ nuôi con nuôi.

Chủ sở hữu hợp pháp có quyền định đoạt tài sản thông qua việc bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Bố mẹ nuôi trên thực tế của bạn có quyền định đoạt tài sản bằng cách tặng cho bạn. Thỏa thuận này được xác lập, có hiệu lực pháp lý và được pháp luật bảo vệ dựa trên hợp đồng tặng cho tài sản.

Theo Điều 457 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”.

Nếu tài sản cho tặng là động sản, Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Nếu tài sản cho tặng là bất động sản, Hợp đồng phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Khi hợp đồng tặng cho tài sản có hiệu lực làm phát sinh quyền sở hữu của bạn đối với tài sản được tặng cho. Người nào vi phạm quyền này của bạn, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư CAO HẢI

Bạn đang đọc bài viết Nhận cho, tặng tài sản khi không được công nhận là con nuôi tại chuyên mục Phong trào thiếu nhi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]