Biểu đồ khôi phục du lịch hình chữ U
Không thể kể hết những thiệt hại của ngành Du lịch do dịch COVID-19 gây ra. Ngay những người làm du lịch cũng khẳng định, chưa khi nào ngành Du lịch lại ảm đạm đến mức này. Tuy vậy, gạt qua những khó khăn, vấn đề đang được cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp tính đến là tìm phương án phục hồi ngành Du lịch khi dịch bệnh đi qua. Dù khả năng phục hồi được các chuyên gia tính tới mất khá nhiều thời gian. Cụ thể, du lịch nội địa phải mất chừng 2 - 3 tháng mới phục hồi, du lịch quốc tế mất ít nhất 6 tháng, thậm chí là hàng năm.
Khách du lịch và người dân tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Chi nhánh Hà Nội phân tích, thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) luôn là thị trường chủ lực, chiếm khoảng 60% - 70% tổng khách quốc tế đến Việt Nam. Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như phụ thuộc vào tốc độ khôi phục kinh tế và một số yếu tố khác, lượng khách của từng quốc gia có sự biến động khác nhau. Với tình hình của Trung Quốc hiện nay, khả năng phục hồi đối với lượng khách này vào dịp Đông - Xuân (từ tháng 11 đến tháng 3) rất thấp, dưới mức trung bình so với cùng kỳ.
Du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan dự báo sẽ khôi phục vào cuối năm. Thị trường Đông Nam Á, khả năng dự kiến sẽ phục hồi sớm hơn với tỷ lệ 50%, nếu dịch vụ hàng không mở cửa và dịch bệnh trong khu vực được kiểm soát tốt. Riêng thị trường châu Âu, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, chi phí du lịch bị kéo giảm sâu, do đó, có khả năng tháng 2, tháng 3 năm sau, lượng khách châu Âu mới có trở lại.
Tuy nhiên, mức tăng nhiều cũng ước đạt 30% so với cùng kỳ. Về thị trường châu Mỹ, lượng khách này chủ yếu tập trung vào đối tượng Việt kiều về nước dịp Tết và lượng khách đến Việt Nam vì công vụ. Nhìn chung, từ dịp Thu - Đông, lượng khách quốc tế dần phục hồi nhưng với tỷ lệ thấp. Dự báo, ước khoảng 5 năm nữa, ngành Du lịch mới hoàn toàn khôi phục như những năm 2018 - 2019.
Đối với du lịch nội địa, khả năng phục hồi sẽ có tốc độ nhanh, dự kiến khoảng tháng 8, tháng 9 sẽ có khách trở lại. Tuy nhiên khách tập trung theo từng nhóm nhỏ, gia đình hoặc nhóm bạn bè. Đây là cơ hội tốt để du lịch biển và các cơ sở lưu trú quảng bá, kích cầu. Khách du lịch Việt đi quốc tế, sẽ tập trung các tour ngắn ngày đến các nước lân cận.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Chi nhánh Hà Nội cũng khẳng định, biểu đồ khôi phục du lịch sẽ có hình chữ U, có giai đoạn khôi phục ở mức rất thấp, ngang và dần dần khởi sắc trở lại. Nếu kịp thời có vắc xin phòng dịch COVID-19, dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế khôi phục nhanh thì thời điểm thuận lợi để bắt đầu thu hút du khách trở lại sẽ từ dịp Tết.
Cũng đánh giá về khả năng phục hồi thị trường du lịch trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA cho rằng, du lịch sẽ phục hồi nhưng sẽ dần dần, không thể phục hồi theo kiểu hình chữ V, tức là xuống đáy xong bật lên mạnh mẽ được vì nhiều lý do như, người dân vẫn lo ngại dịch bệnh rình rập, không muốn đến những nơi tập trung quá đông người như khi ngồi trên máy bay, sân bay, các điểm du lịch... Sau khoảng thời gian dịch bệnh, đời sống kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng, do đó khả năng tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp không dồi dào nên chi phí cho du lịch cũng bị cắt giảm đầu tiên.
Theo nhận định của Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA, du lịch nội địa sẽ phục hồi đầu tiên. Còn du lịch đưa người Việt ra nước ngoài và đón khách nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ hồi phục muộn hơn, vì tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất căng thẳng. Phải mất 3 tháng sau khi thế giới hết dịch thì mới có khách đi lại, còn để phục hồi như trước dịch thì phải mất 2 năm.
Nhiều kịch bản phục hồi
Trước tình trạng dịch bệnh khiến ngành Du lịch ảnh hưởng mạnh, các cơ quan quản lý du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch đã tìm phương án phục hồi, có thể đẩy mạnh phát triển du lịch sau khi hết dịch.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Du lịch HanoiRedtours, trong thời điểm dịch bùng phát, đơn vị đã xây dựng các kịch bản: Kịch bản nâu đỏ, kịch bản vàng, kịch bản xanh lá tương ứng với từng mức độ, phục hồi của thị trường. Cụ thể, kịch bản nâu đỏ chính là thời điểm hiện tại khi các đường bay quốc tế bị tê liệt, đường bay nội địa hạn chế, chỉ có khả năng khai thác được các tour nội địa ngắn ngày. Kịch bản vàng là đường bay nội địa phục hồi, quốc tế chỉ một phần. Kịch bản xanh là phục hồi hoàn toàn trở về như bình thường.
Bà Vũ Thị Bích Huệ, đại diện Công ty Cổ phần Du lịch HanoiRedtours cho biết, việc xây dựng kịch bản ứng phó khá quan trọng để chủ động phát triển thị trường, thu hút khách du lịch. Trong quá trình xây dựng kịch bản, Công ty tập trung vào việc đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ, xây dựng các sản phẩm mới.
Trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 này, Công ty Cổ phần Du lịch HanoiRedtours tung ra sản phẩm kỳ nghỉ 2 ngày 1 đêm tại Flamingo Đại Lải, mang tính chất thăm dò và đánh giá nhu cầu thị trường. Chỉ sau ít ngày triển khai sản phẩm đã nhận được sự quan tâm nhiều của du khách. Dự kiến sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, HanoiRedtours sẽ chính thức cho ra mắt "chùm sản phẩm" với độ dài từ 2 - 4 ngày, có mức chi trả phù hợp tới các địa điểm được quan tâm như: Quan Lạn, Cô Tô, Hải Tiến, Cát Bà...
Theo đánh giá của các công ty du lịch, so với lượng khách quốc tế, đối tượng du khách là người Việt Nam có tiềm năng hơn vì đa phần, người Việt Nam có “thu nhập đa kênh”. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt và tinh thần người Việt lạc quan hơn. Các dịch vụ du lịch nội địa đa dạng cũng là yếu tố thuận lợi để thu hút du khách. Hiện, du lịch nội địa có rất nhiều loại hình, trong đó du lịch nghỉ dưỡng sẽ phát triển hơn du lịch tham quan và sẽ hình thành theo nhóm gia đình hoặc nhóm bạn trẻ đi với nhau. Thời điểm này họ có thể chọn điểm đi gần Hà Nội theo kiểu tự tổ chức đi.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để ổn định, từng bước phục hồi ngành Du lịch Thủ đô. Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động của lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố. Cơ quan này cũng phối hợp với Sở Công thương Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội triển khai hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch thuộc diện được miễn, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội chỉ đạo các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đang phục vụ khách du lịch đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho khách và nhân viên phục vụ. Nhiều giải pháp cũng đang được cơ quan quản lý du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tính tới nhằm sớm phục hồi ngành "kinh tế xanh" này khi dịch bệnh đi qua.