Tham luận tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ưu ái, dành sự quan tâm, chăm lo sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; dành cho đồng bào, chiến sĩ Thủ đô những tình cảm thân thương nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, kiểm tra công việc, động viên, khích lệ phong trào ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, đơn vị, trường học, vệnh viện và thôn xã; đến dự, nói chuyện rất chân tình tại nhiều hội nghị đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở Thủ đô.
UV Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo trực tuyến nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Công)
Người xác định vinh dự, tự hào và trách nhiệm to lớn của Thủ đô là “đàu tàu”, “gương mẫu”: Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô binh yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và chiến sĩ Thủ đô luôn ghi nhớ, coi lời dạy của Người là kim chỉ nam, là ngọn đèn soi sáng quá trình đổi mới, phát triển Thủ đô, để xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như mong muốn của Người.
Theo đó, TP đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chương trình để xây dựng văn hóa và người Hà Nội theo hướng đại diện cho văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nêu cao tinh thần “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã luôn chủ động, sáng tạo, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Chỉ tính từ năm 2008, Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống vật chất là tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Cụ thể là:
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, sự phát triển kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn Hà Nội giảm từ 3,65% (đầu 2016) xuống 2,57% (cuối 2017) và 1,81% (năm 2018)...
Các đại biểu dự hội thảo trực tuyến "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc" tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Công)
Hạ tầng xã hội, kỹ thuật tiếp tục được đồng bộ, gắn với phát triển nhà ở. Đến nay, TP đã hoàn thành và đang thực hiện 43 dự án nhà ở xã hội với trên 4 triệu m2 sàn. Diện tích nhà bình quân năm 2018 đạt 25,86m2/đầu người. Tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng và đô thị với 2.299 dự án, 12.855ha đất được bàn giao; diện tích cây xanh đạt 7,94 m2/người…
TP đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Đến hết 2019, đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 355/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Hệ thống điện lưới quốc gia phủ khắp các địa bàn; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,48 triệu đồng. TP cũng triển khai mạnh mẽ các chương trình: Cấp nước sạch vùng nông thôn (đến nay đạt 57%); Các dự án cấp nước sạch theo hình thức xã hội hóa đã phủ 94% dân số vùng nông thôn…
Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. 100% giáo viên đứng lớp có trình độ đạt chuẩn theo quy định. 100% quận, huyện đã đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi (vượt trước 2 năm so với toàn quốc), phổ cập THCS đạt 9,36%, phổ cập THPT đạt 90%. Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục THPT, là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống số điểm, sổ liên lạc điện tử tại các trường học.
Hệ thống y tế phát triển đồng bộ; 100% phường, xã có TYT, 100% TYT có bác sĩ công tác tại trạm, các hình thức chăm sóc sức khỏe nhân dân được đa dạng hóa, bước đầu hình thành cơ sở y tế tuyến chuyên sâu, kỹ thuật cao đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đến cuối 2018, TP đạt tỷ lệ 26,5 giường bệnh/10.000 dân, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Ngoài ra, hoạt động thể thao của TP cũng tiếp tục có bước phát triển. Năm 2020, Hà Nội chính thức được trao quyền đăng cai giải đua xe công thức 1, tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á – Sea Game 31 vào năm 2021…
Về chính sách với người có công và công tác an sinh xã hội, hàng năm, vào các dịp lễ, Tết và kỷ niệm ngày 27/7, TP đều tổ chức gặp mặt, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công tiêu biểu từ cấp TP đến cơ sở; xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa được 344.311 triệu đồng (từ 2008-2018), xây dựng, sửa chữa 6.946 nhà tình nghĩa, tặng 60.893 sổ tiết kiệm tình nghĩa, tu sửa, nâng cấp 1.310 công trình ghi công, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng…
Để tiếp tục thực hiện tư tưởng và những lời dạy quý báu của Bác, trong những năm tới Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
THẢO HƯƠNG