Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020:

Nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại vì dịch Covid-19, giờ là lúc bật lên để phát triển

Sáng 9/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Hội nghị nhằm lắng nghe, bàn về các giải pháp cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, thúc đẩy cơ hội phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

 

Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp từ đầu nhiệm kỳ.Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp từ đầu nhiệm kỳ.

Đây là hội nghị lần thứ tư Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp (DN) từ đầu nhiệm kỳ. Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu ở 63 địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành, với dự kiến có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh, người dân trên toàn quốc có thể theo dõi.

Nhìn nhận khó khăn để bàn biện pháp tháo gỡ

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, Việt Nam đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, như bao biến cố lớn trong lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng, dù trải qua mất mát. Việt Nam đã thành công bước đầu trong chống dịch Covid-19. Đó là do Việt Nam có sẵn sức đề kháng của tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tuân thủ của người dân.

“Điều này cho thấy chân lý: Nếu mỗi người chấp nhận hy sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì tất cả đều được lợi. Mặt khác, Đảng, Nhà nước đã có quyết sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời và đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng đừng lo lắng, vì dịch đã cơ bản bị đẩy lùi, được kiểm soát tốt ở Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong quý I/2020, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 3,82%, mặc dù là mức thấp trong nhiều năm qua nhưng là mức cao so với nhiều nước, thậm chí là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 ở mức 2,7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị, kêu gọi tinh thần đoàn kết, cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tếThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị, kêu gọi tinh thần đoàn kết, cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng, trước thách thức của dịch bệnh, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa nỗ lực phát triển sản xuất. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19.

“Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc” và giờ tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần được thúc đẩy. Chúng ta nhiều lần nêu vi rút trì trệ, nhưng đừng nhìn sang cơ quan, tổ chức, địa phương khác mà vi rút này nằm ngay trong bản thân, tổ chức, địa phương và ngay trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng cho rằng nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại vì dịch Covid-19, giờ là lúc bật lên để phát triển. Vì thế,cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như IMF dự báo chỉ 2,7%.

6 đề nghị của Thủ tướng đến cộng đồng doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 6 đề nghị đến cộng đồng doanh nghiệp: Thứ nhất là yêu Tổ quốc. Yêu Tổ quốc là thượng tôn pháp luật, chia sẻ với Tổ quốc. Thời gian qua đã có nhiều tấm gương doanh nghiệp chia sẻ với đất nước trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp lớn đóng góp lớn, doanh nghiệp nhỏ đóng góp nhỏ. Thứ 2 đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình. Thứ 3 là không được nản chí, bởi nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn những khó khăn thách thức, nhưng doanh nghiệp cần vượt qua. Thứ 4, doanh nghiệp cần năng động, quyết đoán. Thứ 5, doanh nghiệp cần sáng tạo, vì thiếu sáng tạo thì tự mình tụt lại phía sau. Thứ 6, cần có niềm tin, vì không có niềm tin là tự chối bỏ mình.

 Việt Nam xác định, doanh nghiệp có vị trí chủ chốt trong phát triển kinh tếViệt Nam xác định, doanh nghiệp có vị trí chủ chốt trong phát triển kinh tế.

Sau bài phát biểu của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo "Đánh giá khó khăn, thách thức và nỗ lực của các doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19". Theo đó, qua khảo sát gần 130.000 DN vào tháng 4/2020 cho thấy khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong số các DN có hoạt  động xuất khẩu, tỷ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%. Theo ngành kinh tế, một số ngành công nghiệp trọng  điểm  đang phải đối mặt với những khó khăn khi hầu hết các DN quy mô lớn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu.

Doanh thu quý I/2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn  gần  70%  cùng  kỳ năm  2019.  Mặc dù  doanh  thu bị giảm  mạnh  so  với  kế hoạch đề ra, các DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao  động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng.

Báo cáo tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng cho thấy,  đại dịch Covid-19 cũng đã có những tác động hết sức nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Riêng về lĩnh vực việc làm, gần 80% doanh nghiệp thông báo sẽ phải giảm lao động, trong đó mức cắt giảm lao động phổ biến từ 10% đến 50%. Việc cắt giảm lao động nhiều nhất diễn ra trong các doanh nghiệp tư nhân (70%), ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (81%), công nghiệp chế biến chế tạo (78%).

Đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, điện tử, chế biến thực phẩm… thì số lao động bị mất việc làm có thể lên tới hàng triệu người trong thời gian tới. Tình trạng thu hẹp sản xuất, mất việc làm, giảm tiền lương có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tinh thần làm việc của người lao động. Có trên 2/3 số chủ doanh nghiệp cho biết người lao động trong doanh nghiệp lo lắng, không an tâm.

Tạo điều kiện phát triển DN, khôi phục kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ghi nhận cho thấy, cộng đồng DN đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động có giải pháp tự cứu mình.

Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn vừa qua, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức; nhiều DN đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Bộ Kế hoạch đầu tư đã đưa ra quan điểm, trong giai đoạn tới, cần hỗ trợ tối  đa cho DN phát triển; Coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo  điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như  đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Cũng theo bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp là cần rà soát cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho DN; Đặc biệt, phải loại bỏ triệt  để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và DN của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một sốbộ, cơquan trung ương và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở; Việc xây  dựng  các chính sách liên quan đến hoạt  động đầu tư kinh doanh theo hướng chọn - bỏ, dễ hiểu, dễ áp dụng, đảm bảo thực thi chính sách một cách thống nhất, kịp thời, có tầm nhìn dài hạn,  ổn  định, không phân biệt  đối xử, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã kiến nghị các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, nhấn mạnh việc Chính phủ cần tăng cường nguồn lực về con người và tài chính  cho các Quỹ Hỗ trợ DNNVV và đặc biệt là các Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Hiện nay toàn quốc có 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng trực thuộc các tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn là hơn 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so  với  nhu  cầu  của  cộng  đồng  doanh  nghiệp,  nhất  là  trong  thời  kỳ  đại  dịch Covid-19.

Theo ông Thân, ngoài việc  đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường tiềm năng dựa trên lợi thế của các Hiệp  định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, cũng như các hiệp  định mà Quốc hội sắp thông qua như Hiệp  định EVFTA và EVIPA,  Chính  phủ cần  tập  trung  khai  thác  thị trường  nội  địa  trên  tinh  thần “người Việt Nam  ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí,  ăn uống cần  được chú trọng mở rộng vào  ban  đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, các tổng công ty, tập  đoàn lớn của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và Hàn Quốc đang có xu hướng dịch chuyển “nóng”qua các quốc gia khác. Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển mạnh, nền chính trị vững vàng, trật tự an toàn xã hội  ổn định và có tỷ lệ dân số“vàng”  hấp dẫn. Do  đó,  đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đánh giá, hội nghị là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang dẫn đầu trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. như một hình mẫu cho các quốc gia khác. EuroCham cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia… cũng đã phát biểu ý kiến, đồng thời cam kết vượt khó, nỗ lực, cùng Chính phủ phát triển nền kinh tế.

Thủ tướng: Việt Nam đang thiết lập trạng thái bình thường mới

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa đánh giá cao thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã đi trước nhiều nước trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, hiện nay đã thiết lập trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Việt Nam sẽ tiếp tục mời các chuyên gia, nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để cùng Việt Nam hợp tác phát triển kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định doanh nghiệp có vị trí chủ chốt trong phát triển kinh tế. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan Nhà nước cần quan tâm, tạo môi trường tốt, hỗ trợ về chính sách, tiền tệ, tài khóa, giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn… để doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có câu “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, khó khăn 1 thì chúng ta phải cố gắng gấp 3 để vượt qua, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn lẩn quất đây đó. Hiện nay là thời điểm chúng ta cần đoàn kết, quyết tâm, lập thành tích cao nhất đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

 HOÀNG LAN

 

 

Bạn đang đọc bài viết Nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại vì dịch Covid-19, giờ là lúc bật lên để phát triển tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]