Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020):

Một đời Người vì nước, vì dân

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo không chỉ khẳng định vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các em học sinh trường THCS Trưng Vương Hà Nội (5/1956)Chủ tịch Hồ Chí Minh với các em học sinh trường THCS Trưng Vương Hà Nội (5/1956) (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trái tim Người luôn dành để cống hiến

“Cuộc đời Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới. Hồ Chí Minh không chỉ yêu Tổ quốc và nhân dân mình, Người còn luôn mơ ước, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, hoà bình và hạnh phúc cho tất cả những người cùng khổ. Vạch đường, chỉ lối, đoàn kết họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định thực hiện khẩu hiệu nổi tiếng: Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! Trái tim Người, cho đến hơi thở cuối cùng, vẫn dành để cống hiến cho mọi người, cho dân tộc và cho nhân loại…”, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh tại hội thảo.

Nhiều tham luận một lần nữa khẳng định cuộc đời vĩ đại, cao cả mà vô cùng giản dị, thanh tao của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập, noi theo.

Tham luận “Bác Hồ dạy cách làm Người” với những phân tích, hồi tưởng của nguyên Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, TS. Trần Viết Hoàn khẳng định tấm gương đạo đức, nhân cách sống cao đẹp, vĩ đại được thể hiện trong sự giản dị, mộc mạc và đơn sơ của Người. Ông Trần Viết Hoàn năm xưa là cận vệ của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Trong ký ức của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là con người của lòng nhân ái. Lòng nhân ái của Người sâu thẳm như biển cả, nhưng đồng thời lại thiết thực như hạt gạo, hạt muối.

“Mục đích cao nhất của cuộc đời Bác Hồ là làm sao cho mọi người đều có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Giữa mùa đông rét mướt, Bác đã từng cởi chiếc áo của mình cho một tù binh. Bác không thích gọi một trận đánh tiêu diệt nhiều địch là một trận đánh đẹp. Bác thích cái đẹp, cái nghĩa ở đời là tình người thương yêu lẫn nhau” - ông Hoàn nói.

Nguyên Giám đốc Khu di tích Trần Viết Hoàn cũng khẳng định, những lẽ sống ở đời mà Bác Hồ đã nêu gương sáng, là mẫu hình của vị anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa lớn của thời đại, người cộng sản mẫu mực và chiến sĩ quốc tế trong sáng, thủy chung, tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước thương dân, về tư tưởng, trí tuệ, về nhân cách, đạo đức, lối sống cho các thế hệ Việt Nam. Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ là ở chỗ, dù việc lớn hay nhỏ, đối với Người bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm. Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói thì Người thực hiện nhịn ăn trước. Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính thì Người đã sống giản dị, thanh bạch, khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền thời đó, đến khi nhận một chút tài sản của Đảng, của nhân dân dành cho thì Người đã nhận một ngôi nhà sàn.

Nhớ mãi sự giản dị, ấm áp và tình cảm gần gũi của Bác, người cận vệ già xúc động: “Chúng ta chỉ có thể học tập, quán triệt và làm theo lẽ sống ấy của Người thì mới đáp đền sự mong muốn của Người…”.

Học Bác nêu gương sáng

“Học, làm theo đạo lý làm người mà Bác Hồ đã nêu gương sáng, đấy là kỳ vọng mà nhiều người trông chờ vào cuộc vận động “Học, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...”, ông Trần Viết Hoàn cho biết. Học Bác lẽ sống ở đời cũng là điều người cận vệ sau những ngày tháng cận kề bên Bác luôn ấp ủ. Ông trăn trở trước những căn dặn của Người: “Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác không quên dặn lại “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải chăng Bác muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta rằng “Tình yêu thương lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu để đảm bảo đoàn kết và bao trùm lên tất cả trong các quan hệ giữa người với người? Nếu không xuất phát từ tình yêu thương lẫn nhau sẽ chẳng điều gì có nghĩa cả”. Tình yêu bao la đã tạo nên một huyền thoại về lòng nhân ái Hồ Chí Minh, đó là lòng yêu trẻ, kính già, tôn trọng phụ nữ, thương yêu mọi người, nhất là nhân dân lao động.

PGS.TS Doãn Thị Chín, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nêu những luận điểm về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh của người cán bộ, đảng viên hiện nay. Bà nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh chỉ rõ: có người cho rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín, thể diện, thì phải làm việc cho giỏi. Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy chàng Sở Khanh chẳng nhiều thể diện oai tín lắm ư?”. Hiện nay, có không ít cán bộ ăn chơi hoang phí, xa xỉ, trong khi nhân dân còn nhiều người đói khổ, họ không biết hoặc cố tình quên rằng, hoang phí, xa xỉ công sức, tiền của nhân dân “là một tội ác”. Cũng có không ít cán bộ thể hiện uy tín, thể diện của mình bằng những trang bị vật chất xa hoa mà ít quan tâm đến hiệu quả công việc, đến nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Họ không biết rằng, làm như vậy là họ đã tự xa dân, tự đánh mất đi niềm tin của quần chúng…”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông một lần nữa khẳng định: “Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng sáng ngời trong lịch sử loài người thế kỷ XX và mãi mãi về sau, một thiên tài “thể phách đã mất mà tinh anh muôn thuở vẫn còn”, một tấm gương của vị lãnh tụ kiên cường, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội, củng cố, phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc trên toàn thế giới”.

Ông cũng cho biết: “Hướng đến kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là hoạt động vừa góp phần bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của các thế hệ người Việt Nam trước công ơn to lớn của Bác với đất nước và dân tộc, đồng thời là việc làm thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

THANH PHƯƠNG

Bạn đang đọc bài viết Một đời Người vì nước, vì dân tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]