Việt Nam là câu chuyện chống dịch Covid-19 thành công (Ảnh: AP)
Công thức chống dịch thành công của Việt Nam
Mỹ ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 1. Cùng tuần đó, virus SARS-CoV-2 cũng chính thức có mặt tại Việt Nam. Kể từ đó tới nay, Mỹ đã có trên 1,3 triệu ca mắc Covid-19 và trên 80.000 người tử vong. Trong khi đó, Việt Nam chưa có ca tử vong nào trong số chưa đầy 300 ca.
Trang pri.org đánh giá đây là kết quả không tồi với một quốc gia 95 triệu dân. Nhiều người Việt Nam chỉ kiếm được vài trăm đô la mỗi tháng, ít hơn số tiền đa số người Mỹ chi cho thức ăn. Pri.org đặt câu hỏi: Liệu có quốc gia nào với dân số tương đương nước Mỹ khắc phục được Covid-19 tốt như vậy với chi phí thấp hay không?
Trang pri.org đánh giá: Lãnh đạo Việt Nam đã không bỏ phí thời gian và xem đại dịch là kẻ thù. Ở Việt Nam, các thông báo đều cảnh báo virus đang đe dọa nhân loại và Việt Nam đã bước vào cuộc chiến mà trong đó mọi người đều là người lính. Nếu có nước nào chiến thắng trong mọi cuộc chiến bất chấp khó khăn thì đó chính là Việt Nam.
Tuy nhiên, người dân Việt Nam không cần giới chức phải thúc ép nhiều mới nhận ra cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc đấu tranh sinh tử. Người dân đã liên tưởng tới dịch SARS đầu những năm 2000.
Mấu chốt là ở chỗ Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng kêu gọi hành động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ riêng lời kêu gọi của chính phủ thôi thì chưa đủ. Công thức thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh là chính sách mạnh mẽ và người dân đồng lòng.
Trong quá trình giãn cách xã hội, các cửa hàng được phép mở cửa đều có nhiệt kế và chất khử khuẩn riêng để sàng lọc khách hàng ngay từ cửa. Trên đường phố, tranh và áp phích tuyên truyền có khắp nơi, khắc họa các y bác sĩ như những chiến sĩ du kích.
Trong chiến dịch tuyên truyền, Việt Nam còn cho ra đời một bài hát siêu dễ nghe để nhắc người dân rửa tay và đeo khẩu trang. Bài hát “Ghen Cô Vy” lan truyền nhanh chóng trên mạng và đã có hàng chục triệu lượt xem trực tuyến.
Các chiến dịch truyền thông lớn được tiếp thêm sức mạnh bằng luật pháp, theo đó người vi phạm quy định phòng chống dịch sẽ bị xử phạt nghiêm. Người không đeo khẩu trang có thể bị phạt tù nếu làm nhiễm bệnh cho người khác.
Cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, người dân đang bắt đầu hưởng thành quả thành công. Nhiều cửa hàng và trường học đang thận trọng mở cửa trở lại. Cảnh tấp nập điển hình ở các thành phố lớn đang dần trở lại.
Điểm sáng trên mặt trận kinh tế
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyên gia nhận định Việt Nam dường như vẫn là môi trường nhiều hấp dẫn với nhà đầu tư và nhà sản xuất.
Trong quý đầu, dù có đại dịch nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 3,82%. Đây là nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019. Đánh giá về mức tăng trưởng của Việt Nam, ADB cho biết tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 sẽ đạt 4,8%, lạm phát ở mức 3,3%. Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á. Các doanh nghiệp FDI cũng lạc quan về kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp Đức ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng trong dịch bệnh nhưng gần 90% doanh nghiệp được khảo sát không có ý định giảm đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ mức tích cực sang mức ổn định do các ngành như xuất khẩu, du lịch… bị ảnh hưởng. Mức BB cho thấy Việt Nam vẫn là điểm sáng về tín nhiệm. Fitch cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ trở lại năm 2021 với tỷ lệ dự kiến 7,3%.
Dương Thùy (theo pri.org)