Đường Cổ Ngư và mặt trời của những hoàng hôn thơ mộng

Đường Cổ Ngư đặc biệt hơn rất nhiều các con đường khác ở Hà Nội, bởi chỉ một đoạn ngắn thôi nhưng nó cất giữ bao huyền tích, lịch sử, những điểm đến và đặc biệt là cảm xúc riêng của rất nhiều người mà tôi không là ngoại lệ.

Giờ đây, cứ rảnh là tôi lại vòng lên con đường này, vào những ngày hoàng hôn tuyệt đẹp, các bạn trẻ ở khắp nơi cũng kéo về Cổ Ngư chụp ảnh mặt trời lung linh phía đằng Tây …

Thật thú vị khi con đường lãng mạn, thoáng, đẹp nhất đất Hà Thành này đã bao lần thay da đổi thịt, mang tên khác nhau mà chúng tôi chỉ thích mỗi cái tên bị gọi “trẹo” đi của nó: Cổ Ngư. Và mỗi lần nhắc tới Cổ Ngư, câu ca từ quen thuộc lại vang lên: “Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về…”.

Những ngày đầu tôi ra Hà Nội học, là từ những năm 1996 của… thế kỉ trước, Hồ Tây đối với chúng tôi thật mê hoặc, huyền ảo bởi những câu chuyện truyền thuyết nơi đây. Đặc biệt, với lứa tuổi vừa mới lớn lên, tóc còn thơm hương hoa bưởi, cỏ mần trầu và móng chân vằn vằn những lớp màu vàng do lội bùn kỳ không sạch thì chuyện Trâu Vàng vùng vẫy gọi mẹ để biến thành đầm Kim Ngưu (tên gọi xa xưa của Tây Hồ) thực sự ấn tượng.

Đường Cổ Ngư - một trong những con đường đẹp của Thủ đô Hà Nội.Đường Cổ Ngư - một trong những con đường đẹp của Thủ đô Hà Nội.

Thời đó, những năm 1999 hay đầu những năm 2000 người dân Hà Nội vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện ly kỳ về vùng hồ này, ví như cứ có giông hay gió bão lật đổ cây người ta lại xì xào: Ngài Trâu Vàng “hiện” về giữa gió bão và tạo thành lốc xoáy giữa Hồ Tây. Người ta còn kháo nhau rằng: Nhất định dưới lòng hồ có đường ngầm thông ra sông Hồng nên nước ở đây không bao giờ cạn và thường ngày cũng lên xuống như có thủy triều dù trời chẳng mưa to hay nắng gắt.

Chẳng biết thực hư hay dở gì nhưng bọn trẻ chúng tôi thích mê những câu chuyện như vậy và cứ được nghỉ học lại kéo cả bầy lên ven Hồ Tây, trên đường Cổ Ngư, trải áo mưa mảnh ra, bày đủ các thứ hoa quả và đồ ăn vặt mang theo ngồi râm ran trò chuyện cả buổi hoặc say mê hút vào tiếng guitar bạn gảy, hòa giọng một ca khúc thân quen…

Mỗi dịp hè về quê mình, tôi đem chuyện Hà Nội kể với bà, bà ngoại tôi chăm chú lắng nghe rồi sợ tôi yêu đương mà rủ nhau ra hồ thậm thụt sẽ phải tội nên dặn đi dặn lại: “Hồ Tây thiêng lắm, là nơi Thánh Mẫu hiển linh, lại có ngài Trâu Vàng vẫn thường hiện ra để phù trợ người dân lành thành cổ. Các cháu phải biết để không làm điều gì xằng bậy ở đấy, có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Tôi đã mày mò lùng tìm những câu chuyện về sự hiển linh của Thánh Mẫu tại Tây Hồ và ngạc nhiên thích thú khi phát hiện ra sự liên hệ giữa việc di chuyển của Mẫu Liễu Hạnh từ vùng núi Tam Điệp - Ninh Bình với hai đền thờ nổi tiếng linh thiêng là Đền Dâu và Đền Quán Cháo ra tới Phủ Mẫu - Tây Hồ. “Trẻ người non dạ” tôi đinh ninh Mẫu cũng có chút… “đồng hương” và yên tâm Ngài sẽ phù hộ cho chúng tôi, những người con từ Ninh Bình ra Hà Nội học. Bởi vậy, sau này, khi đi làm, tôi nhất định thực hiện một mơ ước: đó là được… đi dạo Hồ Tây vào ban đêm, biết đâu, tôi lại cảm nhận được điều gì đó…

Thật lạ kỳ, ước mơ ấy thành hiện thực. Vào một đêm mùa đông tuyệt đẹp, tôi được nhóm bạn mời dự cuộc du lịch bằng du thuyền trên Hồ Tây, vừa nghe đàn tranh thánh thót vang lên, tiếng ca trù dìu dặt do các nghệ nhân thể hiện và ngắm trời Tây Hồ huyền ảo vi vút trong gió lạnh đêm đông. Tôi lần ra phía sau thuyền, nơi chỉ có trời và nước, hồi hộp tới vỡ tim mong điều kỳ ảo nào đó hiện về, nhưng mặt hồ bình lặng quá, không gian tĩnh mịch yên lành và âm nhạc như xa, như gần, như mơ hồ, hư thực theo từng làn gió khiến tôi hút vào thực tại, quên mất mong ước ngây ngô lúc ban đầu…

Giờ đây, sau gần 20 năm, mạng internet phát triển, thời đại của công nghệ thông tin nên chỉ lên mạng gõ cụm từ cần tìm đã có bao nhiêu điều hay ho về Tây Hồ hiện ra trong phút chốc, như một phép màu mới càng thấy yêu thích con đường này đến lạ. Những lúc rảnh tôi vẫn vòng xe lên đây dạo hoặc đứng lại ven hồ hít thở không khí trong lành. Rất nhiều bạn trẻ ở các nơi cùng du khách nước ngoài cũng đổ về đây ngắm mặt trời chiều và hoàng hôn Tây Hồ diễm lệ, thực hiện những bức ảnh đẹp.

Chỉ hơn 1km thôi mà con đường Cổ Ngự (giữ cho vững) bị gọi “trẹo” thành Cổ Ngư, từng có tên Pháp là Lyoutey và Bác Hồ đặt lại là đường Thanh Niên đã gói ghém bao huyền tích, lịch sử và cả những điểm đến đã đi vào ca dao, thơ, phú, nhạc họa tự thuở xa xưa cho tới tận bây giờ với mấy ngàn năm tuổi…

THỤC NHI

Bạn đang đọc bài viết Đường Cổ Ngư và mặt trời của những hoàng hôn thơ mộng tại chuyên mục Phong trào thiếu nhi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]