Dự buổi tiếp xúc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Bùi Huyền Mai; lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.
Tại buổi tiếp xúc, đã có 7 lượt phát biểu của các cử tri, trong đó, tập trung vào một số nội dung: kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; giáo dục đào tạo; phát triển đô thị; cân đối thu chi ngân sách…
Cử tri Nguyễn Phi Cách, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hoài Đức cho biết: Dư luận và nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức phòng chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở, không để dịch bệnh lây lan trên cộng đồng. Dư luận cũng đồng tình, tin tưởng cao với bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác cán bộ làm trong sạch bộ máy lãnh đạo; đồng tình cao trước kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay của Đảng, Quốc hội.
Cử tri Vương Văn Lâm (Phòng Giáo dục huyện Hoài Đức) cho biết: trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế- xã hội, công tác giáo dục - đào tạo có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp gây quá tải cho các trường học. Vì vậy, cử tri đề nghị Trung ương và TP Hà Nội cho quy hoạch hệ thống trường phổ thông trên địa bàn huyện.
“Căn cứ vào số liệu thực tế thực tế thời điểm hiện tại, số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm học 2021-2022, có nhu cầu vào lớp 10 THPT công lập năm 2022-2023 là 4.300 học sinh. Với đà tăng dân số cơ học, trong khoảng 2-3 năm tới, dự kiến, số học sinh có nhu cầu vào lớp 10 THPT công lập là khoảng hơn 5.300 học sinh. Trong khi đó, 4 trường THPT công lập trên địa bàn huyện được giao hàng năm là khoảng 2.300 học sinh (do điều kiện cơ sở vật chất) tương ứng với 41,5% học sinh tốt nghiệp THCS có cơ hội được học THPT công lập” – Cử tri nêu.
Cử tri cũng kiến nghị thành phố quy hoạch xây dựng thêm các trường THCS và Tiểu học ven sông Đáy, đáp ứng nhu cầu học tập của các con em trên địa bàn bởi những năm gần đây số lượng học sinh tăng nhanh nhưng cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng chương trình học 2 buổi trong ngày.
Cử tri Nguyễn Thị Thuyên, Phó trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện cho biết, trong những năm qua, thu ngân sách trên địa bàn cơ bản đều đạt cao so với dự toán thành phố giao. Tuy nhiên, cân đối thu chi thường xuyên của huyện chưa đạt yêu cầu đề ra. Cử tri cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 3.438 hộ kinh doanh, 3.540 doanh nghiệp. Trong đó, có 106 doanh nghiệp thuê đất tại Hoài Đức nhưng kê khai thuế tại Cục thuế TP và các quận huyện khác. Vì vậy, cử tri đề nghị ngành thuế, Quốc hội và TP Hà Nội ủy quyền cho huyện thu đối với một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn và hưởng 100% nguồn thu trên địa bàn để sớm hoàn thành tiêu chí này trong năm 2021.
Đóng góp vào Luật đất đai, cử tri huyện Hoài Đức đề nghị Chính phủ ban hành VBQPPL định cụ thể trách nhiệm pháp lý đối với các trường hợp bị thu hồi đất không thi hành quyết định thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ANQP. Đồng thời, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, tổng kết đánh giá và xem xét sửa đổi bổ sung một số điều của Luật để gỡ nút thắt trong việc thu hồi đất, đảm bảo lợi íh quốc gia, doang nghiệp và người dân…
Bên cạnh đó, cử tri huyện Hoài Đức cũng phản ánh, huyện Hoài Đức nhiều khu dân cư sinh sống dọc sông Đáy, tuy nhiên, vào mùa kiệt, dòng sông hầu như không có dòng chảy, gây khó khăn về nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất của người dân. Do vậy, cử tri đề nghị TP có giải pháp tiếp nước từ sông Tích vào sông Đáy để phục vụ sản xuất, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và từng bước làm sống lại dòng sông Đáy.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri huyện Hoài Đức. Trao đổi về một số nội dung cử tri nêu, liên quan đến ý kiến về mục tiêu phát triển Hoài Đức trở thành quận, Bí thư Thành ủy cho rằng, một trong những tiêu chí khó khăn nhất mà huyện phải tập trung thực hiện là cân đối thu chi ngân sách. Muốn trở thành quận, Hoài Đức phải thu ngân sách phải bảo đảm đủ chi, không để thành phố phải hỗ trợ. Theo đó, huyện phải tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nhất là khai thác thế mạnh là công nghiệp làng nghề...
Đề cập ý kiến quy hoạch và xây dựng thêm trường học trên địa bàn huyện, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, quá trình làm việc với huyện Hoài Đức và các quận, huyện vừa qua, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các địa phương không vì quá chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại mà lơ là quy hoạch hạ tầng xã hội, nhất là bảo đảm quỹ đất xây dựng trường học. Đồng chí cho biết, Đoàn ĐBQH TP sẽ quan tâm giam sát về việc này.
Trả lời ý kiến cử tri đề nghị thành phố quy hoạch một số ô đất thuộc quy hoạch phân khu đô thị S3 dọc trục Hồ Tây - Ba Vì để thu hút đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ và nhà ở, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trục Hồ Tây - Ba Vì theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, là trục kết nối phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, kết nối văn hóa Thăng Long - Tràng An với văn hóa xứ Đoài, chứ không đơn thuần là đường giao thông và có ý nghĩa rất quan trọng. Các ô đất nêu trên là đất cây xanh, nên quan điểm của thành phố là không thể hy sinh đất này để làm công nghiệp, thương mại được. Đối với những quy hoạch tương tự, tinh thần chỉ đạo chung của thành phố là không hy sinh lợi ích lâu dài vì mục tiêu kinh tế trước mắt, nhất là tuyệt đối không có chuyện phân lô bán nền làm các dự án không phù hợp với quy hoạch.
NHÓM PV/hanoi.gov.vn