Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.
Nữ Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường Trúc Bạch, quận Ba Đình Đào Vân Anh trò chuyện với người dân và các em nhỏ trong khu phố
Học Bác để hoàn thiện bản thân
Năm nay, ông Tạ Quang Chiến-nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao bước sang tuổi 96. Năm tháng thời gian khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng, thường xuyên phải ngồi xe lăn nhưng ông vẫn giữ cho mình sự mẫn tiệp, nề nếp học tập và làm theo Bác Hồ rất quý.
Ngày 19/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) và biểu dương, khen thưởng các tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu 5 năm (2015-2019). Hội nghị được xem là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020); là nguồn động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020, nhất là trong bối cảnh TP đang thực hiện nhiệm vụ “kép”: vừa đẩy lùi đại dịch Covid-19 vừa tập trung phát triển kinh tế.
Tên thật là Nguyễn Hữu Văn nhưng ông được biết đến nhiều hơn với cái tên Tạ Quang Chiến - tên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho vào năm 1947. Những năm tháng đó, ông Chiến vinh dự được lựa chọn là một trong 8 cận vệ được làm việc cùng Bác và được Bác đặt tên theo khẩu hiệu “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đội cận vệ chỉ còn lại một mình ông. Người cán bộ lão thành cách mạng với 75 năm tuổi Đảng luôn mang trong mình niềm tự hào và may mắn có thời gian 10 năm được trực tiếp giúp việc cho Bác (1947 – 1957), được chứng kiến những câu chuyện cảm động về Người, cảm nhận sâu sắc sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của Người dành cho đồng bào, đồng chí và cán bộ.
Trong câu chuyện kể về Bác, nhiều lần ông xúc động: “Tư tưởng lớn mà Bác Hồ kính yêu đau đáu, trăn trở suốt cuộc đời, đó là tất cả vì nước vì dân để nước nhà độc lập tự do, thịnh vượng; nhân dân ấm no, hạnh phúc. Bác Hồ dành tình yêu bao la cho đất nước và nhân dân; chưa ở đâu tình cảm giữa lãnh tụ với quần chúng lại thân thiết, gần gũi và được kính trọng, tin tưởng như Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam”. Quãng thời gian ông Chiến làm cận vệ bên Bác là những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc, cuộc sống vô cùng thiếu thốn và gian khổ, phải di chuyển nhiều nhưng cứ ổn định chỗ ở mới, Bác lại nhắc đội cảnh vệ đảm bảo chương trình học tập chính trị, văn hóa và quan tâm phổ biến tình hình thời sự. Bác luôn chú ý và nhắc nhở đội cận vệ từng chi tiết nhỏ như đi đường rừng núi thường có dốc cao, qua suối thường trơn trượt nên phải luôn chuẩn bị sẵn chiếc gậy để vừa bảo đảm an toàn cho mình vừa là vũ khí phòng thân trong những lúc thú dữ tấn công...
Ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng non trẻ và sau này hoà bình lập lại, Người luôn dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện với quần chúng nhân dân. Tết đến Xuân về, trong đêm đông lạnh giá, Người dành thời gian đến từng gia đình người dân thuộc các tầng lớp xã hội để chúc Tết, thăm hỏi sức khoẻ, ân cần dặn dò từng thành viên trong gia đình… Trong hồ sơ tư liệu về Bác được ông Chiến gìn giữ cẩn thận có bài báo đăng tải trên tờ Cứu Quốc ra ngày 20/5/1946 thông tin về ngày sinh nhật của Bác và tình cảm của nhân dân dành cho Bác.
Theo ông Tạ Quang Chiến: ngày 19/5/1946, lần đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, sinh nhật Bác Hồ được tổ chức tại Hà Nội. Bác không muốn tổ chức lãng phí nên chỉ có đại diện các tầng lớp nhân dân đến chúc, không ai mang quà, chỉ uống nước và ăn kẹo.
Được làm cảnh vệ cho Bác Hồ khi mới 22 tuổi nên mỗi ngày được trực tiếp phục vụ bên vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi là mỗi ngày người chiến sỹ cận vệ Tạ Quang Chiến được học hỏi để không ngừng hoàn thiện bản thân. Sau 10 năm công tác bên Bác, ông Chiến được cử đi học và đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau. Tuy nhiên, dù ở vị trí nào và ở thời điểm hiện tại, khi đã bước sang tuổi 96, ông Chiến chưa từng ngừng nghỉ “học tập và làm theo Bác Hồ” từ việc vận động, rèn luyện thể thao đến việc đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu lịch sử, cập nhật tiếp thu cái mới để bổ sung thêm kiến thức cho bản thân cũng như trau dồi lý tưởng cách mạng.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, em trai là Nguyễn Tiến Hà – một lão thành cách mạng, cựu tù chính trị nhà tù Hoả Lò. Học Bác, anh em trong gia đình ông giản dị, tiết kiệm, đoàn kết, yêu thương nhau, với niềm tự hào sâu sắc vì đã được sống và cống hiến theo lý tưởng và con đường đã chọn.
Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh
Trước những ngày tháng 5 lịch sử này, Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với thử thách chưa từng có tiền lệ khi “giặc” Covid-19 xâm nhập. Phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình vốn bình yên bỗng được đặt vào tình thế “chống dịch như chống giặc” của một thời kỳ “khó khăn nhất từ sau ngày đất nước hoà bình". Mọi việc xảy đến quá nhanh, người dân ngỡ ngàng, lo lắng và có phần bất an. Đội ngũ lãnh đạo phường trẻ về tuổi đời lại chưa có tiền lệ xử lý các tình huống liên quan đến loại dịch bệnh mới. Lần đầu tiên, ngày làm việc của cán bộ, công chức phường không gói gọn trong giờ hành chính mà là “chạy đua với thời gian” để rà soát, điều tra lịch sử di chuyển của cá nhân có liên quan, đưa người dân đi cách ly... Tất cả công việc được thực hiện và hoàn thành trong đêm.
Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy khi đó đã nhớ lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Cán bộ là công bộc của dân và khi cán bộ, công chức phường đặt mình ở vị trí người dân bị cách ly thì chính quyền sẽ biết mình phải làm gì để tốt nhất cho dân. Đồng hành với người dân, mặc dù không thuộc diện cách ly nhưng lãnh đạo cùng cán bộ phường đã chuyển vào ăn ở ngay trong khu vực cách ly. Thấy cán bộ chịu cách ly cùng mình, bà con cảm thấy yên tâm hơn.
Trái với những lo ngại ban đầu, chỉ hơn 1 ngày sau khi bị cách ly, những hình ảnh đầu tiên của khu cách ly Trúc Bạch được chuyển ra ngoài với sự bình yên hiếm có, đặc biệt, sự quan tâm rất chu đáo của chính quyền khi chăm lo cho người dân cách ly không thiếu một lương thực, thực phẩm gì đã nhận được nhiều lời khen ngợi, thán phục của người dân. Những bữa cơm sum vầy của gia đình cách ly đôi khi còn trái ngược hình ảnh suất cơm hộp, chiếc giường bạt cá nhân của cán bộ phường và lực lượng phòng chống dịch.
Nhà ở gần UBND phường, ông Trần Sơn Hải – một người dân ở đây đã từng có lúc “tò mò” sang xem các cán bộ phường ăn ở ra sao trong những ngày 3 cùng với nhân dân. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, công chức phường, ông Hải chia sẻ: Mỗi người mỗi hộp cơm, nhìn thương lắm, không đầm ấm sum họp với gia đình như người dân. Hình ảnh những cán bộ vừa chạy đôn chạy đáo lo toan cho sức khoẻ của người dân, vừa cặm cụi tự chăm lo cho cuộc sống sinh hoạt của mình đã khiến nhiều người dân xúc động và cảm mến. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi trong những ngày cách ly, thay vì nghỉ ngơi, những cán bộ lãnh đạo trẻ của phường lại hoà mình vào cuộc sống của người dân. Nữ Phó bí thư Thường trực phường tranh thủ dạy thêm tiếng Anh cho các cháu nhỏ, còn Chủ tịch UBND phường thì cùng người dân rèn luyện thể thao.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, các bác sỹ tại đây chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19 sau khi vừa thực hiện đợt giãn cách sau khi các bệnh nhân đầu tiên xuất viện. Gọi là giãn cách nhưng các bác sỹ gần như chưa được nghỉ ngơi, chưa được về nhà sau một thời gian dài thực hiện 4 tại chỗ ở bệnh viện. “Dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới lúc này diễn biến rất phức tạp, số ca mắc tại Việt Nam và số ca tử vong trên thế giới ngày càng tăng. Tại bệnh viện, chỉ có bác sỹ là người gần gũi với bệnh nhân, chúng tôi phải vừa là người điều trị vừa là người chia sẻ, trấn an để bệnh nhân không quá lo lắng khi họ có kết quả dương tính” - BS Trần Văn Giang - Phó trưởng khoa Virus ký sinh trùng, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ.
“Làm thế nào trong thời hiện đại ngày nay, việc học tập và làm theo tư tưởng của Hồ Chủ tịch để cán bộ trọng dân, gần dân và vì dân?”. Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy đã trả lời câu hỏi này bằng những công việc thực tế tại địa bàn: Chính quyền cơ sở bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước cần có trách nhiệm lan tỏa sự yêu thương, những việc làm tốt trong xã hội bởi chúng tôi có điều kiện làm cầu nối giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Với quan điểm sâu sắc “dân là gốc”, “trọng dân, gần dân và vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã để lại những lời căn dặn trở thành chân lý: “Cán bộ là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”; “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cho đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị, là ánh sáng soi đường và nhân tố quyết định mọi thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Việt Bách