Việt Nam còn nhiều thách thức khi tham gia Hiệp định EVFTA và EVIPA

Chiều ngày 20/5, sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, các Bộ trưởng đã giải trình, tiếp thu một số nội dung về vấn đề này.

Gia tăng sức ép cạnh tranh, đòi hỏi tiếp tục cải cách hệ thống pháp lý

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA. Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến, phân tích sâu của các đại biểu để thực hiện 2 Hiệp định một cách có hiệu quả cao nhất, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực thi các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trước đây sẽ là những bài học quý báu để rút kinh nghiệm trong việc thực thi 2 Hiệp định này.

Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình một số nội dung.Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình một số nội dung.

Về hiệu quả và ý nghĩa của Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng thống nhất với các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực, chúng ta càng thấy rằng rất cần phải khẩn trương kích hoạt nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới, khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, chiến lược như thị trường Liên minh Châu Âu này. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tăng năng lực cạnh tranh và tiếp tục đa dạng hóa các thị trường, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Bộ trưởng nêu rõ, Chính phủ rất quan tâm và có chỉ đạo kiên quyết để đảm bảo được tiến độ chung của Hiệp định; xây dựng và hoàn thiện sớm chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Hiệp định này. Các Bộ, ngành đã liên tục hoàn thiện các đề án, đến nay, nhiều địa phương và Bộ, ngành đều đã có chương trình hành động riêng của mình.

Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cũng mang lại một số thách thức nhất định cho Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp.

Thứ hai, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững... để thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta. Tuy nhiên, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đối mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ cũng đã và đang triển khai hết sức chủ động, khẩn trương.

Thứ ba, các cam kết về lao động trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững với sự tham gia của đại diện người lao động, đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu một số vấn đềBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu một số vấn đề

Cơ sở hạ tầng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế

Với những điểm tiến bộ so với các Hiệp định đầu tư song phương cũng như FTA hiện hành, Hiệp định EVIPA tạo cơ sở pháp lý bảo đảm để Việt Nam thực thi các cam kết theo Hiệp định này và pháp luật của mình một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả.

Giải trình, tiếp thu một số nội dung liên quan đến hiệp định EVIPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Khi tham gia Hiệp định EVIPA, bên cạnh cơ hội rất nhiều, chúng ta cũng phải đối diện không ít thách thức, nhất là khi cơ sở hạ tầng còn chưa đảm bảo, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là những cản trở khi chúng ta ký hiệp định với Liên minh Châu Âu, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, đối với cách doanh nghiệp Việt Nam, năng lực cạnh tranh còn thấp, quy mô vốn đầu tư nhỏ, khả năng công nghệ hạn chế.

Do đó, để tận dụng được các cơ hội khi chúng ta tham gia Hiệp định thì vấn đề tổ chức thực hiện là quan trọng nhất. Về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án, trong đó Chính phủ phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, giải quyết được các vướng mắc; khẩn trương đầu tư nâng cấp hạ tầng. Đối với doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, nâng cao năng suất lao động…

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này, đồng thời cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Trên cơ sở những phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng… là nhu cầu tất yếu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều này không chỉ đảm bảo những thuận lợi cho việc tham gia 2 Hiệp định mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững.

 THẢO HƯƠNG

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam còn nhiều thách thức khi tham gia Hiệp định EVFTA và EVIPA tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]