Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi đóng cửa do dịch Covid-19 như thế nào?

Không may sau khi mở được 2 tháng thì có dịch Covid-19, từ tháng 4 có lệnh cách ly toàn xã hội do dịch, cửa hàng của tôi cũng phải đóng cửa.

Tôi mới mở một cửa hàng dịch vụ cắt uốn tóc, làm móng, chăm sóc da, dạy nghề tại nhà. Khi mở cửa hàng, tôi cứ nghĩ mình kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ nên không cần khai báo với cơ quan quản lý tại địa phương, và cũng chưa đóng thuế. Không may sau khi mở được 2 tháng thì có dịch Covid-19, từ tháng 4 có lệnh cách ly toàn xã hội do dịch. Theo đó, cửa hàng của tôi cũng phải đóng cửa. Tôi nghe nói Nhà nước có chế độ hỗ trợ người dân trong vòng 3 tháng khi phải nghỉ kinh doanh. Quý Báo cho tôi hỏi những hộ kinh doanh như thế nào thì thuộc diện được hỗ trợ theo quy định? Tôi có thuộc diện được hỗ trợ hay không? Và nếu được hỗ trợ thì mức cụ thể như thế nào?

Bạn Nguyễn Ngọc Lan – Cầu Giấy – Hà Nội

Trả lời:

Ngày 9/04/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, trước mắt ưu tiên hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng, gồm: Người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020. Sau đó sẽ tiếp tục rà soát để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết 42/NQ-CP.

Nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết 42 như sau:

“1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.

2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần”.

Như vậy, để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 42, phải có đủ cơ sở để những người thực hiện chính sách chi trả đúng đối tượng được hưởng. Đối với loại hình kinh doanh theo hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Với trường hợp của bạn chưa thực hiện kê khai thuế khi mở kinh doanh, thì không có đủ cơ sở để thực hiện chính sách hỗ trợ đối với bạn. Nếu bạn thuộc đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì sẽ được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng.

Nếu có những trường hợp kinh doanh giống như bạn, cũng bị đóng cửa không kinh doanh được do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lại được nhận sự hỗ trợ theo nội dung của Nghị quyết 42 thì bạn phải hiểu là cơ sở của họ có đăng ký kinh doanh, có kê khai thuế, từ đó cơ quan quản lý mới có cơ sở và dữ liệu để có thể hỗ trợ đối với trường hợp đó. Không phải tất cả những loại hình kinh doanh giống nhau đều được hỗ trợ hoặc nhận được sự hỗ trợ giống nhau.

Luật sư TRẦN THU THỦY

Bạn đang đọc bài viết Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi đóng cửa do dịch Covid-19 như thế nào? tại chuyên mục Phong trào thiếu nhi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]