Quốc hội nghe báo cáo, thảo luận trực tiếp về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều 22/5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội cũng tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số điều của

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình tại Kỳ họp.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho biết, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực hơn 3 năm; các nội dung, chính sách của Luật mới được triển khai thực hiện, cần có thêm thời gian để kiểm chứng, đánh giá mới bảo đảm có đủ cơ sở để đề xuất sửa đổi toàn diện Luật. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đối với một số nội dung qua thực hiện thực sự có vướng mắc, bất cập và đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, sửa đổi thêm như thể hiện trong dự thảo Luật.

Về nội dung của nghị quyết liên tịch, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại Điều 18 đã bổ sung quy định rõ việc ban hành nghị quyết liên tịch để “hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; Rà soát về kỹ thuật để bảo đảm nội dung điều chỉnh đối với tất cả các hình thức nghị quyết liên tịch giữa các chủ thể này.

Toàn cảnh phiên họpToàn cảnh phiên họp

Về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về việc lập Chương trình cơ bản như hiện nay, nhưng có sửa đổi một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội; Đồng thời, yêu cầu các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh cần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, làm đầy đủ trách nhiệm của mình theo đúng quy định.

Về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi xây dựng, ban hành văn bản trong những trường hợp cụ thể như đề nghị của Chính phủ, để đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, một số nội dung khác có liên quan và các vấn đề kỹ thuật bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế và thống nhất trong Dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm.Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng tiếp tục làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm như: Trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi bản quy phạm pháp luật thực hiện phản biện xã hội; quy định rõ trong thành phần hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra phải có văn bản phản biện xã hội...

Theo đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Trong Luật Mặt trận Tổ quốc cũng đã quy định rõ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên thì phản biện đối với các loại văn bản như thế nào? Theo đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên sẽ thực hiện phản biện song song chứ không tách rời. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên không phải đều góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cung cấp và ban hành mà phản biện theo kế hoạch cụ thể.

Về thời điểm phản biện xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc làm này phải được tiến hành sớm để cơ quan soạn thảo Dự án Luật còn tiếp thu. Trong vòng 60 ngày trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cơ quan soạn thảo Dự án Luật phải tiến hành gửi hồ sơ cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để thực hiện phản biện nếu văn bản quy phạm pháp luật được đưa vào kế hoạch phản biện của Ủy ban. Ở các giai đoạn sau, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng không phải là phản biện xã hội. Quy định này cũng được thể hiện ở trong Điều 6 của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho biết, phiên thảo luận đã nhận được 13 ý kiến đóng góp của các đại biểu; 3 đại biểu tham gia tranh luận và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã làm rõ hơn những vấn đề mà các đại biểu còn có ý kiến băn khoăn.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung vào một số vấn đề như: bổ sung một số quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết; lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Ủy ban Pháp luật chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo đầy đủ với Quốc hội khi xem xét thông qua Dự án Luật này.

THẢO HƯƠNG