Chủ động phòng, chống đuối nước cho học sinh

Tai nạn đuối nước của hai học sinh trường Trung học phổ thông Bất Bạt (huyện Ba Vì) vừa xảy ra ngày 19/5 một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về việc trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Việc dạy bơi cho học sinh không phải nội dung mới ở các nhà trường, song thực tế đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của nhiều lực lượng, trong đó có sự chủ động của ngành Giáo dục để đạt mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là vào dịp nghỉ hè.

(Ảnh: Minh họa)

Chủ động phòng, chống đuối nước

Những năm gần đây, công tác phổ cập bơi cho học sinh được ngành Giáo dục Thủ đô coi trọng nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, hạn chế tai nạn đuối nước. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội tổ chức tập huấn dạy bơi cho giáo viên và dạy bơi cho học sinh.

Bên cạnh chủ trương ưu tiên dành bể bơi cho việc dạy bơi đối với học sinh, nhằm tăng số lượng bể bơi phục vụ học sinh, các quận, huyện, thị xã đã triển khai lắp đặt “bể bơi thông minh” tại các nhà trường. Điển hình như các quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy... Mô hình này được đánh giá khả thi nhất bởi bể bơi có thể được lắp đặt tại vị trí phù hợp trong khuôn viên trường khi học sinh nghỉ hè và được tháo dỡ sau khi khóa học bơi kết thúc.

Huyện Thanh Trì là một trong số các đơn vị điển hình trong việc triển khai công tác phổ cập bơi cho học sinh. Cách đây 10 năm, UBND huyện Thanh Trì đã triển khai đề án xây dựng bể bơi phòng, chống đuối nước và phổ cập bơi cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Lê cho biết: Bằng nguồn ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa, sự ủng hộ tích cực của nhân dân, mỗi năm huyện có thêm hàng nghìn học sinh từ lớp 3 trở lên biết bơi. Đến nay, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh ở các trường đã trở thành nền nếp, góp phần bảo đảm an toàn cho học sinh.

Đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng đã triển khai được 4 năm. Tính đến đầu năm học 2019-2020, toàn quận có hơn 15.000 học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên biết bơi và nắm được những kỹ năng cơ bản để phòng tránh tai nạn đuối nước. Bà Trần Thanh Mai, phụ huynh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân) cho biết: "Trước đây tôi đã vài lần đăng ký học bơi cho con, nhưng đều “hụt” vì các trung tâm đều quá tải, số lượng học sinh muốn tham gia học bơi nhiều mà số lượng bể bơi ít, chủ yếu để tổ chức dịch vụ chứ không dành nhiều cho việc tổ chức dạy bơi. Rất may là vào dịp hè năm 2019, nhà trường tổ chức dạy bơi cho học sinh. Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để học sinh không phải di chuyển xa, nhà trường đã lắp đặt “bể bơi thông minh” tại khu vực nhà thể chất".

Nâng cao cảnh giác

Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp hè, việc học bơi của học sinh lại được xới xáo. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 phải lùi lại đến ngày 15-7-2020 mới kết thúc năm học, song việc phổ biến các kỹ năng phòng, chống đuối nước vẫn được duy trì, đồng thời nhiều trường đã khởi động việc tổ chức dạy bơi cho học sinh với tinh thần không chủ quan, nâng cao cảnh giác đối với các nguy cơ tai nạn đuối nước.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết: Để chủ động chuẩn bị cho công tác phổ cập bơi cho học sinh, các nhà trường trên địa bàn đang tổ chức rà soát số lượng học sinh biết bơi và chưa biết bơi, ưu tiên học sinh lớp 3. Với các khối lớp khác, do đã được học bơi ở các năm trước, nên dự kiến thành lập các câu lạc bộ bơi nhằm giúp học sinh có cơ hội rèn luyện thể lực và tăng cường các kỹ năng bơi an toàn.

Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú – Đống Đa (quận Đống Đa) cũng vừa có thông báo về nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục thể chất đối với học sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Theo đó, 100% học sinh sau khi đăng ký nhập học đều phải tham gia khóa học bơi và phải biết bơi sau khi hoàn thành khóa học, nếu không sẽ phải học lại. Đây là yêu cầu bắt buộc của nhà trường từ nhiều năm nay với những học sinh đầu cấp, nhằm hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc do không biết bơi.

Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ tai nạn đuối nước, những ngày này, nhiều trường học, nhất là ở các địa bàn có nhiều ao, hồ, sông... đã tăng cường nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi ở những nơi nguy hiểm. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho biết: Phòng đã chỉ đạo 38 trường tiểu học và 37 trường trung học cơ sở nghiêm túc thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh, hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn đuối nước. Giải pháp được lưu tâm là phối hợp chặt chẽ phụ huynh tăng cường quản lý học sinh, nhất là với học sinh tại các xã có nhiều sông, hồ, như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ...

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Đặng Văn Viện, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các nhà trường đang rà soát, cắm biển báo ở những nơi nguy hiểm và đề nghị gia đình quản lý chặt chẽ học sinh ngoài giờ học. Việc tổ chức cho học sinh học bơi cũng đang được khởi động.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở yêu cầu các nhà trường tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng cho học sinh về phòng, chống đuối nước. Các giáo viên ở các tiết học cuối có trách nhiệm nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không chơi đùa ở gần ao, hồ, sông, suối... trước khi các em tan học; yêu cầu học sinh không được rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường kiểm tra đột xuất sau giờ học tại các điểm sông, hồ, ao... gần khu vực trường đồng thời rà soát, có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường.

 THỐNG NHẤT/HNM

Bạn đang đọc bài viết Chủ động phòng, chống đuối nước cho học sinh tại chuyên mục Kỹ năng sống của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]