Triển lãm “Phía sau cánh cửa” tại Bảo tàng Phụ nữ phản ánh thực trạng xã hội về vấn đề bạo lực gia đình
Mục đích lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình; đảm bảo quyền cơ bản và bình đẳng giữa các thành viên gia đình; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình. Việc xây dựng Luật phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Làm rõ tính cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (hiện hành).
Trước Quyết định này, Bộ VHTTDL đã ra quyết định thành lập Tổ công tác Tổ công tác đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ làm tổ trưởng, Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh làm Tổ phó thường trực. Theo kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung), Tổ công tác sẽ thực hiện đánh giá tác động chính sách trên các nội dung, tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến vào tháng 6. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sẽ được hoàn thiện vào 30.6. Hồ sơ sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương bằng văn bản. Sau đó Tổ công tác tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thực hiện các quy trình theo quy định để trình Chính phủ.
"Những nội dung trọng tâm để đề xuất nội dung sửa đổi luật đó là làm rõ nội hàm của khái niệm BLGĐ, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong triển khai thi hành Luật và biện pháp xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong triển khai thi hành Luật; Rà soát lại một số quy định trong Luật đảm bảo tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và tăng cường biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người có hành vi BLGĐ".
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy
Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan liên quan tham mưu Bộ trưởng lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo đúng nội dung, tiến độ trong Kế hoạch. Chủ động tìm nguồn kinh phí ngoài ngân sách sự nghiệp gia đình để thực hiện các nghiên cứu, hội nghị, hội thảo khoa học nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học, thực tiễn phục vụ lập đề nghị xây dựng Luật. Theo quyết định phê duyệt thì các cơ quan liên quan như: Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin và Báo Văn Hóa sẽ căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Từ thực tiễn sau 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hiểu biết, nhận thức của người dân cũng như toàn xã hội được nâng lên, hành vi bạo lực gia đình từng bước được giải quyết theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Quá trình triển khai, thi hành luật pháp về phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế, bất cập, khó khăn. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, các chính sách đầu tư nguồn lực từ Nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai. Việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi nhưng chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản cho việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân và xử lý người gây ra bạo lực gia đình… Việc thực thi Luật vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai, do đó nhiều điều trong Luật phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho biết những nội dung trọng tâm để đề xuất nội dung sửa đổi luật đó là làm rõ nội hàm của khái niệm BLGĐ, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong triển khai thi hành Luật và biện pháp xử lý người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong triển khai thi hành Luật; Rà soát lại một số quy định trong Luật đảm bảo tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và tăng cường biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người có hành vi BLGĐ. Việc tiếp thu các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương cũng như những cán bộ đang trực tiếp phụ trách công tác gia đình ở cơ sở là vô cùng quan trọng để Tổ công tác làm căn cư xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung).
HIỀN LƯƠNG