Theo ông Phan Thanh Bình, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/ 2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý cơ bản dự thảo Luật.
Để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 1 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.
Quang cảnh kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Ông Phan Thanh Bình cũng cho biết, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật, theo đó quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 - 30 tuổi. Một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 - 35 tuổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện cho công tác cán bộ Đoàn, góp phần tập hợp thanh niên; phù hợp với thực tiễn tuổi thọ bình quân, sức khỏe thể chất của người dân.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, UBTVQH nhận thấy, quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước nhưng thường tập trung trong khoảng từ 15 - 30 tuổi. Việc quy định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu phát triển toàn diện thanh niên của từng quốc gia.
Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 quy định thanh niên là người từ đủ 16 -30 tuổi. Tổng kết thi hành Luật qua hơn 10 năm triển khai thực hiện cho thấy, độ tuổi này phù hợp với giai đoạn phát triển tâm, sinh lý của thanh niên, với vai trò của tầng lớp thanh niên trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với mục đích phát triển thanh niên của Nhà nước, với khả năng thực thi của luật trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai ở Việt Nam. Đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em. Mặt khác, qua rà soát cho thấy quy định của dự thảo Luật không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 - 30 tuổi là phù hợp với thực tiễn công tác Đoàn, với Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Vì vậy, UBTVQH xin phép Quốc hội được giữ như quy định tại Điều 1 dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, để khẳng định sứ mệnh, vai trò quan trọng của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung tại Điều 4 dự thảo Luật quy định rõ vai trò của thanh niên là “lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, Dự thảo Luật đã khẳng định quyền và nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện; thanh niên được bảo đảm sự tham gia của mình trong suốt quá trình từ khi xây dựng cho đến thực hiện, giám sát thực hiện các chính sách của Nhà nước; đồng thời bổ sung nguyên tắc: Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật.
Dự thảo Luật cũng quy định chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù bao gồm chính sách dành cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Các chính sách này được thiết kế theo hướng: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để thanh niên thuộc các nhóm đối tượng này phát huy được khả năng của mình, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời quy định các giải pháp về chính sách để huy động lực lượng thanh niên này tham gia vào các dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát triển đất nước.
THẢO HƯƠNG