Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

  • 10:13, 27/05/2020
Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp Quốc hội sáng 27/5.Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp Quốc hội sáng 27/5.

Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu thảo luận, tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất: Phân tích, đánh giá về tình hình xâm hại trẻ em (XHTE) giai đoạn từ 1/1/2015 – 30/6/2019, và dự báo tình hình XHTE trong thời gian tới

Thứ hai: Đánh giá về tình hình ban hành chính sách pháp luật (CSPL) và việc thực hiện CSPL về phòng chống XHTE. Phân tích, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện CSPL về phòng chống XHTE trong thời gian qua.

Thứ ba: Phân tích nguyên nhân của kết quả đã đạt được cũng như hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác phòng chống XHTE, xác định trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm về công tác này.

Thứ tư: Đánh giá, cho ý kiến kiến nghị về công tác phòng chống XHTE trong thời gian tới.

Thứ năm: Đề nghị các vị đại biểu quốc hội thảo luận và cho ý kiến cụ thể vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện CSPL về phòng, chống XHTE.

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện CSPL về phòng, chống XHTE tại phiên họp, UV Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE” từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát, yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE; tổ chức 03 Đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan trung ương; tổ chức các hội thảo, điều tra xã hội học, khảo sát một số trường học, cơ sở trợ giúp xã hội và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; nghiên cứu hồ sơ một số vụ án cụ thể và triển khai nhiều hoạt động khác thuộc phạm vi giám sát.

Kết quả giám sát cho thấy, những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống XHTE nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ XHTE, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng.

UV Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện CSPL về phòng, chống XHTE tại phiên họp.UV Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện CSPL về phòng, chống XHTE tại phiên họp.

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ XHTE được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Về tình hình ban hành CSPL và thực hiện CSPL về phòng, chống XHTE, đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống XHTE được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống XHTE, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.

Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phòng, chống XHTE được tăng cường. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn, qua đó góp phần hạn chế những tổn hại về thể chất, tinh thần mà trẻ em phải gánh chịu.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống XHTE được quan tâm hơn. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống XHTE được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án XHTE cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm minh.

Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từng bước được củng cố, kiện toàn; tại các tỉnh, thành phố đều hình thành đội ngũ cộng tác viên tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em được thành lập ở địa phương các cấp; nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được thành lập. Kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống XHTE nói riêng từng bước được quan tâm hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống XHTE chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực.

Quang cảnh phiên họp sáng 27/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.Quang cảnh phiên họp sáng 27/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống XHTE ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ XHTE, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả những đối tượng đã có án tích về XHTE, nhưng biện pháp quản lý, giám sát các đối tượng này chưa chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ XHTE trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục. Uỷ ban nhân dân một số địa phương chưa quan tâm bố trí đất đai, đầu tưxây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa XHTE chưa tương xứng với tình hình.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống XHTE; qua thanh tra, kiểm tra, rất ít phát hiện được vi phạm, trong khi tình hình XHTE diễn biến phức tạp. Việc giải quyết một số vụ XHTE chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên có sự thay đổi, một bộ phận hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cấp xã. Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống XHTE nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo đoàn giám sát, những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống XHTE có nhiều nguyên nhân, trong đó, Đoàn giám sát nhấn mạnh một số nguyên nhân sau đây: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống XHTE nói riêng, thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này.

Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống XHTE có những nhiệm vụ còn chưa thực sự hiệu quả. Quá trình triển khai thi hành Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan, một số cơ quan, địa phương, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm; việc xử lý một số vụ việc XHTE còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống XHTE trong nhiều trường hợp còn chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong phòng, chống XHTE còn chưa chặt chẽ. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống XHTE cả về cán bộ, cơ sở vật chất và kinh phí còn chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, kéo theo một số vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống XHTE nói riêng.

Những tác động xấu của mạng internet, mạng xã hội cũng dẫn đến nhiều nguy cơ XHTE trên môi trường mạng. Đặc điểm của các vụ XHTE phần nhiều xảy ra ở những nơi kín đáo, vắng vẻ, không có người chứng kiến, nhiều trẻ em là nạn nhân tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được đầy đủ sự việc; còn một số phong tục tập quán lạc hậu, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ.

Trước thực trạng trên, Đoàn giám sát có kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 05 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Đoàn giám sát nhấn mạnh một số giải pháp, kiến nghị sau: Đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE.

Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ XHTE. Trong năm 2020 ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản sau đây: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi XHTE; Chương trình phòng, chống XHTE trong môi trường gia đình; Chương trình phòng, chống XHTE trong môi trường giáo dục; Chương trình phòng, chống XHTE trên môi trường mạng; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình XHTE; Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; Quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em.

Đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án XHTE đạt trên 90%. Đề nghị Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em giao; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống XHTE.

THẢO HƯƠNG

 

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại chuyên mục của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]