Phòng tránh đuối nước cho trẻ em: Trách nhiệm từ gia đình

  • 10:41, 27/05/2020
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ trẻ em bị đuối nước thương tâm. Đặc biệt cứ vào dịp hè, nỗi đau này lại càng thêm nhức nhối, báo động trách nhiệm bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước từ mỗi gia đình.

Dạy trẻ biết bơi là một trong những giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước hữu hiệuDạy trẻ biết bơi là một trong những giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước hữu hiệu

12h ngày 24/5, trên địa bàn xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong. Vào thời điểm trên, một nhóm học sinh hơn 10 em rủ nhau vào đập Cây Trường (xã Quang Diệm) để tắm. Hai em học sinh lớp 10 và lớp 11 nhảy xuống tắm trước, nhưng do hồ nước sâu nên cả 2 bị nhấn chìm. Đập nước này rất sâu, khi người dân có mặt thì mọi việc đã quá muộn.

Trước đó, khoảng 17h ngày 19/5, 2 nữ sinh lớp 10 của trường THPT Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) sau khi tan trường đã ra sông Đà tắm và không may trượt chân xuống vùng nước sâu khoảng 4m. Dù người dân phát hiện sớm nhưng vẫn không cứu được các em do khu vực nước quá sâu.

Đây chỉ là 2 vụ việc trẻ em đuối nước tử vong thương tâm diễn ra trong tháng 5 năm nay. Thực tế cho thấy mỗi dịp hè, tỷ lệ trẻ đuối nước lại tăng đột biến. Khi mà trẻ tạm thời nghỉ học, toàn thời gian do gia đình quản lý. Như vậy, trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho trẻ phòng tránh đuối nước trước hết phải thuộc về gia đình. Bố mẹ và người thân chính là những người bảo đảm tính mạng của con trẻ.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng tai nạn đuối nước gia tăng là do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế. Do trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trong khi trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, môi trường xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước ở sông, hồ... phải có những biển báo. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh gia đình cũng cần được rào chắn an toàn.

Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh rằng, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Ngoài việc cho các em học các kỹ năng khi tiếp xúc với nước và học bơi, gia đình phải thường xuyên giám sát các em. Đặc biệt khoảng thời gian buổi trưa, buổi chiều sau khi tan học, phụ huynh cần nắm được con em mình đi đâu, làm gì. Vì theo nghiên cứu, thời gian trẻ em xảy ra đuối nước thường xuyên rơi vào khung giờ trên.

Cục trưởng Cục Trẻ em đề nghị, cộng đồng cần có những giám sát với đối tượng này. Với những vùng ven sông, suối... nơi hay có trẻ em tắm, chính quyền địa phương và các đoàn thể phải có những biển báo và phân công người thường xuyên đi tuần để nhắc nhở các em.

Hiện nay, các trung tâm dạy bơi được mở ra ở khắp nơi trên cả nước, với nhiều mức giá và có cả các chương trình dạy bơi miễn phí – phù hợp với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống đuối nước trẻ em. Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em.

PHƯƠNG ANH

Bạn đang đọc bài viết Phòng tránh đuối nước cho trẻ em: Trách nhiệm từ gia đình tại chuyên mục của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]