Trung bình một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại

Theo thông tin từ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ (gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018). Trung bình, mỗi ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng 27/5.Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng 27/5.

Còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời

Trình bày báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trước Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết thêm: Về số lượng trẻ em bị xâm hại, thông tin từ Chính phủ cho thấy, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính hơn 8.400 vụ xâm hại trẻ em với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục.

Xâm hại tình dục chiếm 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em, một số địa phương tỷ lệ này chiếm trên 90%, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước. Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương có số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất (13 em), Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục cao nhất (86 em).

Hậu quả khiến 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật… Đoàn giám sát nhận thấy số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011-2014.

Thảo luận tại phiên họp kỳ 9, Quốc hội khóa XIV sáng 27/5, đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết: Trong năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Các đối tượng xâm hại trẻ em bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đại biểu quốc hội Phạm Hòa (Đồng Tháp) thảo luận tại phiên họp kỳ 9, Quốc hội khóa XIV.Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thảo luận tại phiên họp kỳ 9, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: VGP)

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, vẫn còn một thực trạng nhức nhối diễn ra nghiêm trọng đó là tình hình xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội, không những ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả trên địa bàn kinh tế - xã hội đang phát triển cũng xảy ra.

Thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em. Công tác theo dõi, thống kê chưa được đầy đủ, điều này phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ, chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức.

"Điều này dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế. Như vậy, chúng ta thừa nhận rằng còn tồn tại vùng ẩn trong số liệu thống kê về xâm hại trẻ em và thực tế là trong hồ sơ giám sát cũng không có biểu thống kê nào phản ánh tình hình xâm hại trẻ em cho toàn diện trên 63 tỉnh, thành phố" - đại biểu quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu.

Trên dưới 90% đối tượng xâm hại là người thân thích, quen biết với trẻ

Theo các đại biểu, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%, có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức, người cao tuổi...

"Những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt" - đại biểu quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết.

Theo đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, cần phải có một sự đột phá trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.Theo đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, cần phải có một sự đột phá trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. (Ảnh: VGP)

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thông tin thêm: Đầu năm đến nay dư luận xã hội hết sức bức xúc về sự việc cháu bé 4 tháng tuổi bị cha mẹ đẻ bạo hành đến mức gãy 2 chân, xuất huyết não. Đáng buồn thay, cứ thỉnh thoảng xã hội lại phải chứng kiến những vụ việc bảo mẫu, thầy cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em với hành vi dã man, tàn khốc và thời gian kéo dài, khó để phát hiện.

"Những vụ án đó thể hiện tính chất khá phức tạp trong vụ việc xâm hại trẻ em. Các em dù cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo nhưng đâu đó vẫn thiếu vắng một cơ chế bảo vệ hiệu quả. Điều này khiến cho chúng ta không khỏi hồ nghi liệu có còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp, liệu còn bao nhiêu kẻ thù tàn ác lại tiếp tục phạm tội bởi pháp luật chưa đủ sức xử lý và răn đe.

Những tồn tại về mặt thể chất có thể đong đếm nhưng những mặt tổn thương về mặt tinh thần mãi mãi trong ký ức của các em, về lâu dài có thể làm cho các em suy sụp. Tình trạng trên càng chứng minh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là rất cần thiết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự quan tâm đến trẻ em, đến thế hệ trẻ em tương lai của Tổ quốc" - đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương mong muốn.

THẢO HƯƠNG

 

Bạn đang đọc bài viết Trung bình một ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]