(Ảnh: minh họa).
Đó là, trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển (Quyền sống); có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em (Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động). Trẻ em cũng có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh, được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu...
Để bảo vệ quyền trẻ em, chúng ta đã có những quy định pháp luật khá toàn diện. Việc thực hiện quyền trẻ em trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, quản lý, điều hành. Công tác trẻ em ngày càng được nâng cao. Tháng Hành động vì trẻ em được quy định vào Luật, tổ chức vào tháng 6 hằng năm, nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh những những mặt đã làm được vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến cho tình trạng trẻ em bị xâm hại, bóc lột, lạm dụng diễn ra nhức nhối để lại hệ lụy đau lòng cho gia đình lẫn xã hội. Những con số "biết nói" từ những báo cáo, thống kê từng năm, từng giai đoạn khiến chúng ta giật mình như: vẫn còn 790.518 trẻ em lao động trái pháp luật, 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn, 8.709 trẻ em bị xâm hại (trong đó có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục), 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục tính từ giai đoạn 2015 đến tháng 6/2019.
Chính những con số "biết nói" này đã khiến vấn đề bảo vệ trẻ em "nóng" lên trên nghị trường của kỳ họp Quốc hội năm nay và đã dành một ngày làm việc để thảo luận, phân tích, mổ xẻ tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em từ mọi góc độ.
Người lớn chúng ta đã làm gì để bảo vệ trẻ em? Đó là câu hỏi được đặt ra và cần có câu trả lời từ chính mỗi gia đình, trường học, lẫn các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Dễ dàng nhận thấy một nguyên nhân khiến trẻ em trở thành đối tượng bị bạo hành, xâm hại chính là sự lạm dụng quyền lực của người lớn. Môi trường gia đình vốn được coi là an toàn nhất với trẻ em, nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em lại diễn ra ngay tại gia đình, nhất là bạo lực trẻ em do chính ông bà, cha mẹ, người thân thích thực hiện. Theo thống kê của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88% tổng số các vụ bạo lực trẻ em. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp người thân biết các em bị xâm hại nhưng vì nhiều lý do đã không tố giác, vô tình đã tiếp tay cho hành vi xâm hại trẻ em trong một thời gian dài với những hậu quả nghiêm trọng.
Sau gia đình, nhà trường là môi trường thứ hai dạy dỗ, bảo vệ trẻ, nhưng trong thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau, thậm chí có vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người; một số vụ xâm hại tình dục học sinh xảy ra tại cơ sở giáo dục. Qua số liệu của Tổng đài 111, số trẻ em bị bạo lực trong cơ sở giáo dục chiếm 19,09% tổng số trẻ em bị bạo lực (trong đó bị giáo viên bạo lực 14,89%, bị bạn bè bạo lực 4,2%).
Và để khắc phục tình trạng này, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị nêu nguyên nhân của những tồn tại trên do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, coi trọng đúng mức công tác này; việc áp dụng chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền trẻ em chưa nghiêm, chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tiến hành thường xuyên, nghiêm túc; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả; sự suy giảm thuần phong, mỹ tục, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Chỉ thị cũng nêu trách nhiệm cũng như việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Vì vậy, công tác bảo vệ trẻ em cần được quan tâm và sát sao hơn nữa, để mỗi một trẻ em đều được hưởng đầy đủ các quyền của mình từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
HẠ THI