Kỷ niệm 72 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2020)

Phụ nữ Thủ đô tiếp lửa truyền thống phong trào “Ba đảm đang”

Ngày 9/6/2020, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình giao lưu, biểu dương điển hình tiên tiến “Tiếp lửa truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác giai đoạn 2015-2020”.

Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội đến thăm, tặng quà xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2019Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội đến thăm, tặng quà xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2019.

Phát huy truyền thống "Ba đảm đang"

Bước ra từ thời chiến, với khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang”, các thế hệ phụ nữ Thủ đô lại tiếp tục phát huy kế thừa phong trào Ba đảm đang, tích cực triển khai các phong trào, cuộc vận động thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ tham gia, phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, với phương châm “thiết thực, sát với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của Thành phố và nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; rõ mô hình, rõ cách làm, rõ hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua do Trung ương Hội và Thành phố phát động. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng các phong trào, các cuộc vận động đã được triển khai trong nhiều năm qua như phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”, phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, phong trào “Phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội từ gia đình”…, Hội LHPN Thành phố đã nghiên cứu phát động các phong trào, các cuộc vận động mới như Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với việc thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thủ đô Hà Nội, phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thi đua thực hiện an toàn thực phẩm, sáng tạo khởi nghiệp… Thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, Hội LHPN Hà Nội đã xây dựng và triển khai sâu rộng Cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với tuyên truyền thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của thành phố.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2015, Hội LHPN Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Năm 2017 được nhận Cờ thi đua Chính phủ; hàng năm được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND Thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc; 2.396 cá nhân được Hội LHPN Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”, 525 thể, 56 cá nhân được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen; 84 tập thể, 105 cá nhân được Thành ủy, UBND Thành phố, các Bộ, Ngành khen thưởng.

 

Quy mô và chất lượng phong trào thi đua ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, toàn diện; Các phong trào thi đua, các cuộc vận động với những mô hình sáng tạo, hiệu quả đã thực sự đi vào cuộc sống, hướng đến những vấn đề thiết yếu trong đời sống, trực tiếp đóng góp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội của địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tham gia xây dựng, giữ gìn trật tự văn minh đô thị.

Thi đua học tập và làm theo gương Bác

Thời gian qua học tập và làm theo Bác trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các cấp Hội và mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, dần trở thành nền nếp, sự tự giác từ những công việc hàng ngày, tạo sự chuyển biến trong rèn luyện nếp sống, lối sống, nhất là việc thực hành tiết kiệm; sáng tạo trong lao động sản xuất, thay đổi tác phong, phương pháp công tác, phong cách làm việc khoa học, ứng xử văn hóa trong gia đình và cộng đồng.

Hội LHPN Hà Nội tặng quà các gia đình chính sách nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ.Hội LHPN Hà Nội tặng quà các gia đình chính sách nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ.

Nhiều mô hình làm theo Bác thiết thực, hiệu quả hướng vào việc chăm lo cho phụ nữ trẻ em, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được nhân rộng như: “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”, “Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, “Nồi cháo từ thiện”, “Bách hóa yêu thương”, tặng thẻ bảo hiểm y tế, sử dụng giấy loại làm túi thay thế túi nilon, sử dụng làn nhựa đi chợ, đổi phế liệu lấy màu xanh... đã khẳng định hiệu quả và sức lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Từ việc thi đua tiết kiệm với số tiền 145 tỷ 065 triệu đồng, trong 5 năm, cán bộ, hội viên phụ nữ đã trích ủng hộ 25 tỷ 448 triệu đồng tặng 775 sổ tiết kiệm, 5.275 suất quà, 55 quạt điện, 1.250 xe đạp, 221.375kg gạo, 190 đồ dùng sinh hoạt, 1.525 bộ sách giáo khoa, 2.000 chăn ấm cho 38.950 lượt phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh” trong việc cưới, việc tang thực hiện Chỉ thị số 11 - CT/TU của Thành ủy Hà Nội tiếp tục được nhân rộng và triển khai hiệu quả. Tính đến nay, toàn Thành phố có 3.133 chi hội phụ nữ văn minh, tuyên truyền, vận động 35.209 đám cưới, 27.402 đám tang thực hiện văn minh của gia đình CBHV (trong đó có 18.355 đám hỏa táng). Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội, động viên cán bộ hội viên phụ nữ tiếp tục phát huy tài năng sáng tạo, đóng góp công sức cho sự nghiệp đổi mới Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện các như: Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, duy trì hoạt động của 4 mô hình kinh tế tập thể; hỗ trợ thành lập mới 8 Hợp tác xã; 12 tổ hợp tác; 32 tổ liên kết; giúp đỡ 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ; Triển khai và nhân rộng mô hình Dân vận khéo “Sạch đồng ruộng”. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp Hội đã tín chấp cho 157.435 hội viên vay với số vốn gần 5.900 tỷ đồng; 100% các chi hội duy trì mô hình vận động tiết kiệm tại chi hội tạo nguồn vốn tại chỗ, tiết kiệm được hơn 120 tỷ cho gần 25.000 hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế; tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 124.000 lao động, trong đó trên 87.000 lao động nữ. Nhờ đó, các cấp Hội đã giúp đỡ 100% hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó 17.854 hộ thoát nghèo bền vững và phụ nữ khó khăn nâng cao mức sống. Phong trào “An toàn thực phẩm”, các cấp Hội đã ra mắt, duy trì hoạt động của 884 Chi hội Phụ nữ thực hiện mô hình “Thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”; triển khai mô hình “Chi hội phụ nữ ăn sạch - sống xanh”... Từ đây, nhiều mô hình tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả được xây dựng và nhân rộng như: “Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp”, “Tuyến phố vệ sinh - văn minh đô thị”, “Sạch đồng ruộng”...

5 nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025

1.Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của hội viên, phụ nữ về mục đích, tác dụng của công tác thi đua, để chị em hiểu rõ thi đua là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân, đơn vị.

2. Phát huy truyền thống 55 năm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” (1965-2020), tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội, các tầng lớp Phụ nữ Thủ đô, thực hiện 3 nội dung thi đua“Thi đua lao động sản xuất và công tác tốt; Thi đua xây dựng gia đình 5 không-3 sạch; Thi đua trong thực hiện văn hóa ứng xử”. Tiếp tục nghiên cứu các phong trào, các cuộc vận động, mô hình mới thiết thực, mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô, có tính lan tỏa, sát với chức năng của Hội và nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Thường xuyên cải tiến các biện pháp chỉ đạo, đổi mới công tác thi đua theo phương châm hướng mạnh về cơ sở. Chủ động, sáng tạo đề ra các mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu thi đua sát thực, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của đông đảo hội viên, với nhiệm vụ của địa phương và nguồn lực của các cấp Hội.

3. Duy trì, nâng cao chất lượng cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; xây dựng và nhân rộng những mô hình, điển hình hiệu quả tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, từ đó phát hiện, lựa chọn bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tốt, tiêu biểu để nêu gương học tập.

4. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thi đua Khen thưởng, Hội đồng xét sáng kiến cơ sở. Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khen thưởng, quản lý hồ sơ khen thưởng.

5.Tăng cường công tác sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình, người tốt việc tốt trong các cấp Hội và cán bộ, hội viên phụ nữ Thành phố. Tăng cường đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất.

 HOÀNG LAN 

Bạn đang đọc bài viết Phụ nữ Thủ đô tiếp lửa truyền thống phong trào “Ba đảm đang” tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]