Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép:

Biến thách thức thành “cơ hội vàng” để nâng cao vị thế

Cách đây 1 năm, ngày 7/6/2019, với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) trong lịch sử bầu cử Hội đồng Bảo anLiên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Vào ngày cuối cùng của tháng 6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định IPA.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA LHQ tại New York, Mỹ, ngày 9/1/2020Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA LHQ tại New York, Mỹ, ngày 9/1/2020

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng lúc đảm đương hai trọng trách quan trọng. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gọi đó là “trách nhiệm nặng nề” nhưng cũng nói lên “sự trưởng thành vượt bậc” của Việt Nam qua hơn 20 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, các định chế toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, LHQ, Không liên kết, G20, G7, Pháp ngữ…

Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix:

LHQ kỳ vọng cao vào những đóng góp tích cực và chủ động của Việt Nam trong các hoạt động giữ gìn và đảm bảo an ninh, hoà bình của LHQ. Vai trò của Việt Nam trong nhiệm kỳ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đóng góp trực tiếp vào các quyết định, nghị quyết và tầm ảnh hưởng của HĐBA, nhất là đối với các hoạt động về hoà bình và an ninh khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Thực tế là sau hơn 6 tháng đảm nhiệm vai trò “kép”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hoành hành khắp năm châu, Việt Nam đã chứng tỏ “niềm tin đặt đúng chỗ” của bạn bè quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam thể hiện tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” thông qua việc sớm đưa ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với dịch Covid-19 (14/2), linh hoạt tổ chức các cuộc họp theo hình thức trực tuyến như Hội nghị lần thứ 25 Hội đồng Điều phối ASEAN (9/4), Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 (14/4), cùng các Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN-EU, ASEAN-Mỹ…

Trước những biến động chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam đã kịp thời chuyển trọng tâm của ASEAN sang tập trung hợp tác phòng, chống dịch Covid-19, điều chỉnh chương trình, hoạt động cả năm, từng bước xây dựng một kế hoạch tổng thể để phục hồi ASEAN thời hậu Covid-19. Mặc dù nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam thể hiện tinh thần “tương thân thương ái” qua việc hỗ trợ trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm cho tất cả các nước ASEAN cũng như đối tác lớn…

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, những bước đi đúng hướng đó đã giúp đẩy mạnh đoàn kết và thống nhất khối, duy trì môi trường hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Còn tại tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, Việt Nam đã “ghi điểm” ngay trong tháng đầu tiên trên cương vị Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ. Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐBA LHQ ngay tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương LHQ, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là “Thúc đẩy, tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

Phiên thảo luận mở do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì ngày 9/1 về chủ đề này thu hút 111 lượt phát biểu số lượng tham gia cao nhất trong lịch sử phiên thảo luận mở của LHQ. Đặc biệt, Việt Nam đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa LHQ và ASEAN từ HĐBA về thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai tổ chức quan trọng này.

Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch HĐBA đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, trong đó có 2 thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo, 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của LHQ. HĐBA đã thông qua 13 quyết định gồm 4 nghị quyết, 1 quyết định gia hạn các phái bộ các lực lượng cơ chế LHQ, 1 tuyên bố chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây có thể nói là số quyết định nhiều nhất trong 1 tháng hoạt động của HĐBA trong nhiều năm trở lại đây.

Những con số trên không đơn thuần là một sự thống kê, mà chứng tỏ rằng Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách này, góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới.

Với nhiệm vụ thúc đẩy “con đường cao tốc” EVFTA và EVIPA, những nỗ lực vận động của Việt Nam đã được đền đáp: Ngày 30/3, Hội đồng châu Âu (EC) quyết định thông qua EVFTA sau khi Hiệp định được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2. Và với việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Nghị quyết về EVFTA và EVIPA ngày 8/6, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti đánh giá đây là “một thành quả lịch sử”, thể hiện một bước tiến vượt bậc trong quan hệ giữa EU và Việt Nam.

GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom đánh giá EVFTA là “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Chuyên gia về quản lý quốc tế này cho rằng trong năm 2020, Việt Nam sẽ để lại một dấu ấn đáng chú ý về mọi mặt, từ việc xử lý kịp thời và hiệu quả đại dịch Covid-19 đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, thành viên HĐBA LHQ cũng như bắt đầu Hiệp định EVFTA lịch sử.

Theo Cố vấn truyền thông cấp cao của Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) Kavi Chongkittavorn, Việt Nam đang thể hiện vai trò lãnh đạo trong ASEAN một cách chủ động, tự tin, thuyết phục, và đáng tin cậy. Việt Nam có những bước đi đúng đắn trong củng cố vai trò trung tâm của khối, đảm bảo sự nhất quán trong khuôn khổ đã được phê duyệt trong những năm Thái Lan và Singapore giữ chức Chủ tịch.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang khéo léo biến những thách thức chưa có trong tiền lệ thành “cơ hội vàng” để hoàn thành tốt nhất sứ mệnh mà cộng đồng quốc tế tin cậy giao phó, qua đó nâng cao vị thế của mình trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

VINH HÀ

Bạn đang đọc bài viết Biến thách thức thành “cơ hội vàng” để nâng cao vị thế tại chuyên mục Rèn luyện đội viên của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]