Tiệc rượu của những người đàn ông trưởng thành chuyển sang giai đoạn ngà ngà say. Khi những chuyện trên trời dưới đất trở nên rôm rả hơn bao giờ hết, thì như một lịch trình đã sẵn, điện thoại của mọi người bắt đầu đổ chuông. Giờ này dứt khoát chỉ có vợ gọi thôi, bạn tôi nói rồi nheo mắt cười vẻ rất am tường hệt như một chuyên gia trong lĩnh vực này vậy.
Ảnh minh họa
Mà thật, người đàn ông thứ nhất nghe máy, không biết đầu bên kia nói gì, thấy anh trả lời: “Anh đang ngồi với bạn, lát nữa anh về”. Giọng anh rất điềm đạm, còn xung quanh, không khí bàn rượu bỗng nhiên im ắng như chưa hề có những rôm rả vừa xong.
Người đàn ông thứ hai nghe điện thoại vợ, nói thêm anh đang ngồi với ai, chỗ nào, hẹn hò chính xác cả mấy giờ anh sẽ về, như một sự xác tín chu đáo cho người phụ nữ ở nhà được yên tâm.
Đến người đàn ông thứ ba âm vực của cuộc điện thoại đã thay đổi. Không phải giọng bình tĩnh, điềm đạm như hai người vừa xong nữa. Không biết ở đầu bên kia, vợ anh nói gì, mà anh lè nhè một cách khó chịu: “Anh biết rồi, anh có đi thì anh cũng sẽ về. Anh chạy sao được khỏi đời em, mà em cứ phải lo…”. Mọi người trong bàn rượu cười ồ cả lên. Ờ mà đúng như thế thật, các ông chồng chạy sao khỏi các bà vợ, mà lúc nào các bà cũng trông chừng, cũng hối thúc, cũng dặn dò thậm chí còn thêm cả dằn vặt, nghi vấn đến mệt. Phụ nữ có phải là nhiều khi cứ phức tạp hoá những vấn đề đơn giản lên không?
Câu chuyện theo hơi men sẵn trong người bốc lên, cứ thế mà rôm rả. Đang chủ đề về vợ, lại chỉ có bốn người đàn ông thân quen với nhau nên cứ thoải mái, không cần phải giữ ý tứ gì hết. Và chủ yếu ai cũng than phiền rằng hôn nhân khiến các bà vợ không còn là cô gái dịu dàng thời yêu đương nữa. Cô gái dịu dàng, nhỏ nhẹ như con thỏ con đáng yêu ngày xưa giờ trở nên dữ dằn rồi. Không biết vì sao mà cuộc sống hôn nhân lại khiến cho hầu hết các cô người yêu dễ thương ngày xưa đều thay đổi như vậy?
Ảnh minh họa
Bất chợt các bạn quay sang tôi: “Sao không thấy vợ ông gọi?”. Hình như việc bốn người đàn ông ngồi uống rượu, có ba bà vợ đã gọi điện hối thúc, còn mình tôi không có cuộc gọi đến của vợ lại trở thành bất thường cần truy vấn. Tôi cười, trả lời: “Vì trước khi đi, tôi đã thông báo với vợ sẽ đi ăn cùng các bạn ở đây rồi, cô ấy gọi làm gì nữa”. “Vậy chứ vợ ông cũng không bao giờ giục ông về sớm sao?”. Tôi cười lắc đầu. Vợ tôi đúng là không có thói quen đó, trừ trường hợp ở nhà có chuyện gì đó quan trọng thôi hay khẩn cấp thôi. Cả nhóm bỗng ồ lên, vẻ ngưỡng mộ. Không hẹn mà tất cả tự dưng đều hỏi tôi chung một câu: “Ông có cách gì hay thế?”. Cách ư? Tôi có cách gì đặc biệt đâu, mà tôi thấy chuyện này bình thường, đâu có gì đáng ngạc nhiên.
Vợ tôi không gọi điện mỗi khi tôi nói đi ăn cùng bạn bè hay khách hàng, người quen, nhưng bởi tôi đã báo trước để vợ yên tâm rồi. Không phải vợ tôi dễ tính, mà cô ấy hiểu rõ: đàn ông mà, yêu thật lòng thì tự biết điểm dừng, trân trọng gia đình thì sẽ biết về nhà. Yêu thật tâm thì tự khắc học được cách tự giác. Càng gò bó, càng dễ mất.
Điện thoại cá nhân của tôi, vợ cũng hoàn toàn không săm soi, quản lí, hay mất công dò la mật khẩu. Không phải vì vợ tôi không tò mò. Mọi phụ nữ trên đời đều có tính đa nghi cả, nhưng tôi thấy đó là điều bình thường như một sự phòng bị gìn giữ tổ ấm của những người vợ thôi. Riêng vợ tôi, cô ấy nói cô ấy không phải cô bé mới lớn mà cho rằng muốn giữ một người bên mình, thì phải nắm lấy họ trong tay. Một con người trưởng thành nếu muốn thay lòng, họ sẽ có ngàn vạn lí do, họ sẽ học cách dối trá. Vậy nên đã là bạn đời của nhau thì phải học cách tin tưởng nhau. Mắt không thấy thì tim không đau.
Ảnh minh họa
Thẻ lương của tôi, vợ cũng không giữ. Hàng tháng là tôi đều tự động rút tiền rồi tự nguyện đưa cho vợ để cô ấy chi tiêu cho gia đình. Tất nhiên qua thời gian dài chung sống, cô ấy cũng đã hiểu và cảm nhận được tôi là người chồng có trách nhiệm và luôn lo lắng cho vợ con. Chuyện tiền bạc xưa nay vốn dĩ nó khiến cho nhiều gia đình phải tranh cãi bất hoà vì không cùng quan điểm. Vậy thì khi là người đã trưởng thành rồi, cố gắng học cách sống tự giác có trách nhiệm đi. Đến đứa con mình dứt ruột sinh ra còn không muốn góp sức chung nuôi, thì người đàn ông ấy đáng mặt làm chồng nữa sao? Vợ tôi đã thẳng thắn bày tỏ như vậy.
Vợ tôi cũng nói là người đàn ông đã kết hôn, nếu thật tâm yêu thì mọi điều họ làm đều để tâm đến cảm nhận của người phụ nữ của mình. Chẳng phải là khi đang yêu hay với nhân tình, người đàn ông đều nhiệt tình chiều chuộng, đón ý phụ nữ một cách thái quá đó thôi. Vậy thay vì đợi vợ phải nhắc nhở điều này điều kia, họ đủ thương yêu thì sẽ tự giác làm. Thế nên, vợ tôi nói cô ấy cho tôi sự tự do, thì tôi phải cho cô ấy sự tin tưởng. Hai vợ chồng cho nhau thứ đối phương cần, vừa đủ, không thừa, cũng chẳng thiếu. Đủ để cả hai hiểu nhau, tôn trọng nhau và cảm thấy thực sự cần nhau nữa. Trưởng thành rồi, tình yêu còn giống như một người bạn đồng hành trong đời vậy, đi cùng thì phải vui, an yên để sống. Còn nếu để lạc mất, thì cũng có thể sẽ có một người khác thế vào để ta phải day dứt nuối tiếc cả phần đời còn lại.
Mấy người bạn nhìn tôi ngạc nhiên lắm. Nhưng còn một điều tôi giữ lại riêng cho mình không nói ra, rằng cuộc sống của chúng tôi cũng đã trải qua nhiều cung bậc: Yêu thương tận cùng, dằn vặt tổn thương… Gia đình mà, nhà ai mà không từng sóng gió. Nhưng sau mỗi lần đi qua những khó khăn ấy, chúng tôi biết rút kinh nghiệm. Và quan trọng hơn là nhận ra rằng không gì đáng giá hơn trên đời này bằng tổ ấm của chúng tôi.
“Vợ mày đúng là đàn bà trưởng thành!”. Bạn tôi thốt lên và tôi cười. Có thể là như vậy. Qua những bão giông, những trải ngiệm trong đời, chúng tôi đã nhận ra rằng: cuộc sống vợ chồng nên cho nhau cảm giác tin tưởng, trân trọng và an yên hơn là những dằn vặt, nghi kị lẫn nhau.
Đâu có ai trên đời này chết vì thiếu nhau, người ta chỉ hối hận vì để lạc mất nhau mà thôi. Và vì thế nên tôi đứng dậy: Bọn mình về thôi, tôi hẹn vợ 21 giờ có mặt ở nhà.
ĐỖ CAO PHƯƠNG (Việt Trì - Phú Thọ)