Nhưng những chuyện lạ có thật về loài sen quý chỉ dành riêng cho trời nước Tây Hồ, được các cụ già làng Quảng Bá truyền tai nhau thì ít người biết: Sen Bách Diệp có linh hồn và rất “khái tính”…
Có một dạo rất lâu, khi hoa đào còn ở đất Nhật Tân, người ta kháo nhau rằng: Nếu lấy giống hoa đào này mang đi trồng nơi khác đào sẽ lạt màu hoặc nhỏ hoa hơn, nơi nào tốt chăm hoa to phỗng lên thì lại kém sắc. Kỳ lạ thay giờ đây, câu chuyện về hoa sen Bách Diệp Tây Hồ cũng tương tự mà còn đặc biệt hơn: Cũng trên dẻo đất chạy dọc vùng Quảng Bá, Tây Hồ mà mang sen sang bên kia của vùng sông Hồng thì dù nở bung, to như bát tô, hương cũng kém hẳn so với trồng trong nước Hồ Tây.
Sen Tây Hồ vẫn có hương sắc riêng không giống với những loài sen khác.
Các cụ già nhất ở Quảng Bá tính đến thời điểm này không biết lịch sử ra đời của loài sen quý Tây Hồ có tự bao giờ nhưng lịch sử ướp trà sen Bách Diệp Tây Hồ ở làng nghề truyền thống Quảng Bá đã có hơn thế kỉ, nhiều gia đình có truyền thống ướp trà ba thế hệ. Trong một số tài liệu lịch sử thì cho biết: Thời điểm được xác định gần nhất vào khoảng 400 năm, ở thời vua Lê - chúa Trịnh đã có thú thưởng sen ở Hồ Tây.
Song có lẽ, thú vị nhất là những câu chuyện truyền khẩu của bà con vùng trời nước thiêng liêng Tây Hồ về loài sen quý Bách Diệp. Những câu chuyện lạ có thật này tuy chưa được nghiên cứu hay chứng nhận bởi một tổ chức khoa học nào nhưng hay ở chỗ nó thuộc về kinh nghiệm dân gian và trở thành một điều kiêng kị, một luật bất thành văn mà bất kể ai khi trồng sen, làm trà ướp sen Bách Diệp Tây Hồ bắt buộc đều phải tuân thủ.
Các cụ nói rằng: Loài sen quý này có linh hồn. Bởi vì nếu chẳng may nhà thầu nào ươm sen, trồng sen Bách Diệp mà không trông coi kĩ, để ai đó sảy chân chết đuối thì cả năm đó đầm sen lụi sạch, không còn một cọng. Thậm chí, nếu chủ đầm hay trong nhà chủ đầm có ai bị mất, người nhà không xông hương, không giải khí lạnh, vô tình ra đầm thì tự nhiên sen cũng như bị bay hơi, chỉ vài mươi bữa tự nhiên từng trảng sen lụi rồi sen cũng như chết theo người. Sen Bách Diệp Tây Hồ cũng ưa sạch, cho nên, ngày trước, người ta đố kị hay bực bội vì không mua được sen từ chủ đầm người ta thả ván thôi (miếng ván tách ra từ quan tài chôn người chết, khi bốc mộ móc từ đất lên để ngoài cánh đồng cho tự mục) xuống đầm, sen cũng cứ thế mà “biến” sạch. Cho nên, bất kể chủ đầm nào hay nhà nào trồng sen đều chăm sóc và canh coi đầm hết sức cẩn trọng.
Sen đại đóa Bách Diệp Tây Hồ vừa thuần khiết, vừa thanh tao nên khi ướp chè sen nhất định phải gìn giữ và tắm rửa sạch. Nếu khi ướp chè sen, phụ nữ tới chu kì kinh nguyệt bắt buộc không được bén mảng tới chỗ làm hay thò tay vào làm sen, nếu không cả mẻ chè sẽ bị ủng và vứt đi hết. Lão Nghệ nhân Nguyễn Thị Dần, năm nay 97 tuổi, người được cho là một trong những cụ già cao tuổi nhất của Quảng Bá nói riêng và một trong số những nghệ nhân cao tuổi nhất của làng nghệ nhân VN nói chung đã khẳng định rằng: Vì có người cho là mê tín, tuyên truyền nhảm nên đã “thử” sen bằng cách khi bị chu kì kinh nguyệt vẫn cứ làm sen và sau đó cả mẻ sen đó đã bị thối, hỏng và bỏ đi.
Hương sen Bách Diệp Tây Hồ thơm và ướp chè sẽ cho ra một hương vị đặc trưng rất riêng mà khi hớp một ngụm trà như thể được tận hưởng cả đầm sen dịu dàng thơm ngát trong tâm hồn. Nhưng nếu chỉ cần ai đó khi ướp chè mà xịt nước hoa thôi thì tự nhiên hương sen không còn nữa. Các cụ nói rằng sen Bách Diệp Tây Hồ dịu dàng mà cá tính, khái tính là thế. Điều kỳ lạ là sen Bách Diệp Tây Hồ rất giống với những chú tằm óng ả nhả tơ, nếu chỉ cần mùi xà phòng hay công- fo xả vải lẫn vào thì coi như hỏng.
Khắp Việt Nam làng quê nào cũng có đầm sen nhưng chỉ riêng sen đại đóa Bách Diệp Tây Hồ kì lạ như vậy. Và như đặc ân riêng mà Trời Phật ban cho vùng trời nước linh thiêng này nên chỉ ở trời nước ấy sen mới thực sự ngát thơm và tươi sắc. Khi Hồ Tây bị ô nhiễm nặng, sen lụi và nhiều đầm cố lọc nước hết sức sen cũng chỉ lên thưa thớt, hoa nhỏ, thậm chí nhiều đầm xử lý không tốt sen không thể nảy mầm. Bà con vì chỉ muốn ướp chè bằng sen Bách Diệp đã mang vào Hà Tây hay sang sông Hồng và sang các khu vực đầm lân cận, sen tốt lá, hoa to như bát tô bát táu nhưng thưa cánh và kém hương kém sắc.
Những chuyện lạ có thật này không chỉ là điều kiêng kị nghiêm ngặt ở làng nghề truyền thống Quảng Bá - Tây Hồ mà còn là quy định bất thành văn mà bất kể ai trồng sen, làm chè ướp hương sen nhất nhất phải tuân thủ.
THỤC NHI