Ngày 5/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố trực tuyến báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên thứ 15 do VCCI và USAID hợp tác xây dựng, công bố nhằm đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp, PCI là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Đặc biệt, lần đầu tiên, báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.
Tại bảng xếp hạng PCI 2019, tỉnh Quảng Ninh năm thứ ba liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng với 73,4 điểm, kế đến là Đồng Tháp (72,10 điểm), Vĩnh Long (71,30 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm).
Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng.
Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu…
Nhóm cuối trong bản xếp hạng là Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn.
Trong bảng xếp hạng PCI 2018, Hà Nội đứng thứ chín với 65,40 điểm. Con số này cũng đánh giá mức độ cải thiện khá tốt của Thủ đô khi đã tăng 4 bậc so với năm 2017.
Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, Hà Nội đã có sự nỗ lực đáng trân trọng về cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục góp mặt trong top 10 bảng xếp hạng PCI 2019.
Như vậy, năm 2019, Hà Nội trụ vững vị trí thứ chín với 68,80 điểm. Trong các chỉ số thành phần, Hà Nội được đánh giá cao về gia nhập thị trường, đạt 7,98 điểm (Hà Nội cũng có nhiều cải cách trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp); đào tạo lao động 7,91 điểm; chi phí thời gian 7,18 điểm. Hà Nội cũng có nhiều cố gắng nhằm giảm chi phí không chính thức, tăng cạnh tranh bình đẳng và tăng tính minh bạch, tính năng động của chính quyền.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, điều tra PCI năm 2019 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện. Công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…
Tuy nhiên, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn với chính quyền các địa phương, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…
Báo cáo PCI cũng cho thấy, việc tự động hóa, số hóa tại doanh nghiệp tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực tới thị trường lao động. Một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động thêm, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.
Tuy nhiên, tự động hóa và số hóa làm giảm cơ hội việc làm của các lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình tự động hóa và số hóa, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện kỹ năng lao động và cải thiện quan hệ lao động.
HƯƠNG THỦY