Nghiện game online: Có phải bệnh?

  • 09:45, 15/06/2020
Vụ việc bé trai 5 tuổi ở tỉnh Nghệ An tử vong sau khi bị một đối tượng nghiện game online (trò chơi điện tử trực tuyến) giấu vào rừng mới đây đã gây rúng động dư luận. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng nghiện game online trong giới trẻ hiện nay.

Nghiện game online trong giới trẻ gây ra những hậu quả nặng nề.Nghiện game online trong giới trẻ gây ra những hậu quả nặng nề.

Theo các chuyên gia, nếu được phát hiện và khám chữa sớm, việc điều trị chứng nghiện game sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. 

Rối loạn tâm thần do game online

Sống với bố, bị thiếu hụt tình cảm của mẹ, T.V.L (15 tuổi ở quận Long Biên) thường tìm đến game online. Cách đây 4 năm, mặc dù phát hiện con có những dấu hiệu bất thường, dễ bị kích động, đập phá đồ đạc, sức khỏe và kết quả học tập giảm sút…, nhưng bố T.V.L vẫn không nghĩ con bị nghiện game và ảnh hưởng đến tâm lý. Chỉ đến khi thấy con có ý định nhảy từ tầng cao xuống đất, bố T.V.L mới hoảng hốt đưa con đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ban đầu, T.V.L đập phá, la hét, không hợp tác với bác sĩ. Sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện, tâm lý của T.V.L đã ổn định hơn.

Theo thống kê, năm 2019, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận điều trị cho 15 bệnh nhân và từ đầu năm 2020 đến nay, đã điều trị cho 9 bệnh nhân liên quan đến nghiện trò chơi điện tử trực tuyến, chủ yếu ở độ tuổi từ 13 đến 17. Bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, dịp nghỉ hè, khi học sinh được nghỉ học, số lượng trẻ đến khám và điều trị nghiện game nhiều hơn các thời điểm khác trong năm.

Khi rơi vào thế giới “ảo” của trò chơi trực tuyến, trẻ sẽ thay đổi nhân cách, cảm xúc, thường xuyên căng thẳng, cáu gắt, bực tức. Trẻ cũng không quan tâm đến việc học hành, “cày” game từ 16-20 giờ/ngày, gây rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, trẻ còn ảo tưởng mình chính là nhân vật trong game, từ đó, luôn có những hành động bất thường, hành vi bạo lực, như: Tìm những đối tượng yếu thế hơn để bắt nạt, nghĩ mình là siêu nhân có thể bay, nhảy trên tầng cao xuống, bắt chước theo những trò chơi trong game…

Hiện tại, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đang áp dụng phác đồ điều trị nghiện game giống với điều trị rối loạn hành vi ở độ tuổi thanh, thiếu niên do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế quy định. Cụ thể, bệnh nhân nghiện game được sử dụng thuốc chống trầm cảm, các thuốc an thần thế hệ mới phối hợp song song với liệu pháp điều trị tâm lý. Trung bình, một bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện từ 2 đến 4 tuần. Sau thời gian điều trị, khoảng 70%-90% trẻ không còn tình trạng nghiện game.

Thế nhưng, có những bệnh nhân khi quay trở về với gia đình, chỉ 3-6 tháng sau đã quay lại bệnh viện. “Trung bình thời gian điều trị duy trì kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Thời gian này, bệnh nhân phải tuân thủ việc tái khám, uống thuốc định kỳ và nhất là phải xa rời máy tính...”, bác sĩ Trần Quyết Thắng lưu ý.

Tương tự, tại Bệnh viện Quân y 103 cũng áp dụng phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện game bằng thuốc an thần, chống trầm cảm hoặc bằng các liệu pháp tâm lý. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng tích hợp cả nhóm biểu hiện giống người nghiện ma túy cũng như các triệu chứng của người trầm cảm nặng, thậm chí có trường hợp còn có ý định tự sát.

Gia đình quyết định sự thành công của việc điều trị

Theo báo cáo của Hội đồng Khoa học và Sức khỏe cộng đồng của Mỹ, người nào chơi trò chơi trên máy tính quá 2 giờ mỗi ngày, trong thời gian trên 1 tháng được coi là nghiện game máy tính.

PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) cho rằng, để việc điều trị hiệu quả, bệnh nhân bị buộc phải từ bỏ game online hoàn toàn, nghĩa là không được chơi game dù chỉ 1 phút. Nhiều người đã lầm tưởng rằng, sau khi điều trị, chỉ cần giới hạn thời gian chơi mỗi ngày dưới 1 giờ là đủ. Điều này là sai lầm vì bệnh nhân đã mất khả năng kiểm soát việc chơi game. Khi được chơi game 1 giờ mỗi ngày, họ lại muốn chơi game lâu hơn. Khi bị cấm ở nhà, họ sẽ tìm cách chơi ở nơi khác.

Cũng theo bác sĩ Trần Quyết Thắng, kết quả điều trị có thành công hay không được quyết định ở thời gian điều trị duy trì tại gia đình (chiếm 60%-70%). Do đó, sau quá trình điều trị nội trú, khi về gia đình, cha mẹ cần hạn chế tuyệt đối cho trẻ tiếp xúc các thiết bị điện tử.

Bác sĩ điều trị tâm lý, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Hoàng Việt Hà cho rằng, chữa trị bệnh nghiện game online rất kỳ công, đòi hỏi nhiều thời gian và sự hợp tác từ gia đình, người thân. Việc phát hiện trẻ bị nghiện game từ sớm giúp cho hiệu quả điều trị cao hơn. Dấu hiệu để nhận biết sớm trẻ nghiện game online, đó là trẻ bồn chồn, hay đập phá, không thích giao tiếp, rối loạn giấc ngủ, nhất là không muốn đi học, phản ứng mạnh mẽ khi bị hạn chế thời gian chơi game... Nếu trẻ có những dấu hiệu trên, thì cần nghi ngờ con mình đã bị nghiện game online và nên sớm đưa đi khám ở các bác sĩ tâm thần.

THU TRANG/HNM

Bạn đang đọc bài viết Nghiện game online: Có phải bệnh? tại chuyên mục của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]