Hình ảnh trong phim Tình yêu và tham vọng (Ảnh: H.P)
Hai tác phẩm remake mới mẻ, hấp dẫn
“Tình yêu và tham vọng” của đạo diễn Bùi Tiến Huy dựa trên format “Thế lực cạnh tranh” của Trung Quốc. Phát sóng hơn 10 tập, phim nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, nhiều người xem cùng đánh giá, lâu rồi mới có một bộ phim remake chỉn chu, hấp dẫn như vậy.
Trong bối cảnh có rất nhiều bộ phim về gia đình, tình yêu, thân phận hấp dẫn nhưng quen thuộc, “Tình yêu và tham vọng” trở thành “món ăn lạ” đối với khán giả. Một phần không thể thiếu tạo nên sức hấp dẫn cho “Tình yêu và tham vọng” chính là những câu chuyện tình yêu, đưa khán giả tới mọi cung bậc cảm xúc. Trong phim xuất hiện gần như các kiểu tình yêu mà khán giả bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày như: mối tình thanh mai trúc mã, tình đơn phương, tình yêu vụ lợi... Cách kể chuyện và tiết tấu phim nhanh cũng là điểm cộng của “Tình yêu và tham vọng”. Bộ phim có những tình tiết phim hấp dẫn, kịch tính ngay từ những tập đầu tiên. Các tập phim đều có cao trào, mâu thuẫn, và giải quyết nhanh gọn chứ không để người xem quá bực bội hay phải chờ tới cuối phim mới có lời giải đáp.
Trong khi đó, “Nhà trọ Balanha” của đạo diễn Khải Anh khai thác câu chuyện lập nghiệp, tình yêu, sự nổi loạn cũng như những nỗi hoang mang của tuổi trẻ khi đối mặt với những bức tường rào buộc phải nỗ lực vượt qua, từ đó đánh dấu một cột mốc cho sự trưởng thành của mỗi con người.
Được sản xuất dựa trên format gốc Welcome to Waikiki của jTBC (Hàn Quốc), chuyện phim không quá mới mẻ nhưng chất hài hước, tự nhiên bắt nguồn từ những tình huống đặt ra cho các nhân vật trong phim chính là điểm thu hút nhất của phim “Nhà trọ Balanha”. Xoay quanh hành trình lập nghiệp, kinh doanh nhà trọ Balanha, các thành viên gặp phải những tình huống éo le “dở khóc dở cười”. Chuyện tình yêu giữa các nhân vật có tính cách đối lập tưởng chừng không thể tồn tại vẫn nảy sinh cũng là điều thú vị của “Nhà trọ Balanha”.
Bất ngờ những gương mặt mới
Một yếu tố vô cùng quan trọng góp phần tạo nên thành công của “Tình yêu và tham vọng”, “Nhà trọ Balanha” là diễn xuất của dàn diễn viên trẻ tài năng.
Trong đó, “Tình yêu và tham vọng” quy tụ dàn diễn viên tài năng của hai miền Nam - Bắc. Nổi bật có thể nhắc tới sự thay đổi về cá tính, diễn xuất của Mạnh Trường. Vốn “đóng đinh” với dạng vai soái ca hiền lành, lãng tử, chung tình, Mạnh Trường hoàn toàn “lột xác” trở thành người đàn ông trưởng thành, nhiều mưu mô, thủ đoạn.
Nhan Phúc Vinh vẫn đóng người đàn ông si tình nhưng vai tổng giám đốc Minh của “Tình yêu và tham vọng” có sự lạnh lùng, quyết đoán, bí ẩn và hấp dẫn. Diễm My 9X trưởng thành hơn về diễn xuất với vai khó, đòi hỏi sự biến hóa về nội tâm.
Bên cạnh đó, Thanh Sơn với vai chàng trai hài hước, có chút “lầy lội” nhưng si tình. Minh Huyền với vai cô gái con nhà giàu không thiếu tiền, “cà khịa” những người xấu tính cũng rất ấn tượng.
Nếu “Tình yêu và tham vọng” có thế mạnh là quy tụ dàn diễn viên thực lực nổi tiếng thì “Nhà trọ Balanha” lại là một sắc màu khác với dàn diễn viên mới trẻ trung, hết mình vì nhân vật. Xuân Nghị nổi tiếng với vai diễn phụ trong “Ngày ấy mình đã yêu” (đóng với Bảo Thanh) đã phát huy được sở trường hài hước của mình trong phim mới. Đa số gương mặt trong “Nhà trọ Balanha” hầu hết là những gương mặt rất mới nhưng diễn xuất khá tự nhiên như: Công Dương, Trần Nghĩa, Quỳnh Cool…
Đạo diễn Khải Anh đã khá mạo hiểm khi lựa chọn phim hài hước với những gương mặt hoàn toàn mới mẻ như vậy. Mạo hiểm là bởi những diễn viên trẻ có thế mạnh là sự mới mẻ, trẻ trung, dám thử thách, có thể sẽ gặt hái thành công rực rỡ nhưng cũng có thể sẽ thất bại thảm hại nếu thiếu kinh nghiệm diễn xuất, biểu cảm thiếu linh hoạt.
Thành công của loạt tác phẩm như “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, “Gia đình là số 1”, “Gạo nếp gạo tẻ”… đã khiến nhiều người lầm tưởng phim truyền hình remake là dễ làm và gặt hái thành công. Sự thật chứng minh điều ngược lại, đã có không ít tác phẩm remake thất bại dù có kịch bản nổi tiếng hấp dẫn như: “Glee” phim âm nhạc Mỹ, “Hậu duệ mặt trời” bom tấn truyền hình Hàn Quốc, “Mẹ ơi bố đâu rồi” - bản remake của sitcom đình đám có tên “Last Man Standing” của Mỹ… Và, không ít những tác phẩm remake chỉ dừng lại ở mức độ “xem được” chứ không có sự mới mẻ, sáng tạo và hấp dẫn so với bản gốc.
Thế mới biết sự sáng tạo của một tác phẩm truyền hình remake cũng vô cùng quan trọng. Kịch bản chỉ là một phần, người làm phim phải hiểu được thị hiếu, văn hóa thưởng thức của khán giả trong nước. Việc lựa chọn được diễn viên tài năng, phù hợp, sống hết mình với nhân vật là điều cực kỳ quan trọng để có được tác phẩm truyền hình làm lại vẫn có sức hút.
NGUYÊN VŨ