Câu chuyện về 5 bức tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Mexico Ponzanelli

Trong cuộc đời đầy sự dịch chuyển của mình, tôi hay để ý tới những yếu tố tác động ít nhiều đến không gian xung quanh: những hình khối, màu sắc, sự sắp đặt, sự chuyển động với những tốc độ khác nhau. Từ đó tôi yêu thích nghệ thuật điêu khắc và đi đâu tôi cũng ghi vào võng mạc của mình hình ảnh của những bức tượng cứ xuất hiện từng giờ, từng khắc...

Trong đó có những bức tượng Bác Hồ của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới...

Bức tượng Bác Hồ tại công viên trung tâm ở thủ đô Mexico. Ảnh do tác giả cung cấpBức tượng Bác Hồ tại công viên trung tâm ở thủ đô Mexico. Ảnh do tác giả cung cấp

Thế nhưng, độc đáo nhất chắc phải nói đến các bức tượng và phiên bản tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Mexico Ponzanelli. Ông là người gốc Italia năm nay 45 tuổi, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật điêu khắc. Ponzanelli đã có 30 bức tượng đặt ở các bang khác nhau ở Mexico, trong đó có 8 bức đặt tại thủ đô.

Ngoài ra, ông còn có các công trình ở các nước như Bolivia, Argentina, Trung Quốc và đây là lần đầu tiên được mời làm một công trình cho Việt Nam. Các bức tượng Bác Hồ do ông sáng tác được đúc bằng đồng và hiện được đặt ở nhiều nơi trên thế giới với các lý do và ý nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều đẹp, đều được đón nhận với sự trang trọng và tình yêu chân thành đối với Bác.

Ý tưởng đặt một bức tượng Bác Hồ ở Mexico vốn là mong muốn của nhiều Đại sứ đã từng làm việc tại quốc gia châu Mỹ này. Năm 2020 này kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam và Mexico thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó, trong những năm kháng chiến tại Việt Nam, chính phủ và nhân dân Mexico luôn dành cho Việt Nam những tình cảm quý báu. Việc đặt một bức tượng Bác tại Mexico được coi là cần thiết và đúng đắn.

Bức tượng Bác Hồ đầu tiên của nhà điêu khắc Mexico Pedro Ramirez Ponzanelli được đặt trang trọng tại một công viên rộng 1.700 m2, ngay trong nội đô thủ đô Mexico, chỉ cách cột cờ của Quảng trường Trung tâm 720m, là nơi tọa lạc của Phủ Tổng thống, Tòa Thị chính, Nhà thờ Lớn…

Tượng bác trong vườn Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Ảnh do tác giả cung cấpTượng bác trong vườn Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Ảnh do tác giả cung cấp

Đại sứ Phạm Văn Quế (nhiệm kỳ từ tháng 9/2007-2/2011) là người có ý tưởng đầu tiên về việc đặt bức tượng Bác tại công viên trên đã trao đổi với các nhà lãnh đạo, các kiến trúc sư của thành phố để tiến hành xây dựng.

Dựa trên bức ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (TTXVN), chụp Bác Hồ đang làm việc tại vườn Phủ Chủ Tịch, Ponzanelli đã thể hiện sáng tạo và sinh động hình dáng và thần thái của Bác Hồ: Tư thế ngồi trên chiếc ghế mây tập trung làm việc nhưng không cứng nhắc. Ông đã đặt thêm một chiếc ghế nữa bên cạnh bàn của Bác, để thể hiện sự sẵn sàng đối thoại của Người với xung quanh.

Bộ quần áo ka ki quen thuộc, đôi dép cao su, điếu thuốc trên tay, hộp diêm Thống Nhất dưới chân bàn và tập tài liệu trước mặt không cần cách điệu mà được đặc tả để thể hiện hình ảnh Bác. Tỷ lệ của bức tượng hài hòa với không gian được chọn ở cả mọi góc độ.

Tháng 1/2009, bức tượng được khánh thành với sự ngưỡng mộ và yêu thích của cả người Việt Nam và Mexico. Tôi nhớ mãi câu nói trong lời phát biểu của nhà văn cánh tả Mexico Tapo Segundo: “Bác Hồ đang ngồi đó, không trên bệ cao của quyền lực... Bác đang ngồi giữa lòng nhân dân Mexico”.

Từ đó, ở Mexico có thêm một địa chỉ cho các Đoàn, các nhóm và những người Việt Nam đến thăm và là nơi dâng hương cho mỗi ngày kỷ niệm của đất nước.

Nhưng có lẽ không có vị trí nào xác đáng hơn để rước bức tượng đẹp và đầy ý nghĩa này về đặt là chính trong vườn Phủ Chủ tịch, nơi gần 60 năm trước Bác đã ngồi làm việc. Vị trí được xác định bởi bức ảnh của nghệ sỹ Đinh Đăng Định. Nhiều ý kiến ủng hộ ý tưởng này. Mọi thủ tục đã được thông qua nhanh chóng và thông suốt. Nhiều cơ quan của Việt Nam đã bắt tay ngay vào việc.

Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico đã liên hệ với nhà điêu khắc Ponzanelli để tạo phiên bản thứ hai của bức tượng đặt tại Thành phố Mexico và xin giấy phép để có thể đưa bức tượng ra khỏi nước bạn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, bức tượng Bác thứ hai của nhà điêu khắc nổi tiếng đã về đến Việt Nam.

Một buổi lễ trang trọng được tổ chức nhân chuyến đi thăm Việt Nam của đồng chí Alberto Anaya, Tổng Bí thư của Đảng Lao động Mexico, một người bạn thân thiết của Việt Nam. Sau buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói với tôi: “Qua cửa sổ của phòng làm việc, mình luôn nhìn thấy Bác Hồ”.

Tượng Bác Hồ trong khuôn viên Đại sứ quán nước ta tại Bắc Kinh. Ảnh do tác giả cung cấpTượng Bác Hồ trong khuôn viên Đại sứ quán nước ta tại Bắc Kinh. Ảnh do tác giả cung cấp

Bức tượng Bác thứ ba của nhà điêu khắc Ponzanelli gắn với một sự kiện lịch sử to lớn của Thủ đô Hà Nội. Đó là vào năm 2010, Hà Nội long trọng tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Với tình cảm của mình đối với Bác Hồ và Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico đã đề xuất với Ban Lãnh đạo Đảng về việc tặng Hà Nội một phiên bản của bức tượng quý giá này. Một lần nữa nghệ sỹ Ponzanelli lại bận bịu với công việc tạo hình của mình và cũng trong thời gian rất gấp rút.

Cận ngày lễ của Hà Nội, đồng chí Pedro Vazquez, Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Lao đông Mexico được phân công bay sang Việt Nam để trao tặng nhân dân thành phố Hà Nội món quà của những người bạn cánh tả Mexico. Bức tượng được trao cho bà Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố lúc bấy giờ.

Đặc biệt, Thông tấn xã Việt Nam là một trong những cơ quan có nhiều quan hệ hợp tác với Mexico trên các lĩnh vực đào tạo, in ấn phát hành, trao đổi thông tin… Phía Mexico rất ấn tượng về tầm cỡ tổ chức và hoạt động của cơ quan thông tấn quốc gia của Việt Nam.

Khẳng định sự hợp tác đó, năm 2012, được tin Thông tấn xã Việt Nam khánh thành trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia và được biết xuất xứ của tượng Bác Hồ là từ ảnh của một nhệ sỹ nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam và những tài liệu Bác đang đọc vào thời điểm đó chính là những bản tin của Thông tấn xã, Tổng Bí thư Mexico Alberto Anaya quyết định tặng những người bạn Thông tấn xã Việt Nam một phiên bản của bức tượng này (bức tượng thứ tư).

Bức tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Mexico Pedro Ramirez Ponzanelli tại trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia. Ảnh: Đinh Linh/Báo Tin tứcBức tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Mexico Pedro Ramirez Ponzanelli tại trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia. Ảnh: Đinh Linh/Báo Tin tức

Lễ khánh thành Trung tâm Thông tấn quốc gia, đồng thời cũng là lễ khánh thành bức tượng Bác tại đây, diễn ra ngày 2/11/2012 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Bức tượng được đặt ở một vị trí trang trọng trong tòa nhà, khác với những bức tượng trước đó đều được đặt ngoài trời, những người thiết kế nội thất đã tạo được một không gian ba chiều sau lưng Bác, với màu xanh lá cây chủ đạo, để lại đưa người ngắm trở về với vườn Phủ Chủ tịch.

Và bốn năm sau, năm 2014, bức tượng Bác Hồ thứ 5 của nhà điêu khắc Ponzanelli, từ Mexico lại vượt trùng dương để đi xa hơn nữa. Lần này là để đến một lãnh thổ nhỏ bé của Việt Nam giữa lòng Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc: Khuôn viên của Đại sứ quán Việt Nam. Nơi đây cũng đã từng được in dấu chân của Bác.

Các bức tượng Bác Hồ được dựng lên bằng tình yêu của con cháu của Bác, của nghệ sỹ các nước bạn bè. Điều đó chứng minh rằng không phải với kích thước thật cao, thật to, không phải với những khoản kinh phí khổng lồ, chúng ta mới có thể tạo nên những kỷ niệm đầy ý nghĩa về Bác. Phải nói thêm là bức tượng này của Bác đã giúp cho bức ảnh của nghệ sỹ Đinh Đăng Định có sức sống trường tồn xuyên thế kỷ.

Điều đặc biệt là, theo nguyên tắc kỹ thuật, sau các lần đúc thì phôi của tượng (khuôn) sẽ không sử dụng được nữa. Nhưng lần gặp gỡ mới đây nhất của tôi với Ponzanelli, ông nói rằng, nếu cần ông vẫn có cách đúc thêm phiên bản của bức tượng này.

Các tác phẩm điêu khắc thường có sự tồn tại khá lâu theo chiều dài của lịch sử, nhưng sẽ càng lâu hơn một khi nó được gắn với những tư tưởng lớn, những tình yêu chân thành của nhân dân và của những người làm ra nó. Những bức tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Mexico Pedro Ramirez Ponzanelli là những tác phẩm-công trình như thế!

HỒ PHƯƠNG/baotintuc.VN

 

Bạn đang đọc bài viết Câu chuyện về 5 bức tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Mexico Ponzanelli tại chuyên mục Tổng phụ trách giỏi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]