Truyền thông kết hợp khám và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân.
Báo động chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền
Một trong những thành công của chính sách dân số mà Việt Nam thực hiện trong suốt gần 60 năm qua là kiểm soát mức sinh, hướng tới mục tiêu giảm sinh. Tổng tỷ suất sinh liên tục giảm từ 6,39 con (năm 1960) xuống còn 2,09 con (năm 2006). Liên tục 13 năm nay, Việt Nam luôn ở mức sinh thay thế. Đây được xem là một thành tựu lớn trong công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGD), góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.
Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, nếu để mức sinh tăng trở lại, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ ở mức quá cao khoảng 130-140 triệu người. Điều này sẽ gây ra các bất lợi đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của đất nước. Ngược lại, nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp, tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ vào khoảng 95-100 triệu người. Điều này dẫn đến suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh, bất lợi đối với sự phát triển của đất nước. Việc chủ động duy trì mức sinh hợp lý là để trong tương lai, Việt Nam sẽ có được một quy mô dân số phù hợp với diện tích lãnh thổ, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi; duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu "dân số vàng"; làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn "già hóa dân số" sang "dân số già", có cơ hội phát triển các dịch vụ an sinh xã hội và phát huy, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để khống chế sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, sớm đưa trở lại mức cân bằng tự nhiên.
của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), đến năm 2030 quy mô dân số đạt 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.
Theo các chuyên gia tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009-2019 là 1,44% hàng năm (được cho là mức sinh ổn định, không cần tiếp tục kiểm soát tỷ lệ sinh) vẫn chưa phản ánh được bản chất mức sinh ở nước ta. Bởi trong bức tranh chung về mức sinh vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết thực tế đã có nhiều nước thực hiện thành công Chương trình KHHGĐ nhưng chưa có quốc gia nào khuyến sinh trở lại thành công. Bài học điển hình là Hàn Quốc. Sau một thời gian thực hiện chương trình giảm sinh, tỷ suất sinh của Hàn Quốc hiện ở mức 0,96, tức một cặp vợ chồng độ tuổi sinh đẻ chưa có đến 1 con. Mỗi năm Hàn Quốc chi 2 tỷ USD cho Ủy ban phụ trách về dân số nhưng mức sinh vẫn chưa tăng. Theo tính toán nếu không có biện pháp đột biến nào thì đến năm 2050, dân số Hàn Quốc sẽ giảm 10 triệu so với 50 triệu hiện nay và chỉ còn 18 triệu người đến cuối thế kỷ. Nếu chúng ta không hành động sớm sẽ rơi vào “bẫy” mức sinh thấp và khó để khuyến sinh trở lại như Hàn Quốc, hoặc một số quốc gia đang khó khuyến sinh trở lại khác như Nhật Bản, Trung Quốc...
Theo ông Mai Xuân Phương (Vụ Phó Vụ Truyền thông và Giáo dục - Tổng Cục DS-KHHGD, Bộ Y tế), hiện nay mức sinh trong cả nước không đồng đều, được phân thành 3 vùng khác nhau gồm: Vùng mức sinh thấp (21 tỉnh, TP), vùng mức sinh cao (33 tỉnh, TP), vùng mức sinh thay thế (9 tỉnh, TP).
Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng cho thấy yếu tố tác động ban đầu tới mức sinh của Việt Nam là kết hôn, quá trình đô thị hóa và tâm lý ưa thích con trai. Những yếu tố quan trọng nhất khiến một số tỉnh và thành phố có mức sinh thấp trong những thập niên qua là do độ tuổi kết hôn tăng lên, tỷ lệ kết hôn giảm, và quá trình đô thị hóa. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng kéo theo quá trình đô thị hóa là điều kiện thuận lợi cho giảm sinh. Tuy nhiên, yếu tố văn hóa như thích con trai đóng vai trò quan trọng quyết định mức sinh và tạo ra những khác biệt về tỷ lệ sinh ở các tỉnh, vùng miền, và nhóm xã hội.
Mức sinh thay thế ở nhiều vùng đang xuống thấp (Ảnh: INT)
Điều đáng báo động ở vùng có mức sinh thấp là có những tỉnh thành phố có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, thậm chí là rất thấp. Điển hình như Đồng Tháp (1,34 con), TP HCM (1,36 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con)... Ngược lại, tại những vùng có mức sinh cao, tỷ suất sinh ở mức trên 3 con, thậm chí những địa bàn người dân sinh từ 6-7 con. Để có quy mô dân số và cơ cấu dân số hài hòa, đáp ứng sự phát triển của đất nước, chúng ta phải duy trì mức sinh đồng đều giữa các vùng và duy trì vững chắc mức sinh thay thế.
Đây chính là nguyên nhân để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Chỉ áp dụng chính sách ưu đãi khi vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của người dân. Những điểm mới và trọng tâm của Quyết định này đó là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Cụ thể là đến năm 2030 sẽ tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2,0 con). Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con). Đồng thời duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con).
Ông Mai Xuân Phương cho rằng người dân nên hiểu đúng về những nội dung được ban hành trong Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền cách hiểu sai lệch về những chính sách, quy định trong Quyết định 558 vừa được ban hành như: Người dân nào sinh hai con thì được ưu tiên mua nhà xã hội, được vào học trường công lập, giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình... Thực chất điều này là không đúng. Bởi từ trước đến nay, chúng ta luôn nhất quán trong chính sách dân số và chưa bao giờ thay đổi chính sách dân số. Thông điệp của chính sách dân số vẫn là vận động người dân sinh đủ hai con. Những quy định, chính sách ưu đãi nêu trong Quyết định 588 không áp dụng trong cả nước, mà sẽ chỉ được áp dụng ở tại các vùng có mức sinh thấp. Chính phủ giao các địa phương phân tích thực tế để áp dụng thí điểm các biện pháp trên cho phù hợp. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ đánh giá để đưa ra những quyết sách chính thức.
Trong Quyết định 588, Thủ tướng yêu cầu cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau.
Đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ 3 trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ KHHGĐ...
Kết hôn trước 30 tuổi sẽ nâng cao chất lượng dân số
Những người trưởng thành nên sáng suốt có kế hoạch kết hôn và sinh con đúng độ tuổi khuyến cáo, vừa đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp. Bởi theo các nghiên cứu khoa học, độ tuổi từ 20-30 là thời điểm có thai phù hợp nhất với hầu hết phụ nữ. Đây là giai đoạn buồng trứng phát triển “chín muồi” và hoạt động tốt nhất, nên tỷ lệ cho ra nang trứng tốt sẽ cao hơn; ít gặp phải hiện tượng sẩy thai/thai lưu/thai dị dạng. Ở tuổi này, sức khỏe sản phụ tốt nên cũng ít gặp phải những tai biến sản khoa như: chảy máu sau sinh, tắc mạch ối, vỡ tử cung..., hạn chế bệnh lý thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật... Sau 35 tuổi, sức khỏe phụ nữ và chức năng buồng trứng suy giảm nhất định, chất lượng nang noãn thấp nên việc sinh con cũng gặp nhiều khó khăn, tăng tỷ lệ dị dạng; thậm chí nguy cơ cho sức khỏe mẹ, làm tăng tỷ lệ gặp phải các vấn đề như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, mang đa thai, khó có thai tự nhiên. Sau 40 tuổi, khả năng mang thai càng khó hơn và các bất thường, dị tật ở thai nhi cũng tăng lên. Hiếm phụ nữ nào có thai tự nhiên và giữ được thai sau tuổi 45. Bên cạnh khả năng thụ thai, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng trong thai kỳ như: tiểu đường, cao huyết áp, sảy thai... Đặc biệt, nguy cơ trẻ chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo độ tuổi của mẹ; chưa kể trẻ có thể gặp các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi, như hội chứng Down, Edwards. Theo các nghiên cứu, người mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/954; trên 35 tuổi là 1/378; trên 40 tuổi là 1/30.
BS Lê Xuân Hà
(Khoa Nội A, BV Hữu Nghị Việt Xô)
Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng. Ở những địa phương đã có mức sinh dưới mức sinh thay thế thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con. Đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con.
Trong đó, các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay như: Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên; Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế...
Chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như sau:
Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ. Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình...
Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con: Tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình...
Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
Vận động sinh thêm con không có nghĩa khuyến khích sinh con thứ 3
Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để đảm bảo mức sinh thay thế (Ảnh: minh họa)
Một trong những quy định đang khiến nhiều người dân quan tâm trong Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 là nội dung các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay như: Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên. Nhiều người cho rằng với quy định này, việc sinh con thứ 3 đã được nới lỏng, thậm chí còn được khuyến khích sinh con thứ 3 để tăng mức sinh.
- Với quy định bãi bỏ quy định liên quan đến tiêu chí giảm sinh con thứ 3, có vẻ như Nhà nước đang nới lỏng quy định sinh con thứ 3 ở các vùng có mức sinh thấp. Điều đó có nghĩa, người thân của tôi sống ở Bắc Ninh (tỉnh có mức sinh cao) không được sinh con thứ 3 thì nay có thể vào TP.HCM (TP có mức sinh thấp) sống thì sẽ được sinh con thứ 3. Với tình trạng này, tôi nghĩ sắp tới sẽ có hiện tượng người dân sinh hai con gái một bề sẽ "di dân" đến các vùng có mức sinh thấp để tìm cơ hội sinh con trai ở lần sinh thứ 3, thứ 4... chị Lê Thu Huyền (Hà Nội) đặt hy vọng.
Tuy nhiên, theo ông Mai Xuân Phương, một trong những điểm quan trọng mà người dân cần hiểu rõ và hiểu đúng đó là việc bãi bỏ quy định tiêu chí sinh con thứ 3 trở lên được đề cập ở trong nội dung Quyết định 588. Vì trước đây cũng đã có hiện tượng người dân hiểu sai về quy định các trường hợp không bị cấm sinh con thứ 3, cho rằng chính sách dân số đã cho phép sinh nhiều con. Với các quy định trong Quyết định 558 dù được áp dụng tại vùng có mức sinh thấp nhưng không có nghĩa người dân ở đây được phép sinh con thứ 3. Người dân tại vùng có mức sinh thấp sẽ nhận được những chính sách ưu đãi để khuyến khích họ sinh đủ 2 con, chứ không khuyến khích họ sinh thêm con thứ 3, hoặc sinh nhiều con hơn. Do đó việc người dân từ vùng có mức sinh cao đến vùng có mức sinh thấp sống để tự do sinh thêm con là không thể.
Việc sinh con thứ 3 được thực hiện theo Quyết định 102/QĐ/TW ngày 15/11/2017 của BCH Trung ương về quy định kỷ luật đảng viên và Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW ngày 22/3/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Người dân vẫn phải thực hiện đúng chính sách DS-KHHGĐ sinh đủ hai con, trừ những trường hợp đặc thù được phép sinh con thứ 3 theo quy định.
Một điểm ưu việt của Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 là có nhiều quy định ưu tiên nâng cao chất lượng dân số. Trong đó có quy định khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.
Trao đổi với báo chí về quy định này, theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Quy mô DS-KHHGD, việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi, mục đích là để thanh niên trước tuổi 30 kết hôn để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp. Việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 nằm trong bối cảnh là chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 và chỉ áp dụng ở vùng mức sinh thấp.
HẠ THI