Bảo tàng, di tích "hồi sức" không dễ sau dịch Covid-19

Những ngày đầu trở lại hoạt động sau một thời gian tạm dừng mở cửa, một số bảo tàng, di tích cho thấy cuộc “hồi sức” sau đại dịch Covid-19 không hề dễ dàng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh trong ngày mở cửa trở lạiBảo tàng Hồ Chí Minh trong ngày mở cửa trở lại

Tăng cường các giải pháp an toàn để hút khách trở lại

Từ ngày 5/5, một số bảo tàng trên địa bàn Hà Nội như bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng Lịch sử quốc gia, bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thông báo mở cửa trở lại. Tuy nhiên, số khách đến các bảo tàng còn rất thưa thớt vì nỗi lo ngại dịch bệnh vẫn đang khiến mỗi người cảnh giác cao độ.

Vì thế, nhiệm vụ chính được các bảo tàng, di tích sau khi mở cửa trở lại tập trung thực hiện là các giải pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Đây cũng là nội dung được yêu cầu tại công văn của Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL ban hành mới đây. Theo đó, Cục Di sản văn hóa đề nghị các bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tăng cường công tác quản lý, không lơ là với dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; tuân thủ đầy đủ các biện pháp chung về phòng, chống dịch bệnh.

Dù lượng khách thưa vắng nhưng các bảo tàng đều thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch bệnh: khi đến tham quan, du khách thực hiện đeo khẩu trang trước khi vào cửa và trong suốt quá trình tham quan; kiểm tra thân nhiệt; rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào tham quan bảo tàng; thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên bảo tàng để đảm bảo giãn cách an toàn khi tiếp xúc; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các bảo tàng cũng tiến hành vệ sinh các không gian trưng bày, khu vực làm việc; phun khử khuẩn kỹ lưỡng…

Bảo tàng Hồ Chí Minh sau một thời gian tạm đóng cửa đã quay trở lại phục vụ công chúng với hai cuộc triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sức hút của những triển lãm nhân dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước đã đưa công chúng quay trở lại bảo tàng, là động lực cho cuộc “hồi sức” sau những tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng đồng thời cũng đặt ra trọng trách đảm bảo an toàn cho du khách. Theo thông báo của bảo tàng, sau khi mở cửa trở lại, các biện pháp tuyên truyền, phòng chống dịch tiếp tục được bảo tàng đặc biệt chú trọng.

Hành trình “hồi sức”

Đánh giá về khả năng “hồi sức” của các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sau đại dịch Covid-19, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, dường như có một quy luật là các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật luôn chịu ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi cuối cùng khi có biến cố xảy ra. Dịch bệnh Covid-19 không phải là ngoại lệ.

Theo ông Sơn: “Chúng ta đã thấy hàng loạt các sự kiện văn hóa nghệ thuật bị dừng, huỷ ngay từ đầu năm. Đến giờ, dù có một số các lĩnh vực của đời sống xã hội đã trở lại hoạt động bình thường thì các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn phải chờ đợi. Hy vọng bằng những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan văn hoá, các địa phương, các hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ phục hồi nhanh hơn so với tính toán thông thường…”.

Trong những ngày qua, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã gửi thư đến các bảo tàng trong mạng lưới bảo tàng Việt Nam nhằm tổng hợp thông tin về tác động của đại dịch đối với các bảo tàng. Hoạt động này nằm trong tổng thể hoạt động đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đối với văn hóa nói chung và đối với mạng lưới bảo tàng nói riêng mà UNESCO đang thực hiện. Theo đó, các thông tin được quan tâm là ước tính về thiệt hại kinh tế, bảo tàng áp dụng biện pháp nào để đối phó với dịch Covid-19, hoạt động hay sáng kiến nào của bảo tàng khuyến khích tiếp cận, duy trì kết nối với công chúng (mở bộ sưu tập online, bảo tàng ảo…).

Trên thực tế, bảo tàng ảo hay các trưng bày, triển lãm trực tuyến đã được xác định là giải pháp cứu cánh đối với các bảo tàng, di tích trong những ngày qua, để không bị công chúng lãng quên. Các bảo tàng như Mỹ thuật Việt Nam, Lịch sử quốc gia, bảo tàng Hồ Chí Minh thời gian qua đã liên tục có các hoạt động trực tuyến để vừa giới thiệu các hiện vật giá trị, vừa có đà cho sự “hồi sức” sau khi đại dịch tạm lắng và qua đi.

Phản hồi thông tin đến Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, hầu hết các các bảo tàng cho biết, giải pháp, sáng kiến nhằm duy trì kết nối với công chúng được các bảo tàng thực hiện chính là các hoạt động tương tác qua mạng xã hội. Hệ thống hiện vật tại bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng được giới thiệu với công chúng qua bảo tàng ảo thông qua nền tảng internet. Đáng chú ý là giải pháp kết nối với các công ty du lịch và các lĩnh vực liên quan tạo mạng lưới thúc đẩy du lịch ngay sau khi công bố hết dịch của bảo tàng Dân tộc học. Nghiên cứu, phỏng vấn hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour để tổ chức tọa đàm du lịch, đưa ra giải pháp thúc đẩy du lịch hậu Covid-19. Kết nối một số tạp chí nước ngoài, cung cấp hình ảnh, thông tin để thúc đẩy khách quốc tế tới bảo tàng…

MỘC MIÊN

Bạn đang đọc bài viết Bảo tàng, di tích "hồi sức" không dễ sau dịch Covid-19 tại chuyên mục Tổng phụ trách giỏi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]