Ảnh minh họa.
Cụ thể, bức sơn mài “Cắt lúa” gắn tên Nguyễn Tiến Chung, có giá khởi điểm 6.000-8.000USD, ngay lập tức được giới chuyên môn chỉ ra đó là bức được sao chép một đoạn từ tác phẩm tranh lụa “Mùa gặt” của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Còn bức bột màu “Diễn viên chèo” được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, có mức giá khởi điểm 1.500-2.000USD.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chỉ bằng mắt thường cũng nhận ra tranh giả, vì trình độ kỹ thuật thấp và không có điểm tương đồng với phong cách của danh họa Bùi Xuân Phái. Trước đó, họa sĩ kỳ cựu Nguyễn Thụ cũng lên tiếng kêu cứu vì bức tranh sơn mài “Thuyền buồm dưới ánh trăng” ký tên ông trên sàn trực tuyến của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) là mạo danh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tổ chức trên thế giới thực hiện các phiên đấu giá trực tuyến, thay vì trực tiếp. Đây là điều kiện để giới nghệ thuật nước nhà tiếp cận, tham gia công tác giám sát kể cả với những phiên đấu giá của các đơn vị danh tiếng. Vì thế, nhiều bức tranh được phát hiện bị làm giả trên các sàn đấu giá này.
Song, nếu chỉ xôn xao ở trong nước, thì tranh giả vẫn ngang nhiên được mời chào, giao dịch trên các sàn quốc tế. Giới nghệ thuật nước nhà cần mạnh mẽ lên tiếng, đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có đầy đủ bằng chứng, hồ sơ pháp lý để khẳng định tranh giả, tranh thật hãy gửi phản hồi tới các sàn đấu giá và các tổ chức nghệ thuật uy tín. Điều này vừa bảo vệ danh tiếng của các họa sĩ, quyền lợi của nhà sưu tập, vừa góp phần làm minh bạch thị trường mỹ thuật.
NGƯỜI LÁI ĐÒ/HNM