Góc nhìn:

Trục lợi chính sách phải xử nghiêm

  • 09:12, 20/05/2020
Tính thời điểm này, gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã và đang được thực hiện đồng loạt ở nhiều địa phương trong cả nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giải đáp về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân khó khăn do Covid-19Giải đáp về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân khó khăn do Covid-19 (Ảnh: (Nguồn: SK&ĐS).

Chính sách nhân văn này thể hiện sự đồng hành, sát cánh, chăm lo cho người dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh của Đảng và Nhà nước ta. Khắp cả nước, người dân rất cảm kích, ghi nhận trước chính sách đầy nhân văn này. Bởi với người nghèo, người gặp khó khăn thì trong cơn hoạn nạn, "một miếng khi đói bằng một gói khi no" là vô cùng quý giá.

Còn nhớ, ngay từ lúc chính sách được ban hành, người đứng đầu Bộ LĐ,TB&XH - đơn vị được giao chủ trì thực hiện việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng nói: “Việc triển khai số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai khó tránh được sai sót dù nhỏ nhất. Nhưng không vì thế mà để những đồng tiền của người dân đi "lạc đường" như câu chuyện những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa đã xảy ra ở một số nơi. Dù rằng đó là rất cá biệt nhưng đừng để những con Covid xấu ăn chặn của người dân…”.

Sở dĩ Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung có lời "nhắc nhở" như thế là bởi trước đây đã có hiện tượng "dê nhầm nhà, gà đi lạc, bò, nhím nhầm chuồng"... vào nhà cán bộ ở một số địa phương khi thực hiện việc hỗ trợ lũ lụt, thiên tai cho người dân. Vì thế, với gói hỗ trợ lần này, Chính phủ kỳ vọng tất cả người dân nằm trong diện được hỗ trợ sẽ được thụ hưởng chính sách nhân văn một cách đầy đủ.

Thế nhưng những ngày qua, vụ việc 4.000 người dân ở Thanh Hóa "tự nguyện" từ chối nhận khoản hỗ trợ này bằng văn bản đánh máy sẵn lại khiến dư luận "nổi sóng". Bởi cách làm không đúng của một bộ phận cán bộ, chính quyền cấp cơ sở.

Vị trưởng thôn Hạnh Phúc ở xã Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), một trong những người trực tiếp vận động những hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, thừa nhận mình đã làm sai với chủ trương của cấp trên. Cũng từ những lùm xùm trong việc người dân không nhận tiền hỗ trợ, một sự thật khác đã lộ ra. Đó là việc nhiều hộ dân nằm trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo của Thanh Hóa lâu nay lại là những hộ có thu nhập ổn định hàng tháng, thậm chí còn có hộ đang sống trong những ngôi nhà khang trang, tiền tỷ.
Vì sao lại có tình trạng người dân không thuộc hộ khó khăn nhưng lại nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo? Việc này được lý giải là xuất phát từ việc người dân khi họp thôn đã tự thống nhất với nhau nhường suất hộ cận nghèo cho các gia đình có con đi học để được miễn giảm học phí, được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Việc “nhường nhịn” sự ưu đãi từ chính sách của những người dân dành cho nhau đã khiến cho nhiều hộ không khó khăn vẫn nằm trong danh sách hộ cận nghèo.

Rõ ràng, việc người dân “lách luật”, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước là sai. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao cán bộ thực hiện chính sách vẫn chấp nhận việc làm đó của người dân để rồi dẫn tới tình trạng “đàn gà, con dê tiếp tục đi lạc” vào những gia đình không nằm trong đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đúng với tiêu chí của Nhà nước đề ra.

Ban đầu, việc người dân nghèo, cận nghèo từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ để nhường cho những người khó khăn hơn được xem là "hành động đẹp", cần được nhận rộng ở địa phương. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng vì "bệnh thành tích" đã khiến những cán bộ thôn, xã có sự vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ để rồi từ đây sự thật về hàng nghìn người dân không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ đã… “hiện ra”.

Vì thế, ở một góc độ nào đó, việc những “hộ dân cận nghèo ở nhà to” đã tình nguyện ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhường lại cho những trường hợp khó khăn hơn là việc làm đúng đắn. Họ đã nhận ra cái sai của mình. Bài học còn lại là của những cán bộ cơ sở khi triển khai chính sách của Nhà nước tới dân. Cách làm việc cả nể, xuê xoa, làm theo thành tích của cán bộ có thể khiến cho chính sách đúng đắn của Nhà nước bị sai lệch. Dẫn tới hậu quả, những người dân khó khăn thật sự không được nhận chính sách ưu đãi của Nhà nước để thay vào đó là người không thuộc diện chính sách được hưởng lợi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cập đến “bệnh” tư lợi, như một căn bệnh tham ô của công cần lên án. Vụ án Trần Dụ Châu biển thủ công quỹ đã bị Bác quyết định xử tử để làm gương cho cán bộ. Người cũng chỉ ra "bệnh thành tích" trong thi đua biểu hiện ở thành tích ít nhưng báo cáo nhiều, hoặc chỉ báo cáo thành tích còn khuyết điểm thì che giấu đi; biểu hiện ở việc làm bừa, làm ẩu, phô trương thành tích. Đồng thời, Người còn chỉ ra tác hại của “bệnh thành tích” dễ dẫn đến xa rời quần chúng. Không chỉ “bắt mạch”, nhắc nhở, cảnh báo căn bệnh thành tích, Người còn “kê đơn” với những chỉ dẫn hết sức sâu sắc để “chữa trị”căn bệnh này. Theo Người, "Bệnh thành tích" nảy sinh từ nhiều nguyên nhân, do đó để đẩy lùi và khắc phục nó phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ nhận thức tư tưởng cho đến công tác tổ chức. Nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là động cơ thi đua không đúng đắn, thay vì thi đua, lại ganh đua với nhau. Do đó, theo Người phải làm tốt việc giáo dục, xây dựng động cơ thi đua.

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta phải xử lý nghiêm những biểu hiện trục lợi chính sách dù đó là ai và giữ cương vị nào!

HẠ THI

Bạn đang đọc bài viết Trục lợi chính sách phải xử nghiêm tại chuyên mục của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]