Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. - Ảnh: VGPSáng 23/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn về công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, thời gian vừa qua, căn cứ vào các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhờ đó, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô, hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm một số sông trên địa bàn Thành phố (như Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy) còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề xử lý ô nhiễm không khí chưa có các giải pháp hữu hiệu...
Nguyên nhân chủ yếu do Thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số Hà Nội có khoảng 8 triệu dân nhưng thường xuyên có thêm 2 triệu dân số cơ học, quy mô đô thị mở rộng và phát triển mạnh, áp lực về gia tăng dân số và cơ sở hạ tầng ngày càng lớn...
Huy động sức mạnh cộng đồng để bảo vệ môi trường
Hà Nội nêu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ xem xét ủy quyền cho Hà Nội phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nhóm A trên địa bàn đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ với vai trò là cơ quan đầu mối đề xuất cơ chế và quy định chi tiết giữa Thành phố với các Bộ ngành, địa phương khác để thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề môi trường liên tỉnh như ô nhiễm không khí và quản lý các lưu vực sông liên tỉnh (sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải...). Trong khi Hà Nội chưa xây dựng và vận hành đủ các nhà máy xử lý, hệ thống thu gom nước thải, cần có chế tài xử lý các cơ sở xả thải ra môi trường không đạt quy chuẩn, có thể xem xét cho tạm dừng hoạt động.
Trao đổi về vấn đề cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khí thải đối với tất cả các loại phương tiện cập nhật các tiêu chuẩn của quốc tế.
Đối với kiến nghị của Hà Nội liên quan giải quyết môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là hạn chế, bất cập nhưng cũng lại là cơ hội để Hà Nội có sự bứt phá trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp để giải quyết.Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc. - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu dù đã phân cấp quản lý cho từng bộ, ngành trong vấn đề môi trường nhưng hiện nay, vẫn còn những bất cập trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi cấp. Tuy nhiên với Luật Bảo vệ môi trường đang sửa đổi, Bộ trưởng cho rằng sẽ giải quyết được vướng mắc này. Hà Nội cần huy động được sức mạnh tập thể của cả cộng đồng để bảo vệ môi trường.
Qua báo cáo của Hà Nội và nắm bắt thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy môi trường Hà Nội đang phải đối mặt với các vấn đề về chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, xử lý nước thải và chất lượng không khí…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhận định, những vấn đề đặt ra trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội cũng chính là trách nhiệm của Bộ cần phải nghiên cứu, giải quyết và Bộ sẽ có tham mưu, tư vấn, hỗ trợ cho Hà Nội nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiệu quả trong thời gian tới.
Cần tạo chuyển biến rõ rệt
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành thông báo chung, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Thành phố và Bộ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc.
"Mỗi vấn đề đặt ra phải được phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả trong quá trình giải quyết; trên cơ sở đó phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn thành phố", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Nêu 2 vấn đề ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm nhất hiện nay là ùn tắc giao thông và ô nhiễm bụi mịn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí, tinh thần là phải quyết liệt, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí.
Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường của Hà Nội thời gian tới, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải...
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giao thời hạn khắc phục; sau thời hạn mà không khắc phục được thì cho dừng hoạt động.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo để bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các bệnh viện còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.
Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, Bí thư Thành ủy chỉ đạo kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đi vào làm việc ngay, nhằm phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố.
Đối với các dự án có vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, Bí thư Thành ủy giao UBND Thành phố phải rà soát lại từng dự án gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
GIA HUY/Chinhphu.vn