Trẻ em là tương lai của đất nước cần được gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc, thực hiện Quyền Trẻ em đầy đủ (Ảnh: Int)
Điển hình, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất cả nước. Đây là số liệu được nêu trong Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống, xâm hại trẻ em do Đoàn Giám sát của Quốc hội thực hiện từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019.
Những đứa trẻ sống trong bóng tối
Giữa Thủ đô Hà Nội, ngay chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), có những đứa trẻ mới sinh ra không biết bố là ai, còn mẹ thì bỏ đi. Suốt 10 năm nay, 3 đứa trẻ sống trong một nhà vệ sinh cũ cải tạo lại chưa đầy 10m2 được nuôi nấng bởi 1 cụ bà, vừa là bà ngoại, vừa là cụ ngoại nuôi.
Sau vài lần hẹn, PV Báo Phụ nữ Thủ đô mới gặp được bà Nguyễn Thị Ly (SN 1953) vì bà bận đi rửa bát thuê cho các quán bún phở. Bà Ly kể, có mấy người con thì không đứa nào ra gì, người con trai cả bị bệnh hiểm nghèo mất năm 31 tuổi, còn 3 đứa khác thì nay đây mai đó, cuộc sống không ổn định. Bà cũng không biết giờ con cái mình đang làm gì, ở đâu? Đứa cháu ngoại bỏ nhà đi khắp nơi rồi về nhà bà đẻ, đứa trẻ sinh ra không biết bố là ai.
Trung bình 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại
Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em. Bạo lực: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ; cố ý gây thương tích: 666 trẻ); Mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt: 106 trẻ em; Các hình thức xâm hại khác: 1.314 trẻ em. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
(Theo Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống, xâm hại trẻ em của Đoàn Giám sát của Quốc hội)
Đứa cháu ngoại đẻ con được một thời gian, cai sữa xong thì để con cho bà nuôi rồi đi biệt. Chồng bà bảo dù gì đứa trẻ cũng là chắt ngoại của mình, giờ mẹ đã bỏ nó, mình cũng không nuôi thì nó sống sao được.
Chồng bà bị ung thư, năm 2014 bà phải bán nhà ở Thanh Xuân để chữa bệnh cho chồng nhưng ông không qua khỏi. Còn một ít tiền, bà mua lại cái nhà vệ sinh cũ ở phường Trung Văn, cải tạo lại, xây thêm cái gác để lấy chỗ chui ra chui vào. Từ đó, hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. Được một thời gian, con gái bà mang về một đứa trẻ bị bệnh đao (Down). Hiện nay, nó 6 hay 7 tuổi bà cũng không biết vì cháu không có giấy tờ gì. Con gái bỏ đứa trẻ tật nguyền lại cho mẹ nuôi rồi đi không về. Tết vừa rồi, đứa cháu ngoại lại ôm về một thằng bé nữa dúi cho bà nuôi rồi bỏ đi. Thế là, một mình bà phải nuôi 3 đứa trẻ (2 chắt ngoại, 1 cháu ngoại), trong đó có 1 đứa tật nguyền.
Bữa cơm của 4 bà cháu chẳng có gì ngoài bát canh bí đỏ (Ảnh: Quế Sơn)
Bà Ly năm nay đã 68 tuổi, không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy. Hàng ngày, bà đi rửa bát, lau nhà thuê cho các cửa hàng bún, phở. Nhưng công việc không đều, khi nhiều việc người ta thuê cả ngày, bà kiếm được 200 ngàn đồng, ít việc thì bà làm nửa ngày, tiền công ít hơn.
Sáng, bà dậy sớm chuẩn bị cơm nước cho cháu, chắt để sẵn ở nhà rồi khóa cửa lại nhốt 3 đứa trẻ trong nhà. Bà sợ đứa cháu bị bệnh đao chạy ra đường thì không biết đâu mà đi tìm. Trước đây, nó đã chạy đi mấy lần rồi nên bà buộc phải khóa cửa lại mới yên tâm đi làm.
Bà Ly chỉ vào từng đứa trẻ: “Đứa lớn nhất tên Phạm Khánh Vy năm nay 10 tuổi. Đứa lớn thứ 2, bị bệnh đao không biết nói, tôi thường gọi là Vân. Đứa nhỏ nhất 2,5 tuổi. Hai đứa nhỏ chưa được khai sinh và đặt tên chính thức. Cả 3 đứa chưa một ngày được đến trường”.
Phía sau cánh cửa sắt khóa cẩn thận là 3 đứa trẻ không có bố. Hàng ngày, chúng quanh quẩn trong nhà chơi với nhau, tự ăn uống rồi lăn ra ngủ cho tới khi bà Ly đi làm trở về. Dù đã 10 tuổi nhưng bé Vy không được đến trường. Cháu khao khát được đi học như những đứa trẻ khác. Hồi Tết, Vy được ông Sơn (hàng xóm) tặng 1 chiếc áo dài, váy trắng. Đến nay, Vy vẫn để dành để khi nào được đi học thì mặc.
Bà Ly cho biết, hiện chỉ có duy nhất giấy khai sinh của bé Vy, còn lại bé Vân chỉ còn sót lại mảnh giấy chứng sinh photo, không còn bản chính nên không thể làm giấy khai sinh. Đứa chắt ngoại nhỏ nhất, bà cũng không biết cháu sinh ra ngày tháng năm nào. Chính vì vướng mắc về mặt thủ tục giấy tờ nên 3 đứa trẻ đang ở với bà không làm được khai sinh, chưa được đến trường. Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng mong ước lớn nhất của bà Ly không phải là tiền bạc. Bà chỉ lo đến lúc chết đi các cháu vẫn chưa được khai sinh, không được ai công nhận.
Trao đổi với PV báo Phụ nữ Thủ đô, bà Nguyễn Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, đối với trường hợp 4 bà cháu của nhà bà Ly rất phức tạp. Con gái bà Ly sinh ra một đứa trẻ bị đao rồi giao cho bà ấy nuôi. Cùng mẹ với bé bị đao là một cô con gái sinh năm 1994, cô này sinh 2 đứa trẻ cũng không có bố, cũng đưa cho bà Ly nuôi nốt. Cháu 10 tuổi chỉ có mỗi giấy khai sinh, hộ khẩu của cháu ở đâu cũng không xác định được, vì mẹ bỏ con từ khi mới đẻ được mấy tháng. Hai đứa trẻ còn lại, phường đang tìm hiểu thông tin nhưng chưa có một giấy tờ gì liên quan. Khai sinh, chứng sinh đều không có và không liên lạc được với con, cháu của bà Ly để hỏi.
Về trường hợp của cháu Vy (10 tuổi) mong muốn được đi học, bà Lụa cho biết, phía UBND phường cũng đã trực tiếp trao đổi với Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Văn tìm cách cho cháu được đi học vào năm học mới tới đây.
“Hồ sơ của cháu chỉ có mỗi giấy khai sinh, chúng tôi đang rất muốn tìm lại nơi có hộ khẩu thường trú của bố mẹ cháu bé mà phường không thể nào liên hệ được để làm tạm trú cho cháu. Với hoàn cảnh éo le của cháu Vy, cô Hiệu trưởng sẵn sàng tiếp nhận vào đợt tuyển sinh tháng 6 tới đây. Nếu giải quyết được giấy tờ vướng mắc, nhà trường sẽ hỗ trợ cho cháu đi học, các cô cũng sẽ quyên góp giúp đỡ cháu”- bà Lụa nhấn mạnh.
Về trường hợp 2 cháu nhỏ còn lại, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cũng nêu rõ cả hai không có giấy chứng sinh, phường không có cách nào giải quyết hai trường hợp này. Cháu bé bị đao bà Ly có mong muốn cho cháu đi Trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên bố mẹ cháu bé vẫn còn, không bệnh tật gì nên bà Ly không thể giám hộ được cho cháu.
Số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn
Trẻ em có quyền được giáo dục học tập và phát triển năng khiếu. (Ảnh: Int.)
Ba đứa trẻ nhà bà Ly chỉ là một trong số những đứa trẻ được sinh ra nhưng không được thực hiện Quyền Trẻ em theo Luật Trẻ em, phải sống cuộc đời trong bóng tối, không có thân phận, không được học hành, không được bố mẹ yêu thương, nuôi dưỡng. Điều đáng nói, tình trạng trẻ em không được bảo vệ, bị xâm phạm quyền lợi, bị xâm hại đã và đang diễn ra ngày một nhiều. Mặc dù chúng ta đã có một hệ thống pháp luật có thể nói là khá toàn diện để đảm bảo việc thực hiện Quyền trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
Đến nay, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học tại các trường công lập; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học, hoặc đã thôi họcđều giảm mạnh trong 20 năm qua, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và đến năm 2019 còn 8,3%. Số trẻ em bỏ nhà đi lang thang đã giảm mạnh, nhiều địa phương triển khai các biện pháp tích cực để không còn trẻ em bỏ nhà đi lang thang…Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, như: Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư.
Tuy nhiên, theo Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” (Đoàn Giám sát của Quốc hội), qua công tác giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn đang còn rất lớn. Cụ thể, có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học. Hơn 3.300 trẻ em đi lang thang, trong đó có trẻ em rời bỏ gia đình, tự kiếm sống và trẻ em cùng với gia đình không có nơi cư trú ổn định (tính đến năm 2017). Số trẻ em có cha mẹ ly hôn có khoảng 49.400 trẻ (tính từ ngày 1/10/2018 đến 30/6/2019).
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy - thủ phạm dâm ô với hàng loạt trẻ em (tại Bà Rịa - Vũng Tàu) trong phiên tòa xét xử vụ án dâm ô trẻ em gây chú ý của dư luận năm 2018 (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều: 1.773.112 trẻ, chiếm 7,16% tổng số trẻ em; trong đó có 671.659 trẻ khuyết tật (từ 2 đến 17 tuổi); 33.000 trẻ không sống trong môi trường gia đình (gồm trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, cơ sở tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, hệ thống làng trẻ SOS, trường giáo dưỡng). Ngoài ra còn một số lượng trẻ em có cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Hình thức xâm hại trẻ em phổ biến và để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc nhất nổi lên trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại. Bạo lực đối với trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.
Cần giáo dục kỹ năng, trách nhiệm thực hiện Quyền trẻ em cho người lớn
Tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em (XH thể chất, XH tinh thần và XH tình dục) ở VN gần đây xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Nguyên nhân chính của thực trạng trên trước hết là do vấn đề giáo dục gia đình của chúng ta đang bị xem nhẹ, hầu hết các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ thiếu hụt kỹ năng kiến thức bảo vệ trẻ em nói chung và đặc biệt là kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại cho con em mình. Tiếp đến là giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trường chỉ chăm chăm chạy theo thành tích, điểm số mà thiếu vắng giáo trình, giờ giảng, nội dung giáo dục cho học sinh về đạo đức, tình cảm yêu thương và kỹ năng sống. Cùng với đó là việc coi nhẹ giáo dục đạo đức công vụ cho bản thân người lãnh đạo, các giáo viên và công chức cho tới việc giáo dục tuân thủ Luật pháp chỉ hô hào mang tính hình thức. Một nguyên nhân khác là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, bất bình đẳng gây mất niềm tin vào cơ quan BVPL. Để giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục kỹ năng và trách nhiệm thực hiện Quyền trẻ em của người lớn, bao gồm các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và các thầy cô giáo, cần sớm loại bỏ quan niệm “yêu cho roi cho vọt”. Ở nhà trường, trong gia đình, cha mẹ, thầy cô cần yêu thương, quan tâm, lắng nghe trẻ hơn. Muốn vậy, tại cộng đồng cần sớm có Mạng lưới cán bộ công tác xã hội với trẻ em để hỗ trợ các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Nhà trường cần quan tâm đến chất lượng giáo viên, bồi dưỡng cập nhật các kỹ năng và phương pháp kỷ luật tích cực cho các giáo viên, để học sinh được giáo dục về đạo đức và kỹ năng sống ngay trong những năm học đầu: giáo dục giới tính, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại và bạo lực, thoát hiểm, tự vệ…
BS. Nguyễn Trọng An
Nguyên Phó Cục trưởng Cục BVCSTE, Bộ LĐTBXH
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” cũng cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau; nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn… Mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Bất cập trong chính sách
Thực tiễn cho thấy việc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em đang có sự bất cập lớn. Tình trạng xâm phạm Quyền Trẻ em xảy ra từ trong gia đình, đến nhà trường, ngoài xã hội. Điển hình như những vụ trẻ em bị cha mẹ giết hại, tước đoạt quyền được sống diễn ra trong thời gian qua. Đặc biệt gần đây nhất là vụ mẹ giết con 18 tháng tuổi ở Hà Tĩnh, vụ mẹ đẻ cha dượng giết hại con ở Hà Nội... khiến dư luận bức xúc.
Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục" diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Phó trưởng đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thừa nhận dù công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được Chính phủ và các cấp ban ngành quan tâm trong thời gian qua, nhưng thực tế tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Theo ông Bình, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa được thực sự quan tâm đầy đủ, vần còn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em. Ý thức chấp hành việc thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm. Các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn bị bỏ lọt, chậm xử lý. Gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bổ sung kiến thức, kỹ năng về bảo vệ chăm sóc trẻ em, giáo dục trẻ em vẫn còn chậm.
Luật Trẻ em quy định trẻ em có quyền vui chơi, giải trí. (Ảnh: Int.)
Kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho thấy, công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, cụ thể: Còn có những quy định của Luật Trẻ em và các luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ. Một số quy định trong văn bản dưới luật về lĩnh vực an ninh, trật tự; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công nghệ thông tin…không còn phù hợp với thực tiễn; chế tài xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động giải quyết các vụ án xâm hại trẻ, mặc dù đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả, nhưng báo cáo của các cơ quan tố tụng phản ánh do thiếu văn bản hướng dẫn sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nên còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Đặc biệt, cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em. Cá biệt có địa phương, đại diện cơ quan LĐTBXH tham gia làm việc với Đoàn giám sát nhưng lại chưa nắm được đầy đủ trách nhiệm luật giao về lĩnh vực này. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, có tới 52/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chưa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em. Hầu hết UBND các tỉnh, thành phố đều chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Số lượng các văn bản chỉ đạo, điều hành còn hạn chế. Nhiều văn bản nội dung chưa bám sát vào tình hình thực tế, do vậy chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương.
HẠ THI - QUẾ SƠN