TP Hà Nội yêu cầu cơ quan thuế rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách công tác quản lý thuế
Tăng cường khai thác nguồn thu ngân sách
Đối với thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), Chủ tịch UBND TP yêu cầu Cục Thuế TP, Cục Hải quan TP phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN được giao ở mức cao nhất, phát huy hết dư địa các khoản thu, tăng cường khai thác nguồn thu ngân sách, nhất là các khoản thu từ đất. Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ưu đãi về thuế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn - giảm thuế, hoàn thuế… theo quy định của pháp luật và các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo Nghị định của Chính phủ.
Đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách công tác quản lý thuế; tăng cường thanh - kiểm tra, chống thất thu đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhưng không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; khai thác các nguồn thu khác để bù đắp hụt NSNN như các khoản thu của các doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn, các khoản thu phí, lệ phí liên quan đến đất đai; thực hiện các Đề án về chống thất thu thuế, tính tiền sử dụng đất, bãi đỗ xe…); áp dụng hóa đơn điện tử, trước hết là tại các quận nội đô, các trung tâm thương mại lớn (phấn đấu đến tháng 9/2020 thực hiện 100%); tạo điều kiện cho các hoạt động khai báo điện tử.
Sở Công thương tổ chức triển khai các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi thương mại gắn với chống gian lận thương mại. Các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động tháo gỡ các vướng mắc về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng và xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nếu vượt thẩm quyền.
Sử dụng vốn hiệu quả, không để nợ đọng xây dựng cơ bản
Đối với việc chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản, các sở, ban, ngành, Ban quản lý dự án thuộc TP, các địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2016-2020 và năm 2020. Cụ thể: tập trung thi công các công trình, dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành, bàn giao trong năm phát huy hiệu quả đầu tư; với các nhóm dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên trong danh mục khởi công mới năm 2020 cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục triển khai thực hiện và khởi công xây dựng công trình; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiết kế, dự toán, đấu thầu, tập trung triển khai thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm. Các địa phương rà soát, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên và xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của địa phương đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản…
Về chi thường xuyên, các sở, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc TP, các địa phương rà soát, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cấp thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; thực hiện cắt giảm ít nhất thêm 5% dự toán chi thường xuyên còn lại của 09 tháng cuối năm 2020 (ngoài số tiết kiệm 10% dành nguồn cải cách tiền lương Thành phố giao đầu năm). Trong đó, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách các cấp; thực hiện cắt giảm các khoản kinh phí đi học tập, trao đổi, công tác tại nước ngoài; các khoản chi cho các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội; hội nghị, hội thảo, tiếp khách; kinh phí tuyên truyền quảng bá của TP trên phương tiện truyền thông, giảm kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch,…; rà soát, cắt giảm, giãn, hoãn các dự án cải tạo, chống xuống cấp, kinh phí mua sắm… chưa thật sự cấp thiết, cấp bách để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Với các khoản kinh phí đã xác định nhiệm vụ và bố trí dự toán nhưng chưa có phương án phân bổ, thực hiện cắt, giảm, giãn, hoãn sang năm sau đối với kinh phí các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách. UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân một số lĩnh vực, nhiệm vụ tiến độ giải ngân 4 tháng đầu năm còn chậm như: chi phát thanh truyền hình, chi sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế...
Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Hà Nội và các địa phương thực hiện các giải pháp điều hành, cân đối ngân sách do tác động của dịch bệnh Covid-19
Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh minh bạch, công khai
Tránh cơ chế “xin - cho”, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp
Trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, UBND TP yêu cầu Cục Thuế TP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020 của Chính phủ; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh xác định số thuế, tiền thuê đất được gia hạn thời hạn nộp và thực hiện thủ tục đề nghị gia hạn; kịp thời đôn đốc tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn sau khi hết thời gian gia hạn theo quy định, hạn chế tối đa việc phát sịnh nợ thuế, nợ tiền thuê đất.
Bảo hiểm xã hội TP thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì hướng dẫn, triển khai công tác hỗ trợ người dân, các đối tượng chính sách gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định. Đặc biệt, UBND TP yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách nhà nước theo dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi và quy định pháp luật; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; tuyệt đối tránh cơ chế “xin - cho”, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để xử lý các vướng mắc phát sinh. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thu, chi, điều hành ngân sách các cấp theo quy định; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật liên quan đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm
VIỆT BÁCH