Mẹ chồng “Súp-pơ-soi”

Hoài bước từng bước cà nhắc đi từ trên tầng 2 xuống phòng khách. Vừa đi, cô vừa hình dung tới gương mặt mẹ chồng và nhẩm đếm ngược “chín… tám… bảy…”. Đúng theo tính toán của Hoài, khi đếm đến “hai” cũng là lúc mẹ chồng cô xuất hiện. Hôm nào chẳng vậy, hễ thấy Hoài xuống nhà, chuẩn bị đi làm là bà lại… ngó nghiêng.

Bà Nhung thấy con dâu đi xuống thì chạy vội từ bếp ra, trên người vẫn vận nguyên chiếc tạp dề đỏ đã bạc phếch. Đứng ngay cạnh chân cầu thang, tay khua khua đôi đũa cả, bà nheo mắt hỏi: “Làm gì mà chân cẳng bên thụt, bên thò thế kia?”. Hoài nghe mẹ hỏi thì đứng lại, một tay vịn cầu thang, một tay cô đặt bên hông để đỡ lấy cơ thể nặng nhọc do đang mang bụng bầu 7 tháng. Cô chậm rãi đáp lời mẹ chồng: “Khuya hôm qua con bị chuột rút ở bắp chân, đau điếng mẹ ạ”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Ngủ thôi chứ làm gì mà cũng bị chuột rút?” – bà Nhung nhăn nhó hỏi khiến Hoài không khỏi bất ngờ. Chẳng biết giải thích sao, cô đành trả lời qua loa: “Người mang thai nhiều bệnh khó đoán mẹ ạ. Chân cẳng bị chuột rút lúc nào thì phải chịu, chứ con làm sao kiểm soát được?”.

Câu trả lời của con dâu chắc không khiến bà Nhung thỏa mãn, nên khi Hoài cà nhắc bước nốt mấy bậc cầu thang, bà vẫn cố lẩm bẩm trước khi quay vào bếp: “Chuột rút gì mà từ đêm đến sáng chưa hết đau”. Mẹ chồng nói nhỏ nhưng đứng gần nên Hoài vẫn nghe rõ từng từ. Đang đau muốn khóc mà còn bị nghi ngờ là “diễn”, Hoài cũng thấy khó chịu nhưng cô kệ, không nói gì thêm. Tính mẹ chồng cô xưa nay vẫn thế.

Hồi mới bầu bí được 3 tháng, Hoài nghén lên nghén xuống, trong khi mẹ chồng sinh 3 con không nghén một tẹo nào, thành ra thấy con dâu ngủ nhiều hay không ăn được bà hỏi “tại sao” suốt ngày. Tháng 10 năm ngoái, Hoài lắp sẵn điều hòa 2 chiều để đề phòng ngày đông rét buốt sắp đến và mùa hè có nóng bức cũng trụ được. Đợt đó chưa quá lạnh, không quá nóng nên Hoài lắp thôi chứ không dùng ngay. Vậy mà mẹ chồng mấy sáng liền liên tục hỏi cô: “Nằm điều hòa ngủ có ngon không con?”.

Quả thật, sự “soi” ấy giống như một thói quen, nếu không muốn nói là “phản xạ vô điều kiện” trước một thông tin, sự việc nào đó của mẹ chồng Hoài. Sau một thời gian làm dâu trong nhà, cô cũng đã quen dần với kiểu thích “săm soi” của mẹ chồng.

Nghĩ thế nên Hoài coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Trước khi đi làm, cô gọi với vào bếp chào mẹ chồng rồi xách túi, ra sân lấy xe. Còn chưa cắm chìa khóa xe vào ổ, Hoài đã thấy mẹ chồng vẫn trong bộ đồ đầu bếp, chạy vội ra dặn: “Hôm nay thằng Tùng (chồng Hoài) không đi làm bằng xe máy, con lấy xe chồng mà đi. Đưa chìa khóa đây, mẹ mang vào nhà đổi cho”. Câu nói chưa dứt đã thấy bà Nhung tiến đến ngay cạnh Hoài, đưa sẵn tay ra phía con dâu định bụng cầm lại chìa khóa xe máy.

- Mẹ ơi, con bầu bí như này làm sao đi xe Wave của anh Tùng được? Con đi cũng không quen. Thôi mẹ cứ để con đi xe AirBlade của con cho dễ.

Thấy Hoài kiên quyết, bà Nhung ngập ngừng “à”, “ừ”, dặn dò con dâu đi làm cẩn thận rồi lại quay vào nhà. Lúc này, nhìn theo dáng mẹ chồng Hoài thấy ức nghẹn thật sự. Cô cầm chìa khóa xe, tra mạnh vào ổ rồi mặc sức xoay xoay, vặn vặn mấy vòng, bao nhiêu bực dọc trút cả lên chiếc xe cho bõ. Xả một hồi Hoài lại thấy xót xa, thương chiếc xe vô tội đã gắn bó với mình gần chục năm qua. Chiếc AirBlade ấy rõ là của gia đình mua cho từ khi cô chưa đi lấy chồng. Vậy mà bây giờ, mẹ chồng nghiễm nhiên coi đó là xe của mình. Lần trước chồng Hoài bị mẹ gọi điện mắng cho một trận chỉ vì lấy xe vợ đi đám hiếu, cô đã thấy kỳ kỳ nhưng chỉ dám đoán rằng bà xót xe thay con dâu, hoặc lo con dâu cần đi đâu lại phải lấy xe chồng sẽ bất tiện. Tới hôm nay thì Hoài đã có câu trả lời cho hành động hôm đó của mẹ chồng.

Mấy chuyện phiền phức buổi sáng với mẹ chồng dù vụn vặt, chẳng đâu vào đâu nhưng cũng khiến Hoài cả ngày làm việc với tâm trạng bực dọc, khó chịu. Chán quá, cuối buổi chiều cô xin về sớm, gọi chồng qua đón, chở đi mua quần áo để giải tỏa. Hơn 30 phút chọn đồ, mua được 1 chiếc váy và 2 bộ soóc bầu mặc đi ngủ… khiến Hoài cũng thoải mái, vui vẻ hơn. Dù vậy, cô vẫn không quên cảnh giác mẹ chồng “súp - pơ - soi”. Lúc thanh toán, cô thỏa thuận với chồng là sẽ nhét mấy bộ ấy vào balo của anh, đề phòng khi về nhà mẹ nhìn thấy, lại tra hỏi “đây là túi gì?”. Chồng Hoài nhìn vợ, cười tủm rồi gật đầu đồng ý. “Thôi thì tính mẹ như vậy, mình lựa lựa mà sống. Đến anh với bố còn bị mẹ “soi”, huống hồ…” – chồng Hoài hóm hỉnh nói.

Ấy thế mà tránh vỏ dưa, Hoài vẫn gặp vỏ dừa. Mấy hôm sau, khi Hoài vừa thay xong quần áo chuẩn bị đi ngủ thì thấy mẹ chồng gõ cửa phòng, đúng lúc cô đang mặc chiếc quần soóc mới mua ngắn tũn. Liếc nhìn con dâu một lượt từ đầu tới chân, bà Nhung dừng mắt ở “phần giữa” rồi đột ngột thốt lên: “Làm gì mà rạn dữ vậy”. Hoài giật thót, nhìn vội xuống bụng, xuống chân mình. Bị bất ngờ nên cô trở nên lúng túng, đặt tay lên bụng che vội vết rạn da. Bà Nhung thấy vậy bồi thêm: “Ngày mẹ bầu thằng Tùng, chỉ bị rạn nhẹ mỗi hai bên đùi, phần bụng chẳng có vết nào”. Chồng Hoài ngồi kế đó vội quay sang nói đỡ cho vợ: “Mẹ ơi tùy người chứ, có phải ai cũng giống như mẹ đâu”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe con trai nói vậy, bà Nhung thôi không đề cập chuyện sắc đẹp của con dâu, chuyển sang chủ đề ăn uống. “Mẹ dặn luôn cả hai đứa, từ mai đừng làm tép rang dừa, hay bày đặt nấu cari, làm pizza… Mấy món đấy chẳng có gì ngon, vị ngang phè phè, làm ra phí phạm” – bà Nhung nói xong, không để các con đáp lời, hẩy hẩy tay giục con dâu đóng cửa rồi tắt đèn đi ngủ sớm cho khỏe. Mẹ chồng đi khuất, Hoài quay sang nhìn chồng thở dài: “Đấy, mẹ cứ không thích món gì là chê lấy được, rồi mặc định luôn không ai được ăn”. Biết vợ chỉ than thế chứ không cãi lời hay làm mẹ phật lòng, chồng Hoài lại động viên bằng mấy câu quen thuộc: “Thôi em ạ, tính mẹ như thế, mình lựa lựa sống cho vui cửa vui nhà. Anh với bố cũng bị mẹ “soi” suốt”.

“Em không biết chứ, hồi trước anh mua tặng ông lọ gel vuốt tóc mà bà hỏi như tra khảo: “Đây là cái gì?”, “Vuốt tóc làm gì?”… Ông cáu quá gắt lên, bảo “mấy thứ này của nam giới, bà có dùng được đâu mà hỏi rõ lắm?”, lúc ấy mẹ mới chịu buông tha. Còn nhiều vụ lắm, kể cả ngày cũng không hết. Trước bố với anh cũng góp ý rồi, nhưng được dăm ba hôm… đâu lại vào đấy. Tính mẹ như thế, hay “soi” thật nhưng lại hay quên, lúc nào cũng thương con, thương cháu. Mình làm con, nên nhìn vào điểm tốt của bố mẹ để sống, như thế sẽ thấy yêu quý nhau hơn. Mẹ không thay đổi, thì mình phải học cách sống chung với sự “bất thường” ấy của mẹ em ạ. Anh vớ bố từ lâu đã quán triệt phương châm ấy…”- chồng Hoài kể.

Hôm vừa rồi về chơi nhà ngoại, Hoài tâm sự với mẹ về câu chuyện trong gia đình chồng. Hóa ra không riêng chồng mà ngay chính mẹ đẻ Hoài cũng khuyên con gái nên sởi lởi hơn. Mẹ cô nói: “Có thể do mẹ chồng con muốn quan tâm tới hai đứa; cũng muốn mọi người quan tâm đến mình nhưng lại không biết cách thể hiện sao cho khéo… khiến mọi người thấy phiền phức, khó chịu. Mẹ nghĩ, sau này nếu có đồ mới, thông tin mới… đừng đợi mẹ chồng hỏi mà con hãy chủ động tâm sự trước”.

Chẳng biết kết quả có như mong đợi hay không, nhưng Hoài sẽ nghe theo lời mẹ và chồng. Cô tin rằng, khi mẹ chồng được tin tưởng, chia sẻ mọi chuyện; và thấy sự nỗ lực thay đổi của con dâu… bà sẽ bớt “soi” dần dần. Hoặc ít nhất, Hoài cũng sẽ học cách vui vẻ với sự “bất thường” của mẹ chồng, như lời chồng cô nói.

HÀ CHÂU

Bạn đang đọc bài viết Mẹ chồng “Súp-pơ-soi” tại chuyên mục Phong trào thiếu nhi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]