HĐND Thành phố họp phiên giải trình giải quyết kiến nghị cử tri:

Đã có 88% kiến nghị của cử tri được giải quyết

Theo báo cáo của Thường trực HĐND thành phố, công tác giải quyết các kiến nghị cử tri của thành phố, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, đạt nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã giải quyết xong 2.434/2.770 nội dung kiến nghị, đạt 88%, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc chưa được xử lý triệt để cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành.


Phiên giải trình của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội sáng ngày 5/6.Phiên giải trình của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội sáng ngày 5/6.

Tại phiên giải trình do HĐND TP tổ chức, sáng 5/6, rất nhiều nội dung đã được giải trình, làm rõ. Thời gian qua, nhiều kiến nghị về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý chung cư, giải quyết ô nhiễm môi trường… được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, sau kiến nghị về các dự án “treo”, đất bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, phát sinh nhiều hệ lụy, UBND thành phố đã chỉ đạo dừng triển khai và chấm dứt hoạt động đối với 48 dự án để kéo dài, được cử tri và dư luận rất đồng tình.

Trong giải quyết kiến nghị về vấn đề xử lý ô nhiễm nước ở các hồ khu vực nội thành, đến nay, UBND thành phố đã tiến hành xử lý, nạo vét hơn 130 hồ ở cả nội và ngoại thành, cải tạo kè đá, xây dựng đường dạo, cảnh quan khu vực xung quanh hồ, được nhân dân Thủ đô đánh giá cao.

Cùng với đó, UBND thành phố đã giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn, tranh chấp tại chung cư, tổ chức thành lập các ban quản trị; khắc phục tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy; đã yêu cầu chuyển cơ quan cảnh sát điều tra gần 10 hồ sơ của các chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND thành phố, công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chậm. Đến nay, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội mới thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được 79/114 vụ (69,2%); thực hiện các thông báo kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật được 82/180 vụ (45,5%); giải quyết các vụ việc phức tạp theo Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” được 143/200 vụ (71,5%). Về các nội dung trên, hiện tại, toàn thành phố tồn 190 vụ việc, chiếm 47,8%. Trong đó, cấp thành phố tồn 3 vụ việc; cấp huyện tồn 187 vụ việc. Nhiều địa phương chưa giải quyết được vụ việc khiếu nại nào như: Thạch Thất, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn. Một số quận, huyện, thị xã giải quyết các vụ khiếu nại đạt dưới 50% như: Đống Đa, Hoài Đức, Sơn Tây.

Về thực hiện các thông báo kết luận tố cáo, nhiều địa phương thực hiện mới đạt dưới 40% như: Ứng Hòa, Ba Đình, Hoài Đức, Phú Xuyên, Mê Linh. Một số đơn vị chỉ có từ 1 đến 2 vụ tố cáo nhưng chưa giải quyết xong như: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Phúc Thọ.

Tại phiên giải trình, đại biểu đã nêu những nội dung đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã giải trình, làm rõ. Trong đó, đại biểu Phạm Đình Đoàn nêu ý kiến, Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên thuộc huyện Thanh Oai đã được tỉnh Hà Tây cũ cấp giấy chứng nhận từ năm 2007 nhưng việc triển khai đến nay rất chậm, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết nguyên nhân chậm trễ và biện pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển cụm làng nghề trong thời gian tới.Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương nêu câu hỏiĐại biểu Phạm Thị Thanh Hương nêu câu hỏi

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hương, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, HĐND TP Hà Nội đã giám sát vào tháng 7/2018 và kiến nghị kiểm tra, đôn đốc xử lý các vi phạm đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo và có những kết quả tích cực, tuy nhiên, sau xử lý các dự án vi phạm Luật đất đai, nhiều diện tích đất có quyết định thu hồi vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tiếp diễn sử dụng sai mục đích, chưa có phương án sử dụng hiệu quả như khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). Đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân của việc chậm trễ và giải pháp xử lý.

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ Nam Từ Liêm) cho biết, cử tri nhiều địa phương vẫn phản ánh kiến nghị công tác duy tu hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, kênh mương thủy lợi chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cuộc sống người dân, chẳng hạn như trên tuyến đường Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, cắt tỉa cây xanh trên địa bàn phường Khương Mai, hệ thống xử lý nước thải tại đường Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân,... Đại biểu đề nghị Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra những tồn tại nêu trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Tổ Hoàng Mai) nêu ý kiến, hiện nay, Trạm xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức sau 5 năm thi công vẫn chưa đi vào hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hoài Đức cũng còn Trạm xử lý nước thải tại xã Vân Canh chưa khởi công. Đại biểu đề nghị Giám đốc Ban quản lý dự án cấp thoát nước và môi trường và Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư nêu nguyên nhân, trách nhiệm và phương hướng giải quyết trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn SángChủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng

Giải trình câu hỏi đại biểu nêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Hiện nay, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã cơ bản được lấp đầy, góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho nhân dân trên địa bàn huyện. Đối với cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên, hiện đã bàn giao một phần đất cho doanh nghiệp tại xã Bích Hòa, diện tích đất còn lại nằm trên địa giới hành chính 2 xã Cao Viên và Bình Minh chưa giải phóng mặt bằng, hiện trạng chủ yếu vẫn là đất sản xuất nông nghiệp. Phần đất được bàn giao, đến nay, chưa được đầu tư xây dựng do doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của các sở, ngành và không phối hợp với địa phương thực hiện GPMB trong thời gian dài nên cử tri, nhân dân đã kiến nghị doanh nghiệp phải làm rõ có tiếp tục GPMB hay không.

Đến ngày 16/3/2018, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị tiếp tục GPMB. Đến nay, chủ đầu tư đang liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương để điều chỉnh dự án đầu tư và quyết định thành lập cụm theo hướng dẫn các sở, ngành. Như vậy, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư trong việc phối hợp, chứng minh năng lực, cung cấp hồ sở để báo cáo cấp sở ngành thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến Dự án cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, vướng mắc của dự án này vẫn là GPMB. Ngoài ra, do hợp nhất năm 2008 nên cụm này nằm trong danh mục phải rà soát. Đồng thời, một số cơ chế chính sách có sự thay đổi nên phải rà soát lại và chủ đầu tư phải thực hiện theo. Hiện, giấy chứng nhận đầu tư của chủ đầu tư đã hết hạn. Năm 2018, chủ đầu tư mới đề xuất khởi động lại dự án và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời giấy chứng nhận đã hết hạn. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo nghị định mới của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ của cụm và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành. Đến nay, Sở Công thương đã có văn bản báo cáo thành phố cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư và cụm công nghiệp này đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ.

Giải trình câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thanh Hương về dự án chậm triển khai khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, diện tích khu vực trên là 10.200m2, trước đây thuộc dự án Khu dịch vụ thương mại Mỹ Đình đã được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt, TP có quyết định cho UBND xã Mỹ Đình cho thuê đất từ năm 2002. Sau khi được bàn giao đất, UBND xã có vi phạm, giao đất cho HTX Mỹ Đình triển khai thực hiện. HTX đã cho một số công ty thuê lại, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai.

Năm 2014, dự án này đã được Thanh tra Sở TN&MT thanh tra, kết luận có vi phạm, trên cơ sở đó, UBND TP đã có quyết định thu hồi đất vi phạm, giao Trung tâm Quỹ đất quận Nam Từ Liêm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đất đảm bảo quy định, giao UBND quận Nam Từ Liêm chỉ đạo thực hiện công tác GPMB tại đây. UBND quận đã chỉ đạo, các cơ quan của quận kịp thời triển khai. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng của việc triển khai xã hội hóa trước đây dẫn đến tại khu vực này tồn tại một số công trình gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện thu hồi lại.

Quận đã xin ý kiến tháo gỡ của Sở Tài chính và xác định phải giải quyết từng bước. Năm 2015, quận đã cùng các sở,ngành TP kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu, để triển khai các dự án trường học. Trong đó, năm 2015, quận đã thực hiện một phần là 4.800m2 trên tổng số 10.200m2, thực hiện xây dựng 1 trường mầm non; còn lại 5.400m2, quận xác định sẽ đề xuất TP triển khai tiếp 1 dự án trường học. UBND quận cùng Sở QHKT đã báo cáo TP cho phép triển khai dự án trường học, đồng thời, thu hồi nốt phần đất còn lại.

Liên quan đến việc chậm xử lý các sự cố về thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, thời gian qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo Sở cùng Ban Duy tu và các đơn vị dịch vụ công ích tăng cường công tác quản lý duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP, cơ bản đáp ứng yêu cầu cử tri, không để xảy ra vấn đề dân sinh bức xúc. Từ đầu năm đến nay, TP đã chỉ đạo trồng được thêm 31.560 cây, nâng tổng số cây xanh thực hiện trong 5 năm qua lên 1.537.000 cây (vượt kế hoạch 1 triệu cây xanh đã đề ra). Về hệ thống chiếu sáng, trong 5 tháng đầu năm nay, đã giải quyết 1.350 sự cố, thay mới 13.800 bóng đèn.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên PhongGiám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng đánh giá công tác này vẫn còn tồn tại, vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị dịch vụ công ích tiếp nhận phản ánh, xử lý sự cố một cách kịp thời. Cùng với đó, tăng cường rà soát các điểm đen về hệ thống thoát nước và hệ thống cây xanh để kịp thời trồng thay thế hoặc cắt tỉa, nhất là trong khi đang thực hiện phương án phòng chống lụt bão năm 2020.

Ban Duy tu cần tăng cường công tác giám sát hợp đồng đã ký với đơn vị dịch vụ công ích. Đồng thời, cần có tăng cường phối hợp giữa Sở Xây dựng (đại diện là Ban Duy tu), đơn vị quản lý vận hành và chính quyền địa phương, thể hiện ở chỗ: Tăng cường chế độ thông tin báo cáo; các đơn vị dịch vụ công ích thiết lập thêm những group để có đại diện của đơn vị quản lý vận hành, Ban Duy tu, Sở Xây dựng và chính quyền địa phương để kịp thời tiếp nhận, phân loại các loại sự cố để có thời gian xử lý các sự cố nhanh nhất.

Về việc xây dựng các phần mềm quản lý, với lĩnh vực cây xanh đã hoàn thành, Sở Xây dựng sẽ phối hợp Sở KH&CN sớm đưa việc quản lý vận hành hệ thống cây xanh trên phần mềm quản lý. Đồng thời, quan tâm chế độ hoạt động của các trung tâm quản lý, trung tâm điều độ của các đơn vị quản lý vận hành; tiếp tục rà soát các quy định về phân cấp đầu tư, phân cấp quản lý sau đầu tư, về quản lý, định mức đơn giá… để thực hiện các dịch vụ công ích một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Tiếp tục đặt câu hỏi, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tổ Tây Hồ), Nguyễn Thế Vinh (Tổ Đống Đa), Nguyễn Thanh Bình (Tổ Sóc Sơn), Duy Hoàng Dương (Tổ Hoài Đức) cho rằng, Dự án khai thác nước ngầm tại xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) đã được khởi động cách đây nhiều năm, đến nay vẫn triển khai rất chậm, gặp nhiều khó khăn; việc chậm di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; một số quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các quận, huyện như: Ba Đình, Thạch Thất, Gia Lâm,… chậm thực hiện, dẫn đến đơn, thư phức tạp. Các đại biểu đề nghị chính quyền các cấp, Thanh tra thành phố nêu rõ nguyên nhân, hướng giải quyết thời gian tới.

Giải trình về việc giải quyết tranh chấp thửa đất có diện tích 298m2 giữa bà Lê Thị Nhàn (ở thôn Thúy Lai, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) và ông Hoàng Xuân Dĩ (ở số 50 phố Lê Lai, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4609/QĐ-UBND về giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, bà Lê Thị Nhàn có đơn khiếu nại quyết định trên lên thành phố, nên UBND thành phố giao Thanh tra thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại quá trình giải quyết tranh chấp. Trong tháng 7/2020, UBND huyện sẽ ban hành quyết định giải quyết tranh chấp của ông Hoàng Xuân Dĩ và bà Lê Thị Nhàn.

Trả lời câu hỏi về giải quyết khiếu nại tại huyện Gia Lâm, Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy cho biết về trường hợp khiếu nại của 2 gia đình tại thôn Đông Chi (xã Lệ Chi), dù đã sử dụng đất trước ngày 5/10/1993, nhưng trong quá trình sử dụng có vi phạm pháp luật, có đơn tố cáo của công dân. UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định thu hồi đất của 2 hộ nhưng họ có khiếu nại lên thành phố. Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định vào tháng 11/2016, yêu cầu UBND huyện điều chỉnh lại quyết định thu hồi đất và thực hiện việc thu hồi đất với 2 hộ.

Về vụ việc này, từ tháng 2/2019 đến tháng 2/2020, Thanh tra thành phố đã có 4 văn bản đôn đốc, nhưng UBND huyện báo cáo có khó khăn, do các hộ đã sử dụng đất rất lâu, xây dựng nhà kiên cố, nên đề xuất xử lý theo hai phần. “Với vai trò tham mưu, Thanh tra thành phố sẽ tích cực hơn trong việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận giải quyết tố cáo, để bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý và mọi quyết định giải quyết khiếu nại phải được thực hiện, nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Đối với 2 gia đình trên, trong tuần tới, Thanh tra thành phố sẽ có văn bản tham mưu cho UBND thành phố để chỉ đạo huyện Gia Lâm”, ông Nguyễn An Huy nhấn mạnh.

NHÓM PV/HNP

Bạn đang đọc bài viết Đã có 88% kiến nghị của cử tri được giải quyết tại chuyên mục Tiêu Điểm của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]