Hội LHPN Hà Nội biểu dương 117 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến

  • 16:26, 09/06/2020
Kỷ niệm 72 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2020), ngày 9/6, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu điển hình tiên tiến “Tiếp lửa truyền thống phong trào Ba đảm đang phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác” giai đoạn 2015 – 2020.

Tham dự chương trình có các đồng chí: Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội

Đại diện lãnh đạo các ban ngành đoàn  thể thành phố và quận, huyện, thị xã, các đồng chí nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội giai đoạn 2015-2020, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Hà Nội khóa XV, đại biểu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, người tốt việc tốt, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam ( thứ 3 từ trái sang) và đồng chí  Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ( thứ 6 từ trái sang) tặng hoa các nhân vật giao lưu điển hình tiến tiến tại chương trìnhĐồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam ( thứ 3 từ trái sang) và đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ( thứ 6 từ trái sang) tặng hoa các nhân vật giao lưu điển hình tiến tiến tại chương trình

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả

Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Lê Kim Anh- Chủ tịch Hội LPN Hà Nội cho biết:Trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua. Quy mô và chất lượng phong trào thi đua ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, toàn diện; với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả đã thực sự đi vào cuộc sống, hướng đến những vấn đề thiết yếu trong đời sống được sự đồng tình hưởng ứng của phụ nữ toàn Thành phố đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của Thủ đô, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tham gia xây dựng, giữ gìn trật tự văn minh đô thị.

Giai đoạn 2015 – 2020, toàn Thành phố đã có 17.854 hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn được các cấp hội giúp thoát nghèo, nâng cao mức sống; hỗ trợ 792 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; xây sửa 679 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa; giúp đỡ gần 700 trẻ em chậm tiến có tiến bộ; vận động phụ nữ và gia đình hiền 9.200m đất làm đường, xây dựng nông thôn mới; 884 chi hội phụ nữ thực hiện mô hình “Thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”; đảm nhận 1.543 đoạn đường xanh, sạch, đẹp, nở hoa; 604 điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh, sạch, đẹp, thân thiện; 366 điểm chân rác được cải tạo thành vườn hoa phụ nữ tự quản… Hàng năm, trên 85% hội viên phụ nữ đạt chuẩn mực phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”; 85% trở lên gia đình hội viên đạt “5 không 3 sạch”.

Đặc biệt, trong những tháng qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, cán bộ hội viên phụ nữ thành phố  đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, chung sức đồng lòng ủng hộ cả vật chất và tinh thần cùng cả hệ thống chính trị phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh. phụ nữ điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vự, những hành động dũng cảm, việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp của cán bộ hội viên phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô trong giai đoạn 2015-2020.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen của UBND TP cho các tập thểĐồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen của UBND TP cho các tập thể

Những bông hoa điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt 

Tại buổi giao lưu các đại biểu đã được gặp gỡ, lắng nghe những tâm sự của các bà, các chị kể về những câu chuyện của mình trong phong trào Ba đảm đang và những câu chuyện thi đua yêu nước của phụ nữ Thủ đô. Đó là bà Nguyễn Thị Sang- nguyên trưởng tàu - phụ trách tổ tàu Ba đảm đang - hiện là tổ trưởng tổ dân phố Yên Hà - thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bà Sang chia sẻ: Tôi lớn lên và trưởng thành trong giai đoạn cả nước sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước; tôi được đi học và tốt nghiệp ngành giao thông vận tải đường sắt đúng vào lúc cả nước đang chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Khi nhận công tác và được phân công làm trưởng tàu, tôi vinh dự được cùng các đồng nghiệp phụ trách các đoàn tàu nhân sự đặc biệt, chở bộ đội vào Nam chiến đấu và tiếp nhận thương binh từ chiến trường miền Nam ra Bắc điều trị. Ngày ấy giao thông đường sắt bi giặc Mỹ đánh phá gián đoạn nên phải tổ chức giao nhận bộ đội tại Ga Vinh - Nghệ An. Hoạt động của tổ tàu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đối với những người nam giới đã là khó khăn, gian khổ; vậy đối với nữ giới thì phần khó khăn gian khổ ấy còn tăng lên gấp bội. Lúc bấy giờ, mạch máu giao thông đường sắt từ Nhà Ga, đoàn tàu, cây cầu, cung đường... đều là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ hòng chặn đứng nguồn chi viện lương thực của miền Bắc cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Tổ tàu Ba đảm đang lúc đó toàn là các đồng chí nữ, gồm có: 1 trưởng tàu, 1 phó tàu, 2 hành lý viên, 1 phát thanh viên, 4 nhân viên phục vụ đoàn tàu từ 13 đến 15 toa. Nhiệm vụ chính là phải đảm bảo an toàn cho đoàn tàu; cho hành khách từ Ga xuất phát đến ga cuối cùng …Bà kể: Trong thời chiến, tàu chạy chủ yếu vào ban đêm, tổ tàu của chị em chúng tôi làm việc không mệt mỏi, ăn ngủ theo chuyến tàu, việc nấu ăn cũng vô cùng vất vả... lúc đó chúng tôi nấu cơm bằng nồi gang trên bếp củi. Vậy mà có những lần cơm đang sôi, canh đang nấu dở thì tàu chạy vào đường cua cong, tất cả bị lật đỏ hết xuống đất; nghĩ lại đúng là cơ cực thật, vậy mà lúc đó chẳng ai thấy buồn, chị em nhìn nhau cười ồ.. vui vẻ. Phận là phụ nữ, những ngày riêng tư của của chị em mà phải rong ruổi trên tàu thì quả thật là không bút nào tả hết; không có chỗ để thay giặt, không có chỗ để phơi... tất cả đều phải chờ kết thúc hành trình về Trạm mới giải quyết được. Gian khổ, khó khăn là vậy, nhưng với khí thế sôi sục của cả nước những ngày đánh Mỹ, với trách nhiệm và niềm tự hào của tổ tàu Ba đảm đang thuộc ngành đường sắt Việt Nam chị em trong tổ tàu Ba đảm đang luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Là nữ doanh nhân có tâm, có tài chị Lê Thị Bình – Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình đã xây dựng Công ty ngày một lớn mạnh với nhiều sản phẩm có uy tín trên thị trường như Viên khớp Tâm Bình, Viên gout Tâm Bình, Đại tràng Tâm Bình, Viên tiêu hóa Tâm Bình…được sản xuất hoàn toàn từ dược liệu nên an toàn cho người bệnh, được ngành Y tế đánh giá cao về chất lượng cũng như hiệu quả điều trị, giúp cho nhiều người có cơ hội chữa bệnh. Bên cạnh việc kinh doanh hiệu quả, chị cùng tập thể lãnh đạo Công ty cũng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng với việc thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như: tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi, gia đình chính sách, tặng Quà Tết cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật; ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”; Phát cháo, cơm miễn phí cho bệnh nhân tại Viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương…

Vốn là một nhà giáo về hưu giàu lòng nhân ái, hơn 30 năm trước, mỗi tuần bà Vũ Thị Ngọc Oanh - người thành lập tổ bán báo Xa mẹ và lớp học Nhân ái, quận Hoàn Kiếm lại bố trí ngày ba buổi đến khu vực cầu Long Biên để dạy học cho những đứa trẻ nghèo. Càng tiếp xúc với những số phận bất hạnh, bà càng thấu hiểu và thương cảm với hoàn cảnh của các em.  Bà Oanh chia sẻ: “Thời đó, Hà Nội có hàng trăm trẻ lang thang, không nơi nương tựa. Bà đã về bàn với ông Tiến  (chống bà) tìm cách đưa các cháu nhỏ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Tiến vốn là một trẻ đường phố, cho nên ông ấy rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của một đứa trẻ sống lang thang. Chúng tôi muốn giúp các cháu để chúng có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Oanh kể lý do hai ông bà quyết tâm triển khai chương trình nhân đạo của mình với việc thành lập Tổ bán báo Xa mẹ tại số 13 phố Ngô Văn Sở (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào năm 1989 nay là “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”. Để có kinh phí duy trì mái ấm,  gia đình bà đã mở một công ty kinh doanh du lịch, một quán ăn và quán cà-phê. Gia đình bà đã tự làm việc để giúp đỡ trẻ nghèo.

Ngoài ra những câu chuyện xúc động của nữ chiến sỹ lực lượng vũ trang dũng cảm mưu trí trong thực hiện nhiệm vụ vì Thủ đô bình yên;  những nữ bác sỹ hết lòng chăm sóc bệnh nhân  với tinh thần lương y như tử mẫu, kiên cường chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh Covid- 19… là những bông hoa đẹp trong rừng hoa người tốt việc tốt rực rỡ sắc màu của Thủ đô.

Những mô hình mới thiết thực, mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô

Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Hà Thị Nga- Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã biểu dương và đánh giá cao kết quả mà các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua.  Hội LHPN Hà Nội là đơn vị nhiều năm đạt thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ cả nước, Phụ nữ Hà Nội có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực xứng đáng trong công cuộc bảo vệ, xây dựng phát triển Thủ đô. Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN Hà Nội cần tập trung chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu thi đua và các nhiệm vụ công tác năm 2020; Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, trong đó coi trọng tính thực chất của các phong trào thi đua. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn thể để phong trào thi đua đảm bảo tính liên kết, phát huy được sức mạnh sự đồng thuận của toàn xã hội.

Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Lê Hồng Sơn- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Hội LHPN Hà Nội, các tầng lớp phụ nữ Thủ đô đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước những năm vừa qua.Nhấn mạnh Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế, giao dịch quốc tế; nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để làm tròn trách nhiệm Thủ đô với cả nước, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các cấp hội phụ nữ Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định, quy chế về thi đua khen thưởng của Trung ương, Thành phố và Hội LHPN Hà Nội; nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng hướng tới đối tượng hội viên, cán bộ Hội cơ sở, phụ nữ tôn giáo, dân tộc, yếu thế. Công tác thi đua khen thưởng thực sự là động lực, là giải pháp thiết thực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.Đồng thời, cần tiếp tục phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cấp hội, các tầng lớp phụ nữ Thủ đô. Nghiên cứu, đề xuất các phong trào, các cuộc vận động, mô hình mới thiết thực, mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô. Tập trung đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, chất lượng hoath động của các cấp Hội; Chủ động tuyên truyền các bài học kinh nghiệm từ các điển hình tiên tiến; Duy trì tổ chức tốt cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các cấp Hội.

Tại chương trình biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015- 2020 do Hội LHPN thành phố tổ chức có 27 tập thể, cá nhân được UBND Thành phố khen thưởng; 90 tập thể, cá nhân được Thành Hội biểu dương khen thưởng. Đó là những tấm gương tập thể, những  phụ nữ điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực, những hành động dũng cảm, việc làm thiện nguyện, nghĩa cử cao đẹp của cán bộ hội viên phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô trong giai đoạn 2015-2020.

Thanh Thanh

 

Bạn đang đọc bài viết Hội LHPN Hà Nội biểu dương 117 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tại chuyên mục của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]