Bảo tàng Hà Nội - Công trình kiến trúc xây dựng nhân 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội bị chê là lãng phí công năng sử dụng.
Vậy mà, Bảo tàng Hà Nội được thành lập từ năm 1982 nhưng trong suốt một thời gian dài, hàng ngàn, hàng vạn hiện vật quý về Thủ đô Hà Nội (trong đó riêng kho cổ vật quý hiếm đã chiếm tới hơn 7.000) vẫn để như “xếp kho” trong một căn nhà nhỏ bé, xuống cấp ở số 5B phố Hàm Long. Nơi đó vừa là trụ sở làm việc, vừa là nơi trưng bày của Bảo tàng!
Năm 2010, Hà Nội đầu tư xây dựng một bảo tàng bề thế hoành tráng ngay bên cạnh công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu. Từ chỗ kêu cứu cho một bảo tàng quá xập xệ, dư luận quay ngược trở lại, than phiền về một bảo tàng quá khổng lồ nhưng “rỗng ruột” và vắng như… “chùa Bà Đanh”. Thực ra, bảo tàng cũng không quá vắng, vẫn rất đông đảo nam thanh nữ tú kéo đến đây để…chụp ảnh. Bề ngoài hoành tráng của bảo tàng Hà Nội là một trong những điểm “check in” và chụp ảnh thời trang nổi tiếng của Hà Nội gần đây. Lượng khách này hoàn toàn không liên quan đến chuyện tham quan bảo tàng.
Phải nói rằng, đây là một trong những công trình bảo tàng hiện đại và đẹp nhất nước, so với không gian ở số nhà 5B Hàm Long xưa, thì quả là một giấc mơ quá lớn. Nhưng đó là cái đẹp, cái hoành tráng ở phần vỏ của kiến trúc. Đi từ tầng 1 đi lên, càng lên, không gian càng mở ra mênh mông nhưng đó cũng cái mênh mông của sự trống vắng. Du khách hầu như chỉ bắt gặp những bộ ảnh được trưng bày sơ sài, thiếu vắng các hiện vật quý giá. Có thời kỳ, bảo tàng dành hẳn cả 1 - 2 tầng rộng thênh thang để trưng bày… dài hạn tranh sơn mài của một tác giả. Toàn bộ các hiện vật cũ của Bảo tàng, sau khi rời số 5B Hàm Long vẫn tiếp tục được “xếp kho” ở đâu đó, chưa kể các hiện vật được sưu tầm 10 năm trở lại đây.
Chúng ta biết rằng, dù hiện vật có quý đến đâu, nhưng với cách trưng bày cũ kỹ, thì bảo tàng cũng không thể hấp dẫn được. Phương thức trưng bày bảo tàng giống như một phương thức kể chuyện. Mà đây là câu chuyện về một thành phố Thủ đô ngàn năm văn hiến, với các lớp lang lịch sử văn hóa dày đặc. Làm sao chuyển tải được các nội dung ấy một cách mạch lạc, hấp dẫn và hiện đại?
10 năm đã trôi qua, kể từ khi cái vỏ của Bảo tàng được hoàn thành. Trong khi cái ruột, phần “hồn” của nó, vẫn chưa được “thổi” vào. Những người yêu văn hóa Hà Nội sốt ruột là có lý. Họ từng yêu mến, từng quan tâm đến lịch sử, văn hóa Hà Nội kể từ khi còn trưng bày trong căn nhà nhỏ bé xuống cấp thì họ có quyền được thấy ngày các hiện vật ấy được trưng bày trang trọng tại một không gian tương xứng.
Hiện Bảo tàng Hà Nội tạm dừng đón khách tham quan từ 20/5 để phục vụ công tác thi công trưng bày thường xuyên. Tổng diện tích trưng bày lên tới gần 10.000m2, với hơn 70.000 tài liệu, hiện vật - số lượng lớn nhất so với các bảo tàng của cả nước, việc trưng bày sẽ chia làm 7 chủ đề gồm: Thiên nhiên; Hành trình đến Thăng Long; Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt; Hà Nội thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; Kháng chiến và giành độc lập (1873-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); Xây dựng chủ nghĩa xã hội; Hà Nội trên đường đổi mới. Thông qua các chủ đề này, những nét đặc sắc hấp dẫn nhất của Hà Nội sẽ được thể hiện bằng ngôn ngữ của bảo tàng như: Giảng Võ đường, Kẻ Chợ, Thành Vauban, Thành phố thuộc địa, Khu tập thể... Ở sân vườn còn tái tạo phố cổ, cổng làng, nhà trường lang, khu trưng bày đầu tầu hơi nước… Số lượng hiện vật và nội dung nghe thì thật phong phú, nhưng có lẽ sự hấp dẫn từ cách trưng bày, kể chuyện của Bảo tàng vẫn còn chờ đợi, kỳ vọng ở… tương lai.
Chúng ta hy vọng rằng sau 10 năm thai nghén, nâng lên đặt xuống, nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội sẽ trở thành hiện thực đúng như kế hoạch vào tháng 6 sang năm để bắt đầu đón khách cuối 2021 như dự kiến. Chỉ mong sao, Bảo tàng Hà Nội sẽ không chỉ là căn nhà hoành tráng hơn số 5B Hàm Long xưa, mà còn là một một cách kể chuyện mới, một ngôn ngữ bảo tàng mới hiện đại và giàu sức hấp dẫn hơn.
MỸ NGUYỄN