(Ảnh: minh họa)
Cụ thể, theo đề án tuyển sinh, ngành có học phí cao nhất của trường ĐH Y Dược TP.HCM là Răng - Hàm - Mặt với mức thu 70 triệu đồng/năm/sinh viên. Một số ngành đào tạo khác cũng có mức thu từ 40 triệu - gần 70 triệu đồng/năm/sinh viên. Theo lộ trình, học phí dự kiến của trường còn tăng 10% mỗi năm tiếp theo.
Tương tự, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng dự kiến mức học phí trên 30 triệu đồng/năm/sinh viên. Trong khi đó, trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến mức học phí cao nhất cho năm học 2020-2021 lên tới gần 50 triệu đồng/sinh viên hệ chất lượng cao. Các lớp khác có học phí từ khoảng gần 20 triệu đồng-45 triệu đồng/năm/ sinh viên.
Lý do học phí một số trường ĐH tăng mạnh là do các trường thực hiện cơ chế tự chủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TP HCM, chúng ta phải phân biệt hai khái niệm giữa kinh phí đào tạo và học phí. Kinh phí đào tạo gồm nhiều nguồn, như học phí, ngân sách nhà nước cấp, các nguồn nghiên cứu khoa học, dịch vụ… Hiện nay, Nhà nước vẫn hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo ở các trường đại học không tự chủ tài chính. Vì thế, mức học phí mà sinh viên đang nộp chỉ chiếm một phần trong kinh phí đào tạo. Khi trường ĐH tự chủ tài chính sẽ hoạt động theo hướng tính đúng, tính đủ do Nhà nước không còn tài trợ nên số tiền người học sẽ phải cao hơn.
Một số hiệu trưởng đại học cũng cho rằng, mức học phí ĐH của Việt Nam duy trì lâu nay quá thấp, thu không đủ đắp chi phí đào tạo. Vì thế, kinh phí để các trường hoạt động khiêm tốn, dẫn tới không có tiền trả lương cao cho giáo viên giỏi, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạn chế, sĩ số lớp học đông… Từ đó ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.
Tăng học phí đúng với kinh phí đào tạo là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, từ đúng về lý, còn phải thuận về tình để tránh cản trở con đường đi học của sinh viên nghèo. Muốn vậy, cần đẩy mạnh chính sách cho sinh viên vay tín dụng theo hướng tăng mức vay và mở rộng đối tượng được vay tiền để đi học. Các trường ĐH cũng cần tăng cường các loại học bổng cấp cho sinh viên. Tăng học phí cũng cần đi liền với minh bạch, sòng phẳng về tài chính, cam kết về chất lượng đào tạo để xã hội cùng giám sát.
Trong khi đó, TS Lý cho rằng, trong bối cảnh mới, chúng ta sẽ phải quen dần với việc sẽ có nhiều mức học phí tương ứng với nhiều loại hình đào tạo, phục vụ cho các đối tượng khác nhau. Ví dụ, sinh viên học chương trình đào tạo đại trà thu học phí thấp khi ra trường sẽ có đủ kiến thức cơ bản. Trong khi đó, người học chương trình tiên tiến với mức học phí cao hơn (khoảng 30-50 triệu đồng/năm, ngoài kiến thức cơ bản còn được cung cấp kỹ năng mềm, ngoại ngữ, được học với giáo sư nước ngoài, sĩ số lớp học thấp… Người học học những ngành hot, ra trường có lương cao, kinh phí để đào tạo nhiều sẽ phải chấp nhận đóng học phí cao. Ngược lại, nếu chọn học những ngành học như các ngành Âm nhạc truyền thống, Lịch sử… sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, thậm chí được miễn phí học phí.
Đó chính là sự “sòng phẳng”, minh bạch trong đào tạo, đạt về lý mà cũng thuận về tình.
TRUNG THU