Đây là kết quả của sự phấn đấu, rèn luyện, không ngừng tìm tòi, học hỏi, nâng cao tay nghề, đánh dấu bước trưởng thành của một nhà báo.
33 tuổi đời, trong đó có 10 năm tuổi nghề, nhà báo trẻ Phạm Thị Hà Linh (trong ảnh, bên trái)
Với bản tính năng động, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Hà Linh đã thấy thích nghề làm báo. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, cầm trên tay bằng cử nhân văn của Trường đại học Cần Thơ, Hà Linh quyết định về quê và nộp hồ sơ xin vào Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang. Với bản tính năng động, hoạt bát, ứng xử nhanh, tại cuộc phỏng vấn, Hà Linh đã chinh phục được lãnh đạo đài.
Nhà báo Hà Linh chia sẻ: “Sau 10 năm gắn bó với nghề, tôi không nghĩ mình đã thành công, nhưng đây là kết quả bước đầu, tạo động lực để tôi phấn đấu và trưởng thành hơn trong sự nghiệp mà mình đã chọn”. Có lẽ, nhà báo Hà Linh cũng hiểu rằng, thành công nào cũng phải trải qua sự rèn luyện, lao động nghiêm túc. Bởi từ một cô sinh viên mới vào nghề phải vượt qua bao áp lực, khó khăn, thách thức. Phải dấn thân, quan sát, lắng nghe từng “hơi thở” của cuộc sống để thực hiện những đề tài. Rồi nhiều đêm phải thức trắng bên bản thảo kịch bản, viết đi, viết lại nhiều lần... Quan trọng hơn là nhờ lãnh đạo đài, các anh, chị đi trước khuyến khích, động viên, tận tình hướng dẫn, làm chỗ dựa, tạo niềm tin, truyền “lửa” nghề, giúp Hà Linh có mục tiêu phấn đấu và ngày càng trưởng thành hơn.
Với góc nhìn nhạy bén, sâu sát cơ sở, nhà báo Hà Linh đã phát hiện, tiếp cận nhiều vấn đề dân sinh còn bất cập, chưa hợp lý gây bức xúc nhân dân và phản ánh một cách trung thực, thể hiện sức chiến đấu cao, được lãnh đạo địa phương ghi nhận, quan tâm khắc phục, nhân dân rất đồng tình. Điển hình tác phẩm “Tầm nhìn hạn mặn” phản ánh sự bất cập trong việc đóng, mở hệ thống cống ngăn mặn. Bởi việc ngăn mặn cần thực hiện nhanh chóng, nhưng mỗi lần đóng nắp cống phải mất tám giờ, vì vận hành bằng tay quay. Điều đáng nói là sự bất cập này tuy nhỏ, nhưng đã tồn tại gần 10 năm. Sau khi tác phẩm này phát sóng, lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo ngành chuyên môn nghiên cứu thay ngay hệ thống vận hành đóng cống bằng mô-tơ điện để rút ngắn thời gian, kịp thời ngăn không cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con. Tác phẩm này đã đạt Giải nhì báo chí cấp tỉnh và Giải nhì giải nghiệp vụ nam sông Hậu năm 2016.
Theo nhà báo Hà Linh, trong hàng chục tác phẩm đạt giải, có lẽ tác phẩm “Sống như Xậm” để lại nhiều điều sâu sắc nhất trong lòng tác giả. Bởi nhân vật Xậm trong tác phẩm tuy tật nguyền nhưng có một sức sống mãnh liệt, một nghị lực phi thường, gạt bỏ sự tự ti, vượt lên chính mình, đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống để đi đến thành công. Qua nhân vật này đã dạy cho Hà Linh nhiều điều hữu ích trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp. Hà Linh kể: “Khi thực hiện phóng sự về nhân vật “Xậm”, lãnh đạo đài có nhắc là cần có sự rung động của bản thân, xúc động thật sự với hoàn cảnh của nhân vật. Muốn khán giả khóc thì bản thân phải khóc với tác phẩm của mình”. Hà Linh phải mất gần ba tháng mới hoàn thành tác phẩm. Sự cần cù lao động, sáng tạo đã giúp tác phẩm phóng sự “Sống như Xậm” đoạt Huy chương bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2017…
Chia sẻ về nghề, nhà báo Hà Linh cho rằng, làm báo, nhất là nữ chịu rất nhiều áp lực, phải sắp xếp lo chu tất chuyện gia đình, chuyện nghề, nhất là người làm báo trẻ phải không ngừng rèn luyện, học hỏi, làm việc đúng tôn chỉ của một nhà báo cách mạng, luôn giữ “bút sắc - lòng trong - tâm sáng”. Điều thú vị là khi dấn thân vào nghề báo, càng làm, càng thấy thích, yêu và gắn bó với nghề hơn. Bởi qua từng tác phẩm cũng dạy cho mình nhiều điều bổ ích, từ cách sống đến kiến thức xã hội, giúp hoàn thiện bản thân hơn. Đồng thời, được góp tiếng nói, phê phán cái xấu, biểu dương cái tốt, đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, thể hiện được vai trò, sức chiến đấu của báo chí. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, niềm tự hào của người làm báo”.
Nguồn nhandan.com.vn