Đảm bảo khoảng cách khi tiêm chủng mở rộng để phòng, chống Covid-19. Ảnh: Thiện Tâm.
Theo Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, bắt đầu từ ngày 13/5, 23/23 trạm Y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức tiêm chủng thường xuyên sau thời gian tạm hoãn tiêm chủng. Theo đó các trạm y tế thực hiện tiêm cho các đối tượng đến lịch tiêm trong tháng 5 và tiêm bù cho các trường hợp chưa được tiêm trong thời gian tạm hoãn. Các trạm y tế có đông đối tượng tiêm chủng sẽ chủ động tiêm 2 ngày/tuần để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tiêm chủng đảm bảo an toàn, bố trí đúng quy trình một chiều, phụ huynh đưa con đến tiêm phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay nhanh trước khi vào cơ sở y tế.
Tại Trạm y tế phường Phúc La, quận Hà Đông vào sáng nay 13/5, ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân đưa trẻ đến tiêm chủng. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm y tế phường Phúc La cho biết, trạm y tế đã có thông báo đến từ đối tượng trẻ đến lịch tiêm chủng, gửi giấy mời và đôn đốc các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ trong thời gian tạm hoãn do dịch Covid-19 đi tiêm chủng theo đúng quy định.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trạm y tế bố trí vị trí chờ thông thoáng, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng. Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, có phòng theo dõi trẻ sau tiêm chủng 30 phút để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng. Trạm cũng đã sắp xếp dung dịch sát khuẩn tay đặt tại bàn đón tiếp và các bàn tiêm, khu vực hành lang, tuyên truyền, vận động người dân và những trẻ lớn rửa tay và đeo khẩu trang thường xuyên.
Đặc biệt, Trạm đã lập danh sách các trẻ đến tiêm chủng, khi phát hiện trường hợp có những triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho… sẽ tiến hành theo dõi, kiểm tra sức khỏe và điều tra dịch tễ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm tại cộng đồng.
Ghi nhận tại Trạm y tế xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, bác sĩ Đào Thu Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cự Khê cho biết, ngay buổi đầu tiên tổ chức tiêm chủng mở rộng trở lại, có rất đông người dân đưa con em mình đến. Trạm đã gửi thông báo đến từng hộ gia đình có con em đến lịch tiêm đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, dự kiến trong ngày hôm nay trạm y tế sẽ tổ chức tiêm cho khoảng hơn 100 trẻ. Phân bổ trẻ đến tiêm một cách hợp lý nhằm đảm bảo việc giãn cách, không để xảy ra tình trạng ùn tắc khi trẻ đến tiêm. Lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng theo giờ, bảo đảm không quá 20 người trong cùng thời điểm và không quá 50 đối tượng tại một điểm trong mỗi buổi tiêm. Mặt khác, đối tượng được khám sàng lọc trước buổi tiêm chủng, những trẻ đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp thì được tư vấn không đưa đi tiêm, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Trạm cũng đã bố trí dung dịch sát khuẩn tay nhanh đặt tại khu vực hành lang, tuyên truyền, vận động người dân đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để phòng, chống dịch bệnh.
Phụ huynh và trẻ nhỏ đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng. Ảnh: Thiện Tâm
Từ ngày 1/4 đến nay, do thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tạm ngừng trên toàn quốc. Ngày 25/4, các tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Hồng đã triển khai tiêm chủng trở lại. Tuy nhiên, riêng tại Hà Nội, tại thời điểm đó vẫn còn khu vực ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín thực hiện cách ly nên phải lùi thời điểm tiêm chủng trở lại.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe, tránh lây nhiễm tại cộng đồng, các trạm y tế, các điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng tự nguyện đảm bảo an toàn. Các trung tâm y tế cơ sở tiêm chủng cần tiến hành rà soát tất cả các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn để tuyên truyền, vận động các đối tượng đó đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo đúng quy định.
Về vấn đề đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, các điểm tiêm chủng cần thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm theo đúng quy định. Theo dõi đối tượng sau tiêm chủng ít nhất 30 phút tại các điểm tiêm, tư vấn đầy đủ cho người nhà về các phản ứng sau tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm và thông báo ngay cho nhân viên y tế khi trẻ có những dấu hiệu bất thường để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là sự cần thiết của việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay là vô cùng quan trọng. Tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch khi đến tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
THIỆN TÂM/Chinhphu.vn