Cơ chế đặc thù cho Hà Nội: Tạo động lực phát triển cho Thủ đô

Sáng 12/6, thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đa số đại biểu tán thành với việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Nghị quyết tập trung điều chỉnh một số chính sách chủ yếu về quản lý thu ngân sách (Điều 3), quản lý chi ngân sách (Điều 4), mức dư nợ vay và sử dụng quỹ dự trữ tài chính (Điều 5). Đây là các nội dung cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 và có tính tương đồng với nhiều cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội...

Tham gia thảo luận Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, đa số đại biểu Quốc hội tán thành tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình, và cho rằng việc thí điểm nói trên sẽ vừa giúp khai thác, phát huy thế mạnh, vừa tạo điều kiện cho Hà Nội chủ động, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) và một số đại biểu khác cũng đề nghị, việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội cần gắn liền với các đánh giá về việc thực hiện Luật Thủ đô về ưu điểm và hạn chế, cụ thể là các hạn chế về quy hoạch và di dời.

Quang cảnh kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIV.Quang cảnh kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIV.

Về thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, một số đại biểu chỉ ra rằng, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí là của Quốc hội và được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong khoảng thời gian giữa hai Kỳ họp Quốc hội, nay Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này, thực chất là để phân cấp cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, thành phố cần có danh mục phí, mức phí đảm bảo được sự đồng thuận cao của người dân.

Về việc ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, một số đâị biểu chỉ rõ, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để quy định này có tính khả thi, đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố cần chủ động có Đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) ủng hộ việc xem xét bổ sung cơ chế tài chính ngân sách cho phép Thủ đô huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển. Bởi địa phương nào cũng có đặc thù và điều kiện khác nhau, do đó cơ chế chính sách cũng có những quy định riêng cho từng địa phương. Từ đó cơ chế chính sách ban hành ra không phải phù hợp cho tất cả các địa phương, cơ chế đặc thù là sự bổ khuyết, cho phép các địa phương cơ chế để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên thời gian gần đây cũng có nhiều cơ chế đặc thù gây ra hiểu lầm theo hướng “đặc quyền đặc lợi”, do đó đại biểu đề nghị không nên dùng từ “đặc thù” trong tên dự thảo nghị quyết.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thảo luận tại phiên họp Quốc hội sáng 12/6.Đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thảo luận tại phiên họp Quốc hội sáng 12/6.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, trong quá trình xây dựng phát triển, Hà Nội đang đứng trước thách thức về mọi mặt như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững, quá tải đối với hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng dân số cơ học, quy hoạch xây dựng quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tình trạng ô nhiễm, ùn tắc, ngập úng chưa được giải quyết căn cơ…trong khi quyền hạn, nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò của Thủ đô. Do vậy, việc xem xét bổ sung cơ chế tài chính ngân sách cho phép Thủ đô huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho Thành phố phù hợp với thực tế phát triển.

Cho rằng việc thực hiện chính sách riêng cho Hà Nội là cần thiết, đại biểu Cương cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc sửa Luật Thủ đô kịp thời và phù hợp với giai đoạn tới, sửa Nghị định 63 vì phạm vi điều chỉnh của Nghị định này với Nghị quyết có một số điểm trùng nhau.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng tán thành đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, tuy nhiên đề nghị Thành phố có báo cáo rõ hơn về số liệu cụ thể dự kiến nguồn thu này. Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đối với Thủ đô Hà Nội trên cơ sở vừa khai thác, phát huy được thế mạnh cho từng địa bàn, vừa tạo chủ động cho địa phương.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số các đại biểu đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để tạo động lực phát triển cho thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

THẢO HƯƠNG

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế đặc thù cho Hà Nội: Tạo động lực phát triển cho Thủ đô tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]