Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vẫn còn chậm

Việc phòng, chống dịch COVID-19 trong nước sớm được khống chế, được quốc tế đánh giá cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành và những quyết sách đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ.

 Việc phòng, chống dịch COVID-19 trong nước sớm được khống chế, được quốc tế đánh giá cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành và những quyết sách đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ. Mặc dù vậy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vẫn còn chậm đi vào cuộc sống. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan phát biểu ý kiến tại Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan phát biểu ý kiến tại Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh cho rằng, quý I năm 2020 kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Nhiều tỉnh, thành đã ban hành chính sách hỗ trợ để hỗ trợ cho ảnh hưởng của dịch COVID, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã sớm ban hành chính sách kích cầu phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, giảm giá vé thăm vịnh Hạ Long và các điểm du lịch. Cho đến nay khách du lịch cũng đã trở lại Quảng Ninh sôi động trở lại.

Mặc dù vậy, bà Đỗ Thị Lan cho rằng cần tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế. Những tháng đầu năm 2020 dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng hầu hết đến các doanh nghiệp, doanh thu, lợi nhuận, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động giảm sút. Chính phủ đã ban hành chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động nhưng quá trình tổ chức thực hiện các chính sách vẫn còn chậm đi vào cuộc sống.  

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp giải quyết bất cập, vướng mắc giúp cho doanh nghiệp, người dân, người lao động để tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách của nhà nước. Đồng thời, có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vượt khó, ổn định và phát triển.  

Chỉ ra những vướng mắc trên, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng: Việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập. Những quy định pháp luật thiếu thống nhất, chồng chéo, không phù hợp và cũng đã được phát hiện và sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập cũng còn chậm và một số dự án luật cho đến nay có hiện tượng có thêm giấy phép và thủ tục hành chính, tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên, chưa thực sự thực hiện phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương.

Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thể chế cơ chế chính sách, pháp luật. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm cho địa phương. Cắt giảm thủ tục hành chính ngay từ khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật và thực hiện Hiệp định cam kết của quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế.

“Đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, dự báo tình hình, cung cấp thông tin về khả năng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước để có sự chủ động về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện thể chế cơ sở pháp lý để đón nhận nhà đầu tư phát triển kinh tế. Mặt khác, cũng yêu cầu doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện chấp hành đúng quy định pháp luật, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và các cam kết với quốc tế”, bà Đỗ Thị Lan kiến nghị.

 

 

Về tình hình lao động việc làm và thông tin thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết: Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, lao động thất nghiệp tăng cao so với nhiều năm trước, thu nhập, đời sống của người dân bị ảnh hưởng.  Bà Lan cho biết, người lao động mong muốn các chính sách của nhà nước sớm được thực hiện đảm bảo mục tiêu, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, góp phần ổn định xã hội. Trong tình hình dịch bệnh COVID thời gian qua cho thấy, các nước trên thế giới đã chú trọng việc dự báo, định hướng thông tin thị trường lao động.  

Ở nước ta sau khi dịch bệnh COVID được kiềm chế, phục hồi nền kinh tế, thực hiện Hiệp định thương mại tự do chuẩn bị đón nhận làn sóng đầu tư dịch chuyển từ các nước và thực hiện những định hướng phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới, thông tin về thị trường lao động được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm. Không chỉ mỗi nhà quản lý mà cả cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, nhà đầu tư trong và ngoài nước và người lao động, nhân dân cũng quan tâm. Đặc biệt là các thông tin định hướng về cung cầu thị trường lao động yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động của nước ta hiện nay đang rất hạn chế, không đủ khả năng cung cấp thông tin về thị trường lao động. Số liệu về thị trường lao động chủ yếu thông qua Tổng cục Thống kê hoặc khi cần mới được nắm bắt từ các cấp và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan phản ánh một cách tương đối. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển thị trường lao động, đáp ứng nền kinh tế, quá trình hoạch định, ban hành chính sách về lao động, việc làm, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Bất cập trên đã tồn tại nhiều năm qua.  

Nguyên nhân của những hạn chế trên, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan chỉ ra rằng: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trong việc này và thực tế bộ cũng có nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên các quy định về phát triển thị trường lao động theo các luật, các quy định pháp luật, quy định như Luật Việc làm, một số luật khác thì khả năng việc phối hợp với các ngành trong việc xây dựng các thông tin, dữ liệu về phát triển thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin kết nối liên thông về thị trường lao động của các cơ quan có liên quan còn hạn chế.  

“Thời gian tới, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ có liên quan sớm dự báo, phân tích, định hướng về thị trường lao động, đáp ứng với tình hình thực tế và cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho các cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế”, đại biểu Đỗ Thị Lan kiến nghị.

Theo baotintuc.vn

 

Bạn đang đọc bài viết Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vẫn còn chậm tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]