Những tấm gương phụ nữ trong phong trào "Ba đảm đang" của Thủ đô được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu

  • 16:19, 14/06/2020
Phong trào “Ba đảm đang” được phụ nữ Thủ đô hưởng ứng sôi nổi và mạnh mẽ, bởi nơi đây là khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang” và phụ nữ Thủ đô luôn luôn quyết tâm gương mẫu đi đầu trong phong trào “Ba đảm đang” để phụ nữ cả nước noi theo như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, trong đó có phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô Hà Nội nói riêng. Tiêu biểu trong số đó là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” - một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam đã có tác dụng to lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Phong trào “Ba đảm đang” được phụ nữ Thủ đô hưởng ứng sôi nổi và mạnh mẽ, bởi nơi đây là khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang” và phụ nữ Thủ đô luôn luôn quyết tâm gương mẫu đi đầu trong phong trào “Ba đảm đang” để phụ nữ cả nước noi theo như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giao lưu điển hình tiên tiến "Tiếp lửa truyền thống phong trào Ba đảm đang phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác" giai đoạn 2015-2020 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 9/6/2020.Giao lưu điển hình tiên tiến "Tiếp lửa truyền thống phong trào Ba đảm đang phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác" giai đoạn 2015-2020 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 9/6/2020.

Trước khi ra đời phong trào “Ba đảm đang”, hòa chung với khí thế thi đua của cả nước, phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ Thủ đô đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, ghi nhận.Ngày 19/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị phụ nữ lao động tích cực Thủ đô lần thứ nhất. Tại đây Người căn dặn: “Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ...”(\ Ngày 8/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai. Thay mặt Đảng, Chính phủ Người khen ngợi thành tích của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng: “Phụ nữ trí thức cũng đã góp nhiều công trong phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, trong việc xây dựng các vườn trẻ, lớp mẫu giáo và các ngành nghề khác. Việc tổ chức vườn trẻ, lớp mẫu giáo rất đáng khen.”(2).

Đặc biệt, từ năm 1964 khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với miền Nam, hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn phụ nữ tình nguyện đảm nhiệm “việc nước, việc nhà” để chồng, con yên tâm ra trận. Trong không khí sục sôi thi đua chống Mỹ cứu nước, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày toàn quốc chống Mỹ, ngày 18/3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trên cơ sở phong trào khởi phát ở huyện Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội) đã thảo luận kỹ và đề xuất với Trung ương Đảng tổ chức cuộc vận động phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu; Đảm nhiệm công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được Trung ương Đảng đồng ý. Ngày 22/3/1965, Ban thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phong trào của chị em phụ nữ, Người đã gợi ý sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Tuy chỉ thay đổi một chữ nhưng đã phản ánh được đúng bản chất, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó, phù hợp với truyền thống của phụ nữ Việt Nam và càng tăng thêm sức mạnh, lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ tình nguyện tham gia và đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho phong trào phụ nữ Việt Nam.

Chỉ sau một thời gian ngắn, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia phong trào “Ba đảm đang”. Trong đó, Hà Nội có 50 vạn phụ nữ thuộc các lứa tuổi, thuộc mọi thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang” với khí thế thi đua sôi nổi. Hàng nghìn nữ thanh niên, trong đó có nhiều chị vừa rời ghế nhà trường đã hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng đi tới vùng đất lửa, mở các con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng vạn đơn tình nguyện cho chồng con đi chiến đấu. Toàn Hà Nội dấy lên phong trào “Phụ nữ Thủ đô đảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu; ra  sức đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất, chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con tốt; phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm”. Trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, phụ nữ Thủ đô thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu “Địch đánh một ta làm mười”; “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “Tay cày, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”... Đồng thời, đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trong phong trào Phụ nữ Ba đảm đang của cả nước.

Để kịp thời động viên, khuyến khích phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng có thành tích trong phong trào Ba đảm đang, khi đọc báo Trung ương và địa phương, nhất là các báoThủ đô Hà Nội, Thời mới, Tiền phong... thấy có tin bài viết về những gương việc tốt của phụ nữ Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đánh dấu lại và thưởng huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích xuất sắc. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tổng 1.718 phụ nữ phong trào “Ba đảm đang” của cả nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu thì có khoảng 100 phụ nữ của Thủ đô trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu, văn hóa, giáo dục,... được Bác Hồ tặng huy hiệu. Cụ thể:

Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 3 cá nhân: Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên cửa hàng ăn số 1 mậu dịch quốc doanh ga Hàng Cỏ vì nhiều lần nhặt được tiền rơi của khách hàng nộp lại công an đem trả người mất; chị Nguyễn Thị Thiệm, công nhân Phân xưởng dụng cụ Nhà máy cơ khí Hà Nội đã cải tiến động tác mài calíp kiểm tra dụng cụ nâng năng suất lao động hàng ngày lên 525% trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày sinh nhật Bác; chị Phạm Thị Chinh, công nhân Nhà máy dệt kim Đông Xuân Hà Nội có sáng kiến cải tiến tăng năng suất lao động, đã hoàn thành vượt mức 80% kế hoạch sáu tháng đầu năm 1960 để chào mừng 15 năm thành lập nước.

 Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 7 cá nhân: chị Trương Liễu Thanh công tác tại Xí nghiệp dược phẩm Hà Nội đã có nhiều sáng kiến trong sản xuất; chị Vũ Thị Mực ở thôn Cổ Chế, Phú Xuyên đạt thành tích đào đắp 376 mét khối thuỷ lợi và vinh dự được đại diện cho tỉnh đi dự Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần thứ 3; Bà Nguyễn Thị Sắc ở thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên dù tuổi cao vẫn hăng say và gương mẫu trong mọi công việc của Hợp tác xã; chị Đỗ Thị Hảo ở thôn Tử Dương, huyện Ứng Hòa bị cụt một tay, bố mẹ đau yếu nhưng vẫn hăng say lao động và tham gia đầy đủ các phong trào đoàn, đội; chị Tuyết Minh là tấm gương sáng của đoàn viên Hợp tác xã Phù Dực, Hà Nội đã đạt kiện tướng thuỷ lợi và chăn nuôi; chị Thúy Hoa, nhân viên bán giầy, dép da cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Hà Nội đã hết lòng phục vụ khách hàng, với phương châm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” và có sáng kiến trong việc bảo quản, sắp xếp và giải quyết tốt hàng ứ đọng; cụ Lê Thị Hoan ở số nhà 21 Nguyễn Khuyến, Đống Đa đã vận động những trẻ em hư trong khu phố để dạy nghề và khuyên bảo các cháu trở thành những đứa trẻ ngoan. Cụ đã vinh dự được chọn lên báo công tại Đại hội Liên hoan phụ nữ Năm tốt và được ngồi cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hàng ghế đầu tiên;...

Năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 5 cá nhân: chị Lê Thị Diễm Hương, bác sĩ Bệnh viện C, Hà Nội đã hết lòng chữa bệnh cho các cháu nhỏ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo; cụ Huyền ở ngõ Quỳnh dù 70 tuổi nhưng vẫn xung phong đi khai hoang, tăng gia sản xuất đạt kết quả cao; chị Thơm, Trưởng tổ giặt Viện Đông y Hà Nội đã tích cực giặt là để người bệnh luôn có quần áo sạch mặc và chị đã 5 năm liền được công nhận là chiến sĩ thi đua của Viện;...

Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 7 cá nhân: chị Nguyễn Thị Nguyễn, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Chim Non, Hà Nội luôn tận tâm với mọi người, luôn nêu gương làm việc cần cù, tỉ mỉ; bà Nguyễn Thị Điền ở thôn Trung Mầu, xã Trung Hưng, huyện Gia Lâm dù đã 65 tuổi nhưng vẫn là kiện tướng tăng gia sản xuất và là cán bộ vận động học bổ túc văn hoá xuất sắc; chị Kim Thị Dung, Chủ tịch phụ nữ xã Hoà Xá, huyện Ứng Hoà đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động; chị Nguyễn Thị Chất ở Hợp tác xã Đại Thắng, xã Đình Công, huyện Thanh Trì tuy có 7 con nhưng vẫn đạt kiện tướng toàn diện và phụ nữ 5 tốt; chị Nguyễn Thị Bích Loan, Tổ trưởng xí nghiệp sàng chè Hà Nội là đoàn viên gương mẫu, chịu khó học hỏi, hợp lý hóa động tác sàng chè nhờ đó năng suất lao động tăng; cụ Dương Thị Thẩm ở thôn Đại Vĩ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh dù đã 78 tuổi nhưng vẫn tích cực chăn nuôi trâu gầy thành trâu béo khoẻ; chị Mai Huyền Trâm, công nhân Nhà máy cơ khí Gia Lâm có thành tích hợp lý hoá sản xuất đưa năng xuất tiện từ 67% lên 182%;...

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 21 cá nhân: chị Dương Thị Tuệ, trưởng quầy ăn uống chợ Mơ có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý và luôn tìm tòi học hỏi các cửa hàng khác để nâng cao năng suất cũng như kỹ thuật chế biến các món ăn, đã đạt lao động tiên tiến 2 năm liền 1964, 1965; chị Bùi Thị Đào, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Trung luôn tìm tòi cải tiến kỹ thuật làm tăng năng xuất lao động và đạt chiến sĩ thi đua năm 1964, phụ nữ “năm tốt”; bà Ngô Thị Gạo ở Khối 1, khu Đống Đa dù đã 66 tuổi như vẫn hăng hái tham gia trồng rau bán cho mậu dịch và luôn động viên các con tham gia chiến đấu, sản xuất; chị Lê Thị Minh, Hội trưởng phụ nữ xã Hồi Xá, Gia Lâm đã lãnh đạo phong trào phụ nữ xã từ kém lên tốt; chị Phí Thị Khuê Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã đã giúp đào tạo nghề cho các xã viên và vận động chị em đi học văn hóa, 4 năm chị là lao động tiên tiến, đạt danh hiệu phụ nữ “năm tốt”; chị Đặng Thị Luấn, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã may mặc Thành Công đã có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm tăng năng xuất dệt từ 18 chiếc khăn lên thành 30 chiếc khăn trong cùng thời gian; chị Nguyễn Thị Nội ở Hợp tác xã Công lực đã rất chịu khó trong công việc và từ một người không biết việc mà chị học hỏi để trở thành một người giỏi việc; chị Tống Thị Tỉnh, Tổ trưởng sản xuất công trường Trường Đại học Y khoa Hà Nội, chị đã khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu đưa tổ công đoàn đạt công đoàn “4 tốt”. Bản thân chị 3 năm liền chị được bầu là chiến sĩ thi đua, đảng viên “bốn tốt” và phụ nữ “5 tốt”; hai chị Vương Thị Thuyết và Nguyễn Thị Thanh Tuyết ở huyện Thanh Trì đã không quản vất vả ngày đêm hết lòng chăm sóc đàn lợn của Hợp tác xã; chị Nguyễn Thị Tốt, đảng viên trẻ của Nhà máy hoa quả đóng hộp Hà Nội đã cải tiến cách dập hộp đưa năng xuất từ 4.500 hộp lên 10.000 hộp/1 ngày; chị Nguyễn Thị Diễm Hồng là giảng viên Đại học Dược khoa đã thành công trong việc điều chế loại thuốc chữa bệnh bướu cổ và hóa chất để bảo quản thuốc chữa bệnh đau mắt hột; chị Bích Thuỷ, công nhân Nhà máy thuốc lá Thăng Long luôn luôn đạt năng xuất cao; chị Nguyễn Thị Hội, bác sỹ Viện Lao Trung ương (bệnh viện A) đã có sáng kiến nghiên cứu ra môi trường nuôi cấy vi trùng lao và phát minh ra thuốc chống lao được dùng trên toàn miền Bắc;...

Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 25 cá nhân: chị Quách Thị Liên, đã dũng cảm cứu sống 3 mẹ con bị máy bay Mỹ ném bom vùi lấp trong hang; chị Vinh xã viên Hợp tác xã Kim Giang, Đại Kim,Thanh Trì có thành tích nuôi trâu gầy thành trâu béo; chị Nguyễn Thị Thức Hợp tác xã Việt Trung, Định Công, Thanh Trì có thành tích 3 năm liền nuôi 39 lợn nái, chăm sóc đàn lợn của Hợp tác xã béo tốt; cô giáo Nguyễn Thị Ngọ, Trường cấp I, Việt Thắng, Đông Anh và cô Ngô Thị Hiện, Trường Mẫu giáo xã Nhật Tân là những giáo viên yêu nghề, yêu trẻ, tận tụy có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và đạt giáo viên xuất sắc của ngành giáo dục; bà Lê Thị Thành ở quận Đống Đa dù đã 71 tuổi nhưng bà đã giáo dục được 5 em bé từ những đứa trẻ hư thành trẻ ngoan; cô Lê Thị Hải Đường, Hiệu trưởng Trường Cấp I Thăng Long đã có sáng kiến làm “khu vườn treo” phục vụ cho học sinh học tập; các y tá Lê Thị Lý, Phạm Thị Hải và Đặng Thị Nhiễu thuộc Trạm y tế 1, Hoàn Kiếm đã tận tụy cứu chữa đồng bào bị thương do bom Mỹ gây ra; cô giáo Bích ở thôn Phương, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh đã hết lòng chăm sóc sức khỏe cũng như việc học hành của học sinh và giúp đỡ bà con nhân dân; cô Tiến Thị Vấn là giáo viên mẫu giáo vỡ lòng yêu nghề, yêu trẻ, biết liên hệ mật thiết với cha mẹ học sinh, gắn bó với địa phương, phát huy tinh thần tự lực xây dựng lớp từ kém trở thành tiên tiến; nữ công nhân Phùng Thị Thanh của Nhà máy cao su Thụy Khuê yêu nghề, hăng say lao động phát huy nhiều sáng kiến đưa năng suất ngày một vượt lên cao; hai nữ dân quân xã Lại Hoàng, Gia Lâm Dương Thị Thức và Nguyễn Thị Thức đã dũng cảm phá bom nổ chàm;...

Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 23 cá nhân: Thẩm Thị Mùi, nhân viên cửa hàng chất đốt Hà Nội đã bảo vệ chu toàn tiền hàng của Nhà nước và dũng cảm cứu đồng bào, trong lúc máy bay địch bắn phá; y tá Phạm Thị Hồng ở Trạm mắt, huyện Thanh Trì dũng cảm cứu đồng bào khi máy bay giặc Mỹ bắn phá Tứ Hiệp, Văn Điển; cụ Bông ở khu phố 4, xã Yên Duyên, Yên Sở, tuy đã 70 tuổi nhưng 6 năm liền cụ tham gia Ban bảo trợ nhà trường và hết lòng chăm sóc các cháu học sinh; chị Nguyễn Thị Lan, thuyền trưởng tàu Ba đảm đang 2 Công ty vận tải đường sông Hà Nội, dũng cảm và bình tĩnh lái tàu về nơi an toàn, trong lúc máy bay địch bắn phá. Mẹ Năm Tẻo ở thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức có 3 con đi bộ đội xa nhà, hết lòng chăm sóc các chiến sĩ đóng quân tại địa phương; chị Hà Thị Tưởng - Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Dược khoa Hà Nội đã xây dựng trường thành trường tiên tiến trong phong trào chống Mỹ cứu nước được Bộ Y tế khen tặng; chị Vũ Thị Chức, nhân viên ở cửa hàng ăn uống chợ Mơ tận tuỵ gương mẫu, có tinh thần phục vụ cao, 2 năm liên tục được bầu là chiến sĩ thi đua; mẹ Khánh ở huyện Thanh Trì hết lòng thương yêu, giúp đỡ chiến sĩ, chăm sóc thương binh; mẹ Nguyễn Thị Bài ở Khu phố Hai Bà Trưng hết lòng chăm sóc con em các gia đình liệt sĩ và tận tình chăm sóc người bị nạn, khi máy bay giặc Mỹ bắn phá khu phố; chị Nguyễn Thị Hiền ở Khối 27 khu phố Hai Bà Trưng đã dũng cảm cứu được 3 đồng bào bị sập hầm ngay sau khi máy bay Mỹ đánh phá; chị Trần Thị Yên, chiến sĩ thi đua xuất sắc của Công ty bốc xếp đường sắt Hà Nội; Trần Thị Hoán ở Phố Mai Hắc Đề, quận Hai Bà Trưng đã khéo thu xếp việc gia đình, dũng cảm hết lòng phục vụ chiến đấu, giữ trật tự đường phố, bảo vệ tài sản của nhân dân, nhà nước và giúp đỡ các gia đình bị nạn; Nguyễn Thị Chuông - Đoàn viên thanh niên lao động “bốn tốt” hăng hái cùng chị em chui vào khu nhà sập cứu được 6 người; Nguyễn Thị Hạnh, Tổ trưởng dân quân dù bị thương nặng nhưng vẫn làm nhiệm vụ tiếp đạn cho các chiến sĩ chiến đấu và đưa chiến sĩ bị thương ra ngoài trận địa pháo an toàn; chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Nhà máy điện cơ Hà Nội đã giảm chỉ tiêu thời gian sản xuất 6 loại mặt hàng xuống còn % thời gian quy định nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm; chị Trần Thị Diệp, Tổ trưởng tổ lương thực Bách hóa tổng hợp có thái độ phục vụ khách hàng tốt, tích cực xây dựng tổ trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa, được bầu là chiến sĩ thi đua, đảng viên, đoàn viên 4 tốt, phụ nữ ba đảm đang;...

Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 8 cá nhân: chị Kỳ thuộc trung đội dân quân xã Uy Nỗ, Đông Anh, trong lúc chồng và con bị thương chị đã nhờ mọi người đưa chồng con đi cứu chữa còn bản thân chị và một số người khác đến hầm trú ẩn bị bom đánh sập để cứu được 13 khác; chị Cù Thị Bích Hoàn đội trưởng công binh xã Uy Nỗ, Đông Anh đã dũng cảm tháo thành công 2 qua bom; chị Ngô Thị Giảng ở Trâu Quỳ, Gia Lâm là Hội trưởng hội mẹ chiến sĩ có 3 con trai đi bộ đội, bản thân chị tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ chiến đấu, nuôi trâu giỏi; chị Đỗ Thị Mát, đội viên Đội dân phòng khối 52, quận Đống Đa dù bận con nhỏ nhưng vẫn tham gia đội dân phòng dũng cảm chữa cháykhi máy bay địch đánh phá; Nguyễn Thị Cần, Khối 6, Ô chợ Dừa, Đống Đa đã 12 năm vận động bà con đi học bổ túc văn hóa và cho mượn nhà mình để làm lớp học; chị Cung Thị Miễn, nhân viên Cửa hàng lương thực Thúy Ái, Hai Bà Trưng, nhặt được 1.000 đồng đem trả lại người bị mất, đã được biểu dương trong toàn ngành lương thực;...

Những tấm gương người tốt việc tốt nêu trên trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu của Người chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số hàng nghìn tấm gương phụ nữ “Ba đảm đang” trong phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ cả nước. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của phong trào “Ba đảm đang” phát động cách đây 55 năm, ngày nay Hội liên hiệp phụ nữ Thủ đô đã vận dụng, sáng tạo tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như: phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào Tham gia bảo vệ môi trường; phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; phong trào Hỗ trợ phụ nữ kinh doanh, khởi nghiệp, nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hơn vị thế, tầm vóc của Thủ đô “Ngàn năm văn hiến và anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”... Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

ThS. Nguyễn Văn Dương

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tập 9, tr238

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tập 10, tr88

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho các đại biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ “Ba đảm đang ” của Thủ đô, ngày 2/12/1965

Bạn đang đọc bài viết Những tấm gương phụ nữ trong phong trào "Ba đảm đang" của Thủ đô được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu tại chuyên mục của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]