Thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25/5 đến 31/5), sáng 29/5, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh với chủ đề "Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá".

Các đại biểu tham gia diễu hành xe đạp nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông năm 2020 với chủ đề Các đại biểu tham gia diễu hành xe đạp nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông năm 2020 với chủ đề "Cuộc sống không khói thuốc". (Ảnh: Lê Hảo)

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Ủy viên Thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh thông điệp gửi đến những người hút thuốc: "Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng dịch Covid-19 như hiện nay. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội".

Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, các căn bệnh, như: bBệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, ung thư... Đáng nói, có đến hơn 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực (ngày 1/5/2013), nhận thức và hành vi của người dân về phòng, chống tác hại thuốc lá đã có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ hút thuốc trong nam giới nước ta giảm khoảng 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%); tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng, đặc biệt ở nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên... Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (như thuốc điếu sử dụng tẩu), thuốc lá kiểu mới, các chiến dịch quảng cáo hiện đang "tấn công" vào thanh niên, như giới thiệu nhiều thiết kế "sành điệu", sử dụng tiện lợi, hương vị mới làm cho giới trẻ coi nhẹ những rủi ro với sức khỏe. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này cũng có nhiều thành phần gây hại đến sức khỏe con người, rất khó kiểm soát.

Do đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng.

Lễ mít-tinh là một trong những hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá và tuần lễ quốc gia không thuốc lá hàng năm, hướng tới mục tiêu tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Sự kiện đồng thời cũng là điểm nhấn truyền thông nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá rộng khắp trên toàn quốc.

Nhân dịp này, 43 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cũng tổ chức diễu hành, cổ động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá; Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies tổ chức cuộc thi online "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử - No Smoking Challenge" năm 2020.

THẢO HƯƠNG

 

Bạn đang đọc bài viết Thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại chuyên mục Nhịp cầu phụ trách của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]