BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ:

"Gánh gặng kép" của phụ nữ

Một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá tình trạng bình đẳng giới của một quốc gia là tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, để có được sự bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ phải chịu "gánh nặng kép" vừa thực hiện nhiệm vụ trong gia đình, vừa làm kinh tế.

Luật pháp và chính sách "mở đường" cho phụ nữ có quyền bình đẳng kinh tế

Nói đến bình đẳng giới về cơ bản là nói đến sự bình đẳng về quyền của phụ nữ với nam giới. Nói cách khác, cốt lõi của vấn đề quyền con người của phụ nữ chính là sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới. Chính vì vậy, ở góc độ chung nhất, đấu tranh cho bình đẳng giới cũng chính là đấu tranh cho các quyền của con người, của phụ nữ và ngược lại. Mối liên hệ giữa hai vấn đề bình đẳng giới và quyền con người của phụ nữ khăng khít đến mức đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau. Mặc dù trên thực tế, việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người của phụ nữ có những khác biệt nhất định về tính chất, hướng tiếp cận và biện pháp sử dụng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trên phương diện pháp lý quốc tế, vấn đề bảo vệ phụ nữ đã trở thành nội dung của nhiều công ước quốc tế từ đầu thế kỷ XX. Mặc dù vậy, quyền bình đẳng của phụ nữ mới chỉ chính thức đề cập trong pháp luật quốc tế kể từ khi Liên Hợp Quốc ra đời. Năm 1967, Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ là nền tảng cho sự ra đời của Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) vào ngày 18/12/1979. Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia sớm nhất tham gia CEDAW, chúng ta ký Công ước này vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 17/2/1982. Từ khi tham gia đến nay, chúng ta đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện Công ước. Một trong những thành tựu đó là hài hòa hệ thống pháp luật quốc gia với các nguyên tắc và quy định của CEDAW.

Nguyên tắc bình đẳng trong đó có bình đẳng giới được ghi nhận ngay trong Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam. Bình đẳng giới nam nữ từ đó trở thành một trong những nguyên tắc xuyên suốt trong tất cả các Hiến pháp về sau của chúng ta. Quyền bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế của phụ nữ và nam giới cũng được cụ thể hóa dần.

Ngoài ra, quyền bình đẳng giới trong lao động, kinh tế cũng đã được thể hiện bằng những Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về bình đẳng giới. Cụ thể như Công ước số 100 về "Trả công như nhau cho lao động làm công việc có giá trị ngang nhau" kêu gọi các quốc gia thành viên phải đảm bảo việc áp dụng nguyên tắc trả lương như nhau cho người lao động nam và nữ khi họ làm những công việc có giá trị tương đương nhau. Công ước này thúc đẩy sự trả công công bằng cho lao động nam và lao động nữ khi họ làm không chỉ những công việc giống nhau mà cả những công việc có giá trị như nhau.

Hay, Công ước số 111 về "Phân biệt đối xử việc làm và nghề nghiệp" đưa ra những tiêu chuẩn toàn diện để thúc bình đẳng về cơ hội và đối xử trong thế giới việc làm với mục tiêu là bảo vệ tất cả mọi người chống lại sự phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị, dòng giống quốc gia trong việc làm và nghề nghiệp. Công ước bảo vệ không chỉ những người đã có việc làm hoặc tham gia trong một nghề, mà cả những người đang chuẩn bị làm việc, đang tìm kiếm việc làm hoặc gặp rủi ro mất việc làm. Công ước áp dụng với tất cả các lĩnh vực của hoạt động và bao trùm tất cả các nghề nghiệp và công việc ở cả khu vực công và tư, cũng như trong nền kinh tế phi chính thức. Công ước này bao trùm không chỉ việc làm được trả công mà còn cả những công việc phụ thuộc và tự tạo.

Công ước số 156 về "Những người lao động có trách nhiệm gia đình" kêu gọi các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước này cần tạo điều kiện trong mục tiêu chính sách, pháp luật quốc gia của nước mình cho những người lao động với các trách nhiệm gia đình đang làm việc, hoặc muốn làm việc đều được quyền làm việc mà không bị phân biệt đối xử, không có mâu thuẫn giữa trách nhiệm công việc và trách nhiệm gia đình của họ.

Trong pháp luật Việt Nam, Điều 12 - Luật Bình đẳng giới quy định về quyền bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế như sau: Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới cũng quy định các biện pháp cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế. Đó là: doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật. Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

Bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam: vẫn còn nhiều thách thức

Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là

Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, năm 2016 là 22%, 2017 là 22,4%, năm 2018 là 23,8%.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo ông TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, tỷ lệ phụ nữ làm chủ DN là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia. “Tỷ lệ nữ làm chủ doanh ngiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020”, tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn.

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy có 3/4 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thuộc ngành thương mại - dịch vụ; doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ xuất phát chủ yếu từ hộ kinh doanh. Đặc biệt, khảo sát chỉ ra rằng, quy mô vốn doanh nghiệp càng tăng thì tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ càng thấp. Bên cạnh những khó khăn của thị trường mà mọi doanh nghiệp phải đối mặt, thì định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ là một rào cản lớn đối với các chủ doanh nghiệp nữ.

Bên cạnh vấn đề liên quan đến kinh doanh, doanh nhân nữ còn đảm trách phần lớn trách nhiệm gia đình. Số liệu điều tra cơ bản về bình đẳng giới trong các gia đình Việt Nam do Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy khi phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất kinh doanh thì sự tham gia của nam giới vào công việc nội trợ gia đình không tăng lên một cách tương xứng. Nói cách khác sự chia sẻ từ phía phụ nữ trong công việc sản xuất kinh doanh không đi liền với sự chia sẻ trong công việc nội trợ gia đình.

Một phát hiện nữa là tiếng nói có phần còn hạn chế của phụ nữ trong ra quyết định đối với công việc sản xuất kinh doanh. Trong gia đình phụ nữ thường quyết định nhiều hơn về vấn đề thai sản, còn nam giới ra quyết định nhiều hơn đối với sản xuất kinh doanh. Do là những người đảm nhiệm chủ yếu công việc nội trợ nên phụ nữ khó có thể được đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, tiếp cận thông tin, nâng cao khả năng cạnh tranh với tư cách là người lao động. Đặc biệt với tư cách là người sản xuất, kinh doanh. Rõ ràng để có thể cạnh tranh trên từng hoạt động, phụ nữ phải đầu tư hợp lý. Hiện nay, so với nam giới, phụ nữ đang được đầu tư quá thấp về thời gian để nâng cao trình độ, để học hỏi, giao tiếp và tích lũy kinh nghiệm. Như vậy, đối với các nữ doanh nhân việc cân đối được cả hai, vừa gia đình, vừa kinh doanh không đơn giản chút nào. Họ phải chịu “gánh nặng kép” để có thể được bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế.

Do đó, việc tạo ra khung pháp lý toàn diện về chính sách trợ giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hoặc điều hành như là những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm: trợ giúp tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới, nâng cao năng lực, công nghệ, trình độ kỹ thuật, xúc tiến mở rộng thị trường, tham gia kế hoạch mua sắm, cung cấp dịch vụ công, thông tin và tư vấn, trợ giúp phát triển nguồn nhân lực... là vô cùng cần thiết để đạt được bình đẳng giới thật sự trong lĩnh vực kinh tế.

HẠ THI

Bạn đang đọc bài viết "Gánh gặng kép" của phụ nữ tại chuyên mục Phong trào thiếu nhi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]