Độc đáo nghề thuốc nam truyền thống của người Dao

Nằm ở sườn Tây núi Ba Vì, xã Ba Vì từ nhiều năm nay nổi tiếng với nghề làm thuốc nam chữa bệnh. Trong hành trình khám phá các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng tại các xã của huyện Ba Vì, dừng chân tại xã miền núi Ba Vì để tìm hiểu nghề làm thuốc nam truyền thống của bà con cũng là một trải nghiệm thú vị.

Nét đặc sắc của nghề truyền thống 

Xã Ba Vì có 3 thôn là Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất, 98% nhân khẩu trong xã là người dân tộc Dao. Sinh sống ở vùng núi, kế bên Vườn Quốc gia Ba Vì - khu sinh thái lớn nhất huyện có hệ thực vật phong phú, đa dạng, có giá trị lớn, trong đó có hàng trăm loại cây dược liệu quý đã mang lại cho nhiều thế hệ người Dao ở đây nghề làm thuốc nam chữa bệnh cứu người. Đông nhất là những người Dao sinh sống tại thôn Yên Sơn.

Chị Lăng Thị Tuất- Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Vì, cũng là một người trẻ nối nghiệp ông cha phát triển nghề thuốc nam truyền thống.Chị Lăng Thị Tuất- Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Vì, cũng là một người trẻ nối nghiệp ông cha phát triển nghề thuốc nam truyền thống.

Chị Lãng Thị Tuất - Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Vì cho biết: Ở thôn Yên Sơn, nhà nào cũng biết làm thuốc, các thế hệ con cháu trong nhà tiếp nối học nghề từ ông bà, bố mẹ đi trước. Chỉ về phía đỉnh núi Tản Lĩnh, chị Tuất nhớ lại: Tuổi thơ của chị và các bạn thiếu niên trong làng, trong xã đều gắn bó với cây thuốc. Từ 6-7 tuổi, trẻ em trong làng, trong thôn đã được người thân chỉ bảo về nghề, bắt đầu từ những việc nhận diện cây thuốc, phụ giúp gia đình phân loại, đóng gói thuốc… Đến tuổi trưởng thành, thanh niên trai tráng vào rừng tìm cây thuốc, chế biến và bốc thuốc. Việc truyền nghề thường được các gia đình ở đây thực hiện theo những giai đoạn như vậy.

Với xã miền núi khó khăn xa trung tâm, đất nông nghiệp canh tác ít, nghề thuốc nam vừa là kế sinh nhai, mang lại thu nhập chính cho các gia đình trong xã vừa giúp các thế hệ người Dao ở đây tự chữa bệnh cho mình, người thân và làng xã. “Các cây thuốc quý ẩn mình dưới thảm thực vật phong phú của núi cao đại ngàn, trước đây, bà con phải lặn lội, khổ công vào rừng sâu, lên non cao để tìm kiếm, đường núi đèo dốc, đi lại vừa xa vừa vất vả, mất nhiều công sức, thời gian, mỗi chuyến đi tìm cây thuốc phải mất mấy ngày. Vì thế, trong các gia đình, công việc này thường do nam giới thực hiện. Tìm được cây thuốc về, chị em trong gia đình đảm nhận các công đoạn chế biến tiếp theo”- chị Lăng Thị Tuất cho biết.

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường nhựa liên thôn, liên xã trải xi măng phẳng lỳ, anh Triệu Việt Dũng – một người làm thuốc ở thôn Yên Sơn cho biết thêm: Trước đây, các con đường trong xã là đường đất, nhỏ hẹp, xuống cấp nên ngày nắng thì bụi, ngày mưa đầy bùn đất, nẻo đường mưu sinh của bà con rất khó khăn, vất vả; nhất là những ngày bà con vào rừng khai thác cây thuốc, có những đoạn dốc phải đu bám vào cây hoặc những đoạn trơn trượt phải ghì các ngón chân xuống đường để tạo độ bám chắc chắn. Đi rừng nhiều, lại thường đi chân trần, dép cao su trước đây không có độ bám, trơn nên người Dao những thế hệ trước thường có đôi bàn chân to hơn người bình thường. Sau này, việc tìm kiếm, thu hái cây thuốc của bà con vào rừng khai thác cây thuốc, có những đoạn dốc phải đu bám vào cây hoặc những đoạn trơn trượt phải ghì các ngón chân xuống đường để tạo độ bám chắc chắn. Đi rừng nhiều, lại thường đi chân trần, dép cao su trước đây không có độ bám, trơn nên người Dao những thế hệ trước thường có đôi bàn chân to hơn người bình thường. Sau này, việc tìm kiếm, thu hái cây thuốc của bà con thuận lợi hơn nhờ đôi ủng bảo hộ. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ, bà con tự trồng cây thuốc tại vườn nhà, không còn vào rừng khai thác như trước đây.

Lưu giữ và phát triển tinh hoa làng nghề

Nghề thuốc của người Dao Ba Vì được bồi đắp theo thời gian, thế hệ trước trực tiếp truyền thụ, hướng dẫn, chỉ bảo truyền thụ lại cho thế hệ sau. Những tinh hoa, kinh nghiệm làm nghề vì thế vừa kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc vừa tích lũy bí quyết gia truyền của chính dòng tộc, gia đình.

Theo anh Triệu Việt Dũng, sở dĩ thuốc nam vẫn được người dân gần xa ưa dùng khi có bệnh vì các cây thuốc quý được khẳng định dược tính qua nhiều thế kỷ nên lành tính, không sử dụng thuốc bảo quản hoặc được tẩm ướp các nguyên liệu khác. Sau khi dược liệu được thu hái, bà con người Dao sẽ chặt, xắt thành từng miếng nhỏ có kích cỡ, độ dày khác nhau phù hợp với mục đích sử dụng: rửa sạch và phơi khô. Những ngày hè hoặc vào tiết thu hanh hao, trên những khoảng sân trước nhà là la liệt các loại dược liệu được phơi khô dưới nắng vàng như rót mật. Khi đảm bảo yêu cầu, thuốc được lưu giữ đóng gói một cách cẩn thận.

Chị Lăng Thị Tuất - 
Chủ tịch Hội LHPN 
xã Ba Vì tại 
vườn dược liệu
Ảnh: PVChị Lăng Thị Tuất - Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Vì tại vườn dược liệu Ảnh: PV

Chị Lăng Thị Tuất trao đổi thêm: Trước đây, việc làm thuốc được thực hiện thủ công. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nghề làm thuốc của bà con đã bớt nhọc nhằn hơn nhiều. Thay vì dùng dao băm chặt, bà con đã sử dụng máy cắt, máy nghiền nên nguyên liệu đều nhau, phơi nhanh khô. Từ thuốc lá bốc theo thang, bà con đã có thêm nhiều các loại thuốc nghiền bột, nấu cao cô đặc, rất thuận tiện cho người tiêu dùng, không phải đun hay sắc mất nhiều thời gian.

Để tiêu thụ sản phẩm, người Dao ở Yên Sơn thường gùi thuốc đến các chợ trong xã, trong huyện, các hội chợ và triển lãm để bán sản phẩm. Mấy năm trở lại đây, với sự phát triển của công nghệ, thế hệ những người trẻ của các gia đình nối nghiệp ông cha đã sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá giới thiệu nét đẹp tinh hoa làng nghề. Với thương hiệu tập thể được khẳng định qua thời gian, nhiều khách hàng ở xa biết tiếng đã đặt hàng qua mạng, bà con đóng gói, chuyển xe khách đến tận tay người tiêu dùng.

Những nỗ lực của bà con đã được ghi nhận, huyện Ba Vì công nhận thôn Yên Sơn là làng nghề thuốc nam truyền thống, mở ra nhiều cơ hội phát triển, kinh doanh cho những người làm nghề; thu hút được các bạn trẻ trong xã duy trì và tiếp nối truyền thống của gia đình, đóng góp sức trẻ phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các bạn trẻ theo nghề được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, tham gia các lớp học về trồng trọt, chế biến thuốc nam tại trường Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội giúp thanh niên trẻ trong thôn trang bị bằng cấp, hỗ trợ cho việc bắt bệnh, chuẩn đoán chính xác hơn và đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định. Nghề thuốc nam ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tại thôn Yên Sơn và xã Ba Vì, nhiều mô hình Hợp tác xã tập hợp các xã viên trồng thuốc đã được thành lập, góp phần thay đổi phương thức làm ăn, chuyển hướng kinh doanh tập thể, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn ngay tại địa phương, hạn chế tình trạng thất nghiệp, phải đi làm ăn xa nhà.

Từ xã miền núi khó khăn, nhờ cây thuốc, đời sống của người dân nơi đây đã bớt vất vả. Đặc biệt, quá trình xây dựng nông thôn mới, được sự đầu tư của thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì cùng công sức đóng góp của bà con, diện mạo xã Ba Vì và thôn Yên Sơn được cải thiện, đường làng ngõ xóm khang trang, giao thông đi lại thuận lợi đã đưa Yên Sơn đến gần hơn với du khách. Nằm trong quần thể các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nổi tiếng của huyện Ba Vì, xã Ba Vì đang được đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Trên hành trình khám phá non nước hữu tình của huyện Ba Vì, dừng chân tại Yên Sơn để cùng nhau tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của nghề truyền thống làm thuốc nam cũng là trải nghiệm thú vị, độc đáo.

HẢI MINH

Bạn đang đọc bài viết Độc đáo nghề thuốc nam truyền thống của người Dao tại chuyên mục Phong trào thiếu nhi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]