Khắc mãi tên Người - Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tháng 5, nhiều triển lãm được tổ chức giới thiệu những hiện vật, hình ảnh, tư liệu, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc… về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và thế giới, cũng như tình cảm của nhân dân đối với Người.

Tác phẩm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập của hoạ sĩ Nguyễn Dương được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt NamTác phẩm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập của hoạ sĩ Nguyễn Dương được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhiều tài liệu, hiện vật độc đáo

“Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” là tên triển lãm đang diễn ra tại bảo tàng Hồ Chí Minh thu hút rất đông quần chúng nhân dân và du khách tới tham quan. Hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc lựa chọn từ kho cơ sở của bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng được giới thiệu, trong đó có những hiện vật, hình ảnh đặc biệt như: “Bức chân dung ánh sáng năm 1946” do nhiếp ảnh gia người Pháp Laure Albin Guilliot chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh; trang sổ lương của Anh Văn Ba được sao lại từ cuốn sổ lương của tàu Amiral Latouche Tréville do bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại tại Aix en Provence, Pháp…

Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - ông Vũ Mạnh Hà, trong số các hiện vật được giới thiệu, đáng chú ý là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nhà tù Côn Đảo - lần đầu tiên được Bảo tàng Hồ Chí Minh cho ra mắt công chúng. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, bức tượng đã được các chiến sĩ cách mạng bí mật cất giấu vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp và mang theo ra Côn Đảo. Trong một cuộc khám xét các phòng giam, Giám ngục Paul Atoine Miniconi đã thu được bức tượng này. Hiểu giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp của những chiến sỹ cộng sản dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ông đã quyết định giữ bức tượng và mang về Pháp sau khi hết thời gian công tác tại Việt Nam (năm 1952). Bức tượng có thời gian lưu lạc ở Pháp và mới trở về Việt Nam qua đường ngoại giao…

Cùng với đó, rất nhiều triển lãm cũng được tổ chức nhân dịp này như triển lãm ảnh “Người là niềm tin tất thắng” diễn ra tại Nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng; triển lãm sách báo với chủ đề “Khắc mãi tên Người - Hồ Chí Minh” tại Thư viện Quân đội; trưng bày chuyên đề “Luôn có Bác trong tim” giới thiệu những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo và tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội nhân dân Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, quận Ba Đình); triển lãm tranh “Tháng Năm nhớ Bác” trưng bày 13 tác phẩm đặc sắc, tuyển chọn từ hơn 100 bức tranh sơn dầu vẽ Bác Hồ do họa sĩ Thái Hòa sáng tác trong 5 năm qua…

Mở rộng trên không gian internet

Không chỉ triển lãm trực tiếp để công chúng tới thăm quan, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật còn được giới thiệu trực tuyến để tiếp cận tới đông đảo công chúng trong nước và thế giới.

Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị lãnh tụ, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, dịp này bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức giới thiệu 28 tác phẩm chọn lọc với chủ đề “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (tại website và fanpage của Bảo tàng). Đại diện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, trong nghệ thuật tạo hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa chân thực và sinh động trên nhiều thể loại hội họa, đồ họa, ký họa, áp phích; với sự đa dạng về chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước, tranh in… Bút pháp và phong cách tác giả tuy có khác nhau, nhưng các tác phẩm đều toát lên sự giản dị, thanh cao, thể hiện sâu sắc tấm gương đạo đức, phong cách của Người.

Các tác phẩm được giới thiệu lần này đa dạng, gợi nhớ những năm tháng Bác ra đi tìm đường cứu nước. Hay, sự quan tâm, tình thương yêu của Bác đối với mọi tầng lớp nhân dân, từ những chiến sĩ ngoài mặt trận đến bà con nông dân, các cháu thiếu niên nhi đồng được thể hiện chân thực trong các tác phẩm. Không chỉ các nghệ sĩ Việt Nam thành công khi biểu hiện tình cảm, tấm lòng hướng về Bác, mà một số tác giả nước ngoài như David Thomas (Mỹ), Lee Sang Phill (Hàn Quốc)… khi sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, cũng bày tỏ niềm tôn kính nhất.

Cùng hướng đi này, triển lãm “Luôn có Bác trong tim” tại bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cũng được trưng bày song song trên trang thông tin điện tử của bảo tàng để nhân dân không có điều kiện tham quan có thể tìm hiểu... Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đáng lo ngại thì việc mở triển lãm song song trên các trang điện tử là một hướng đi phù hợp, đồng thời tạo sự lan toả rộng khắp.

Thông qua những góc nhìn khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các triển lãm khắc họa hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình, hiến dâng cả cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giàu lòng bác ái, thanh bạch, dung dị và gần gũi trong cuộc sống đời thường. Nhân cách cao đẹp của Người đã tạo nên những giá trị nhân văn cao cả, có sức lan tỏa trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trong trái tim nhân loại.

MINH HOÀNG 

Bạn đang đọc bài viết Khắc mãi tên Người - Hồ Chí Minh tại chuyên mục Tổng phụ trách giỏi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]